Đi tìm "phù thuỷ" biến tóc đen thành tóc bạc

Việt Anh, Theo 00:00 09/01/2012

Nghiên cứu khoa học lý giải nguyên nhân việc bị bạc tóc của con người từ Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Khi được phỏng vấn gần đây về mái tóc đang chuyển dần sang màu bạc của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rằng đó là do gen di truyền của ông chứ không phải do hội chứng stress. Theo tờ ABC, Obama phát biểu: "Ông nội tôi bắt đầu bạc tóc từ năm ông ấy 29 tuổi nên tôi khẳng định rằng điều ấy đang xảy đến với tôi một cách hết sức tự nhiên và trùng hợp khi tôi đang là tổng thống Mỹ".

Barack Obama với mái tóc đang ngày càng bạc trắng.

Mặc dù nghe có vẻ khó tin nhưng các nhà sinh học đã lên tiếng bảo vệ quan điểm của "ông chủ Nhà Trắng". Theo đó, họ khẳng định di truyền là yếu tố quyết định đến quá trình làm bạc tóc. Theo một bài báo khoa học trên tờ Investigative Dermatology, người da trắng tóc bắt đầu bạc vào khoảng 34 - 35 tuổi, người châu Á là khoảng 39 - 40 tuổi, còn người châu Phi thì vào khoảng 44 - 45 tuổi. (Obama bắt đầu bạc tóc năm 40 tuổi,  bố ông là người da đen và mẹ là người da trắng).

Mái tóc của Obama đã bạc trắng sau khi nhậm chức được một thời gian.

Gen - yếu tố chính làm bạc tóc?

Mặc dù các chi tiết cụ thể còn chưa rõ ràng, song lý thuyết cơ bản cho rằng, tóc bạc là do các nang lông già đi và dần dần rụng. Trong mỗi vòng đời con người, nang lông trải qua 10 đến 30 chu kì sinh sản và cứ mỗi giai đoạn nó lại sản xuất enzim catalase ít đi. Đây là enzim cực kì quan trọng nhằm ức chế một hóa chất khác bên trong cơ thể có khả năng làm trắng màu tóc tên là “hydrogen peroxide”. Đây là lý do mà tóc người lớn tuổi càng ngày càng bạc trắng.

Các chuyên gia lại không hẳn đồng tình với ý‎ kiến trên và khẳng định vai trò của stress trong việc làm biến đổi màu tóc từ đen sang trắng.


Theo nhà sinh vật học Gerald Weissman, tổng biên tập báo FASEB đã trả lời phỏng vấn tờ Life's Little Mysteries: “Gen, gen, gen, tôi nghĩ đó là câu trả lời”. Ông đã minh chứng điều này khi chỉ vào mái tóc của những người dân trẻ ở Ai Cập, Libya (2 đất nước đầy xung đột) và những binh lính Israel. Rõ ràng, tóc của họ không có dấu hiệu bạc dù sự căng thẳng tột độ luôn bao trùm các khu vực trên.

Song, không phải ai cũng đồng tình với khẳng định của Weissmann. Abdrzej Slomiski, chuyên gia y tế thuộc Đại học Tennessee đồng ý rằng, gen có ảnh hưởng lớn nhất nhưng ông vẫn đề cao vai trò của "phù thủy" stress. Có một mối liên hệ mật thiết giữa stress và lão hóa tóc: “Trong chiến tranh thế giới thứ hai, rất nhiều người lính đã bạc hết tóc chỉ trong vòng một đêm”.

Vậy stress mới là kẻ thù của tóc?

Mặc dù cơ chế tác động chưa thực sự được xác định rõ ràng nhưng bằng chứng này đã chứng tỏ tính đúng đắn của nhận định trên. Ralf Paus, giảng viên tại Đại học Luebeck, đã đưa ra giả thuyết rằng hormone stress có thể dẫn đến việc sản xuất các gốc hóa chất tự do. Những gốc ấy có thể gây hại cho tế bào biểu bì tạo hắc tố, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo màu đen cho tóc. 

Trong thực tế, stress liên quan đến rất nhiều quá trình khác của cơ thể, chẳng hạn như hệ thống ức chế miễn dịch, tiêu hóa, huyết áp. Paus và cộng sự của ông đang hết sức nỗ lực và cố gắng trong việc tìm ra cơ chế “phù phép” thật sự của stress đối với màu tóc con người.