Đa số các
quốc gia trên thế giới đều nằm gọn trong một châu lục duy nhất như Việt Nam thuộc châu Á, Pháp thuộc châu Âu, hay Australia thuộc châu Úc…
Tuy nhiên, do diện tích rộng lớn hoặc nằm ngay vị trí tiếp giáp mà một số ít quốc gia trải dài trên cả hai lục địa. Do ở vị trí địa lí đặc biệt, các quốc gia này thường có một sự pha trộn đa dạng về hệ sinh thái, phong tục và lối sống con người.
Hãy cùng làm một chuyến khám phá những quốc gia đặc biệt có vai trò là “cầu nối” giữa hai châu lục qua bài viết dưới đây.
1. Ai Cập
Có diện tích 1.010.408 km vuông, Ai Cập là quốc gia nối giữa góc Đông Bắc của châu Phi và góc Tây Nam của châu Á, thông qua cây cầu đất được hình thành bởi bán đảo Sinai.
Với hơn 89 triệu dân, Ai Cập là quốc gia đông dân nhất ở Bắc Phi.
Đa phần người dân Ai Cập sống ở hai bờ sông Nile, với diện tích khoảng 40.000 km vuông. Đây cũng là nơi duy nhất nhận đất canh tác từ lượng phù sa màu mỡ do dòng sông Nile đem lại.
Phần lớn lãnh thổ còn lại của Ai Cập là những vùng sa mạc thuộc Sahara nhưng dân cư sinh sống thưa thớt.
Thị trấn El Gouna, Ai Cập
Khu lăng mộ Giza.
Ai Cập là một trong những quốc gia có lịch sử lâu đời và được xem là cái nôi của nền văn minh nhân loại. Người Ai Cập cổ đại đã phát triển từ rất sớm các hình thức của chữ viết, nông nghiệp, đô thị, tôn giáo và tổ chức chính quyền.
Hình ảnh tượng nhân sư lớn ở Giza, Ai Cập.
Hiện tại, các di tích nổi tiếng của Ai Cập bao gồm khu lăng mộ Giza, tượng Nhân sư lớn cùng tàn tích của Memphis, Thebes, Karnak, Thung lũng các vị vua đang thu hút lượng lớn khách tham quan mỗi năm và là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất thế giới.
2. Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ có phần lớn diện tích nằm ở Tây Á và phần nhỏ hơn nằm ở Đông Nam châu Âu. Vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ tại ngã tư của châu Âu và châu Á khiến quốc gia này có một vị trí chiến lược quan trọng.
Diện tích Thổ Nhĩ Kỳ là 783.562 km vuông với dân số gần 78 triệu người.
Vùng đất thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay đã có dân cư sinh sống từ thời Đồ đá cũ và từng được cai trị bởi nhiều đế quốc lớn trong lịch sử như Hy Lạp, La Mã đến đế chế Byzantine và Ottoman.
Thổ Nhĩ Kỳ có một hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động thực vật là tổ tiên của các giống vật nuôi, cây trồng phổ biến trên thế giới ngày nay như hoa tulip, dê Angora, chó Malaklı và Kangal,…
Nhà thờ Hagia Sophia ở Istalbun, Thổ Nhĩ Kỳ
Không chỉ là một cường quốc trong quá khứ, hiện nay Thổ Nhĩ kỳ là nước có GDP lớn thứ 17 thế giới, và là một trong những thành viên sáng lập của G20 và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD.
3. Nga
Nga có vị trí nằm ở Bắc Á và Đông Âu, với diện tích trên 17.075.400 km vuông, chiếm hơn 1/8 diện tích đất liền trên Trái Đất. Với diện tích "khủng" như vậy, Nga là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới.
Quốc gia này cũng là một cường quốc về dân số với gần 144 triệu người, đứng thứ 9 trên thế giới. Vì trải dài trên một khu vực rộng lớn nên người dân Nga sử dụng đến 9 múi giờ khác nhau trên khắp đất nước.
Hồ Baikal, Nga
Địa hình và khí hậu Nga vô cùng đa dạng từ vùng cực, các cánh rừng Taiga đến đồi núi, đồng bằng và thậm chí là sa mạc. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Nga sở hữu một trữ lượng khoáng sản vô cùng lớn và phong phú như gỗ, than, dầu mỏ khí tự nhiên, quặng kim loại và nhiều loại khoáng sản khác.
Lịch sử hình thành quốc gia này bắt đầu từ khoảng giữa thế kỷ thứ III với một nhóm các dân tộc Slavic sống ở vùng Đông Slav.
Cung điện mùa Đông ở thành phố St Petersburg, Nga
Vào thế kỷ thứ XVIII, sau các cuộc chinh phục "thần thánh", Nga hình thành và trở thành đế quốc lớn thứ ba trong lịch sử, sau đế quốc Anh và Mông Cổ.
Quảng trường Đỏ tại thủ đô Moscow, Nga.
Dù trải qua nhiều khủng hoảng và suy thoái, đến nay Nga vẫn là quốc gia có GDP lớn thứ 6 trên thế giới và có tầm ảnh hưởng trong các vấn đề kinh tế - chính trị toàn cầu.
4. Kazakhstan
Kazakhstan là một quốc gia nằm đa phần ở Trung Á, và một phần nhỏ Đông Âu tại vùng phía Tây của dãy núi Ural. Kazakhstan là quốc gia lớn nhất thế giới không giáp biển và là quốc gia lớn thứ 9 thế giới, với diện tích 2.724.900 km vuông, lớn hơn toàn bộ Tây Âu cộng lại.
Với diện tích rộng lớn nhưng Kazakhstan lại có dân cư vô cùng thưa thớt, với chỉ 18 triệu người, chiếm thứ 61 trên thế giới về dân số và là quốc gia có mật độ dân thấp nhất trung bình là 6 người/km vuông.
Những thợ săn bằng chim đại bàng tại Kazakhstan.
Chiếm 1/3 diện tích Kazakhstan là các vùng thảo nguyên và đồng cỏ. Do đó, lịch sử quốc gia này gắn liền với các bộ tộc du mục.
Đến thế kỷ thứ XIII, Kazakhstan là một trong những quốc gia bị chinh phục và nằm trong đế quốc Mông Cổ rộng lớn của Thành Cát Tư Hãn. Vào khoảng năm 1936, quốc gia này trở thành một thành viên quan trọng trong Liên bang Xô viết.
Thủ đô Astana, Kazakhstan.
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Kazakhstan tuyên bố độc lập và là một nước Cộng hòa đơn nhất (không liên bang). Hiện quốc gia này đang phát triển ổn định, sở hữu một nền kinh tế thuộc loại lớn và mạnh nhất tại khu vực Trung Á.
5. Panama
Panama là quốc gia nối liền giữa hai lục địa Bắc và Nam Mỹ. Đây là nơi sinh sống của một số bộ tộc bản địa châu Mỹ trước khi có sự định cư của người Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI.
Panama hiện nay có diện tích 75.517 km vuông, với dân số 3,6 triệu người thuộc các tộc người da trắng, da màu và người Mỹ bản địa.
Do là nơi giao nhau giữa Bắc và Nam Mỹ nên Panama sở hữu hệ động thực vật phong phú, đa dạng trộn lẫn của cả hai châu lục. Độ đa dạng sinh vật của Panama giữ vị trí cao nhất trong tất cả các quốc gia Trung Mỹ.
Rừng mưa nhiệt đới tại Panama.
Trước năm 1903, Panama nằm trong quốc gia khác là Colombia. Sau khi tuyên bố độc lập, quốc gia này được Mỹ giúp xây dựng một trong những công trình vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại - kênh đào Panama.
Đây là con kênh nối liền giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, giúp rút ngắn hơn một nửa khoảng cách đi lại của tàu thuyền giữa hai đại dương.
Kênh đào Panama.
Kể từ khi hoàn thành và mở cửa, mỗi năm kênh đào Panama tiếp đón hơn 14.000 tàu thuyền đi qua, mang theo trên 203 triệu tấn hàng hóa. Năm 1977, một thỏa thuận được ký kết chuyển hoàn toàn quyền sở hữu kênh đào từ Mỹ đến chính phủ Panama.
Lượng phí thu được từ kênh đào góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế Panama.
Doanh thu đem lại từ phí sử dụng kênh đào góp một phần đáng kể vào GDP của Panama, cùng với các ngành thương mại ngân hàng, du lịch, đưa quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai và có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Trung Mỹ.
Nguồn: Familypedia, Wikipedia