Đến Madagascar xem loài vượn cáo Sifakas mặt đen, lông trắng

Hương Quyên, Theo Mask Online 00:00 30/03/2012

Với số lượng cá thể sắp chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, loài vượn này đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng...

Madagascar (châu Phi) được biết đến với diện tích rừng nhiệt đới rộng lớn, là ngôi nhà chung của muông thú, đặc biệt là vượn cáo với số lượng loài lên tới 70. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là loài động vật linh trưởng này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao.

Vượn cáo Safikas là một trong số những loài động vật có vú quý hiếm của Trái đất và được liệt vào danh sách 25 loài động vật linh trưởng nguy cấp nhất thế giới của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) công bố. Vậy lối thoát nào cho loài vượn cáo ở đây khi chúng bị con người săn bắt và chúng đã phải đấu tranh để sinh tồn như thế nào?


Vượn cáo Safikas, tên khoa học là Propithecus candidus, chúng rất dễ được nhận biết với bộ lông dài, màu xám trắng và cực óng mượt. Tổng chiều dài cơ thể (tính cả đuôi) khoảng 93 - 105cm, với trọng lượng 5,5 - 6,5kg. Safikas sinh sống chủ yếu trong các rừng nhiệt đới phía Đông Bắc Madagascar. Theo điều tra mới nhất, số lượng cá thể của loài cực kỳ báo động, chỉ khoảng 300 cá thể. 

 Các nhà khoa học đang chăm sóc cho chú vượn con.

Cũng giống như các họ hàng khác, vượn cáo lông mượt Safikas sống theo từng nhóm nhỏ từ 2 - 9 cá thể. Hàng ngày, chúng chia nhau đi kiếm thức ăn, chủ yếu là lá cây, các hạt giống, hoa, trái cây… thậm chí là cả rác nữa!

Safikas lông mượt cũng là loài động vật sinh sản theo mùa, chúng chỉ giao phối duy nhất 1 lần trong năm vào đầu mùa mưa và trong 2 năm chúng chỉ sinh ra duy nhất 1 con non. Chính vì vậy, sự sống của loài này càng đáng lo ngại với số lượng ít ỏi như hiện nay. Trong vài tuần đầu tiên, con non bám trên ngực mẹ, sau 4 tuần thì chúng được mẹ cõng trên lưng. Những con non sinh ra được nhận sự săn sóc đặc biệt của tất cả thành viên trong nhóm, vì vậy mà chúng phát triển khá nhanh. Đây là một trong những đặc tính điển hình của loài này.

Vượn mẹ chăm sóc con.

Tình trạng săn bắt lấy thịt, môi trường sống xáo trộn, khai thác gỗ trái phép càng đe dọa nghiêm trọng đến sự sống của loài này. Chúng ẩn náu khá sâu trong các khu rừng nhiệt đới phía Đông Bắc Madagascar, vì vậy rất khó để các nhà khoa học có thể tìm thấy chúng trong các khu rừng tự nhiên.


Với số lượng cá thể sắp sửa chỉ còn đếm trên đầu ngón tay của loài, các nhà quản lý đã thực sự vào cuộc với các biện pháp cấp bách đưa ra để bảo vệ chúng như đưa vào khu bảo tồn hay nuôi nhốt... Tuy nhiên, rất ít cá thể có thể sống sót trong điều kiện nuôi nhốt, chúng chỉ có thể sống trong thời gian rất ngắn. Hiện nay, một số cá thể của loài được bảo vệ trong công viên quốc gia Marojey và khu dự trữ loài Anjanaharibe.

Tình trạng khai thác gỗ trái phép ở Madagascar.

Đứng trước tình trạng nguy cấp của loài, chính quyền nơi đây đã đưa ra những biện pháp xử phạt gắt gao đối với các trường hợp khai thác gỗ bất hợp pháp và theo dõi chặt chẽ tình trạng săn bắt trái phép khu vực loài sinh sống. Chính vậy, tình trạng xuất khẩu gỗ trái phép ở Madagascar gần như được ngăn chặn, có thể nói đây là điều kỳ diệu, tạo cơ hội mới cho vượn cáo lông mượt Safikas.

Có thể nói, điều duy nhất chúng ta có thể làm để cứu cuộc sống của những con vượn cáo Safikas là hãy làm mọi cách để bảo vệ các khu rừng còn lại - nơi mà ta tìm thấy chúng…