Đi dự đám cưới của các bộ lạc châu Phi

Nhung Nguyen, Theo 10:00 08/10/2010

Bên cạnh những vẻ đẹp riêng rất lôi cuốn, những phong tục đôi khi cũng trở thành hủ tục khi sự gò bó trở nên quá lớn! <img src='/Images/EmoticonOng/06.png'>

Dưới tác động của sự toàn cầu hóa, những phong tục như phong tục cưới của các bộ lạc châu Phi cũng đang bị mai một dần. Nhưng cũng có những tục lệ rất hà khắc nếu không muốn nói là cổ hủ . Những hình ảnh dưới đây là một trong số ít phong tục còn sót lại của các bộ lạc.
 
 
Tại Djibouti, cô dâu trong ngày cưới của mình phải che mặt bằng mặt nạ vàng. Theo truyền thống, đám cưới tại đây được tổ chức nhiều ngày liền.
 
 
Một bà mẹ người bộ lạc Berber, Maroc đang hôn lên đầu gối con gái mình để chúc phúc cũng như tạm biệt khi trao con gái cho người chồng tương lai. Theo phong tục cưới, ban ngày là lễ hội ăn uống, đêm là ca hát, nhảy múa mừng hạnh phúc của cô dâu và chú rể.
 
 
Khuôn mặt rạng rỡ của cô dâu nhí 12 tuổi thuộc bộ lạc Berber. Mặc dù theo luật của Maroc, con gái dưới 16 tuổi không được cưới chồng nhưng người Berber lại tuân theo một luật lệ của riêng mình (phép vua thua lệ làng là thế này đây! ). Ở vùng núi Imilchil, những phiên chợ tình được tổ chức hàng năm để những người đàn ông chọn vợ. Nếu bố mẹ cô dâu ưng ý với chàng rể, lễ cưới sẽ được tiến hành.
 
 
Vào mùa lễ hội gắn đôi của dân tộc Karo, Ethiopia, những cô gái sẽ sơn mặt và người mình, đeo những chiếc vòng sặc sỡ và hòa vào điệu nhảy truyền thống. Sau buổi tối lễ hội đó, rất nhiều chàng trai, cô gái đã kết thành đôi.
 
 
Một cô dâu Karo trong ngày cưới: hóa trang bằng những hoa văn giống những đốm trên người một chú lợn rừng. Họ tin rằng cách hóa trang này sẽ thu hút ánh nhìn của những chàng trai.
 
 
Một lễ cưới Swahili, Kenya truyền thống bao gồm rất nhiều các nghi thức, bao gồm cả các phong tục làm đẹp cho cô dâu. Trước lễ cưới, các cô dâu phải tự "thiết kế" những hình vẽ trên chân tay mình để những người thân làm công đoạn vẽ.
 
 
Khác với các cô dâu khác được trang điểm cầu kỳ, cô dâu của bộ lạc Swahili thu hút sự chú ý của chú rể bằng ánh nhìn hút hồn. Theo phong tục của đạo Hồi, cô dâu vẫn phải đeo mạng vào ngày cưới, không được tự chọn chồng mà phải nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ. Thậm chí, trong ngày cưới, cô dâu còn không được nói một từ nào. Các bạn thấy luật lệ ở đây có nghiêm khắc không?
 
 
Điệu nhảy đám cưới truyền thống của những người phụ nữ Rashaida, điệu nhảy chỉ diễn ra vào lúc hoàng hôn trong suốt tuần lễ tổ chức đám cưới. Theo phong tục của người Rashaida, Eritrea, họ chỉ cưới những người trong bộ lạc, cô dâu phải có mạng để che mặt. Tại đám cưới, khách có thể xem đua lạc đà, nhảy múa và tiệc cưới gồm thịt dê, cháo và trà sữa.
 
Một cô gái Rashaida trong ngày trọng đại. Chiếc mạng che mặt truyền thống này có tên là burga.
 

Khăn cưới làm từ da bò
 
Một người mẹ bộ lạc Himba, Namibia đang đội khăn cưới làm từ da bò lên đầu con gái 15 tuổi của mình. Theo phong tục nơi đây, khăn đội đầu này được truyền từ mẹ sang con gái qua các đời, và khi cô dâu bị chú rể và gia đình chồng “bắt cóc”, cô dâu phải phủ khăn xuống để che mặt.
 

Một cô dâu người Maasai, Kenya đang khóc
 
Một cô dâu người Maasai, Kenya đang khóc khi sắp phải chia tay gia đình mình. Những người phụ nữ Maasai không được chọn chồng mà họ phải tuân theo sự sắp đặt của cha mẹ, thường là lấy những người đàn ông già hơn họ rất nhiều. Một phong tục của người Maasai là lần đầu tiên về nhà chồng, cô dâu có thể từ chối không vào nhà cho đến khi nào hài lòng với món quà gia đình chồng đưa cho.
 

Cô dâu khoác... chăn cưới lên người
 
Phía bắc của Pretoria, Nam Phi là nơi cư trú của bộ lạc Ndebele, họ có một phong tục khá độc đáo là vào ngày cưới, cô dâu sẽ khoác lên mình chiếc chăn cưới và từ đó về sau cô dâu sẽ “khoe” chiếc chăn cưới này tại bất kỳ một sự kiện quan trọng nào. Người Ndebele tổ chức đám cưới có thể kéo dài hàng năm trời, cuối cùng kết thúc bằng việc sinh em bé.