Những con ngỗng Canada hạ cánh xuống làn nước lạnh lúc sáng sớm. Loài động vật di cư này phụ thuộc nhiều vào môi trường nước và đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề khi các vùng đất ẩm bị biến thành đất xây dựng, trồng trọt của con người cũng như việc săn bắn quá đà trong quá khứ. Hiện giờ, chúng đã tự thích nghi để có thể sống ở các vùng nước do con người tạo ra trong công viên hay các sân golf.
Hai cậu bé đang buông câu ở hồ Tumba tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo. Hồ này có một lượng lớn các loài cá cũng như cá sấu nước ngọt và hà mã. Hệ sinh thái nước ngọt chỉ chiếm khoảng dưới 1% bề mặt Trái đất nhưng lại là ngôi nhà của 35% các loài động vật có xương sống. Tại hồ Tumba, việc con người di cư quá nhiều đến đây cũng như các hoạt động đánh bắt không được kiểm soát đã khiến lượng động vật giảm đi nhanh chóng.
Con diệc trắng đang cố gắng nhấc con mồi lớn của nó khỏi mặt nước. Loài chim này sống ở hầu hết các khu vực trên thế giới nhưng chỉ quanh quẩn tại các nơi có nước vì thức ăn của chúng chủ yếu là cá. Hiện tại, diệc trắng ở Bắc Mỹ đang có nguy cơ lâm vào cảnh đói kém khi 40% các loài cá ở đây đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Vùng đất ngập nước Everglades còn được biết tới với cái tên dòng sông Cỏ là một trong các hệ sinh thái ngập nước lớn nhất thế giới. Với diện tích khoảng trên 20 nghìn km vuông, nó là ngôi nhà lớn của cá sấu, báo Florida cũng như những cánh rừng đước bạt ngàn. Tuy nhiên con người đang khiến thiên nhiên thay đổi nhanh chóng với các công trình tưới tiêu cũng như các nỗ lực phát triển khác. Chỉ còn khoảng 2% diện tích tự nhiên tại đây chưa bị đụng chạm tới và đó cũng là hiện trạng chung của các hệ sinh thái ngập nước khác trên thế giới.
Con hà mã ngẩng đầu qua những đám thực vật thủy sinh trên dòng sông Zamberi chảy qua phía nam Châu Phi. Mỗi ngày, chúng dành khoảng 16 giờ để bơi lội dưới nước nhằm giữ cho cơ thể luôn mát mẻ. Chỉ khi đêm xuống, hà mã mới lên bờ ăn cỏ để nuôi sống cơ thể nặng tới 3 tấn của mình.
Loài hoa súng thân dài như tạo thành những chiếc ô che chở cho các sinh vật nhỏ dưới nước. Ảnh được chụp tại sa mạc Chihuahuan của Mexico, nơi có những vùng nước chảy thẳng ra từ lòng đất và nhờ đó giữ được sự tinh khiết. Khu vực rộng khoảng 1.300 km vuông này đã được ngăn cách với các nguồn nước khác trong hàng triệu năm và sở hữu nhiều loài động vật đặc hữu.
Con rắn chuông diamonback đang uốn mình giữa những thân cây đước ở vùng Everglade, Florida, Mỹ. Đước là loài thực vật đặc trưng của các vùng ngập mặn và là 1 trong khoảng 700 loài cây tại Everglade.
Để chống lại cái nóng của vùng sa mạc, những con rùa hộp Chihuahuan dầm mình xuống làn nước tại một khu đầm phá. Loài rùa này là những con vật thích nước nhất trong các loại rùa hộp, chúng sống 90% thời gian mà không cần lên bờ. Hiện nay khu vực cư trú của rùa hộp đang bị thu hẹp nhanh chóng do tác động của con người. Nhìn một cách toàn diện, tỷ lệ các loài động vật trên cạn tuyệt chủng cao gấp 6 lần so với động vật biển.
Một con chuồn chuồn đang bay tới uống nước đọng trên lá súng. Nhờ các lá có thể rộng tới 1m, cây hoa súng trở thành nơi lưu giữ nguồn nước mưa trong lành quý giá cho các loài sinh vật nhỏ như chuồn chuồn, giúp chúng có nước uống giữa khu vực ngập mặn.
Những con cá hồi đỏ có một tập quán đặc biệt. Chúng được sinh ra ở thượng nguồn các dòng sông, sau đó bơi ra biển cả sống phần lớn cuộc đời trước khi bơi ngược dòng quay trở lại cố hướng để đẻ trứng. Trong ảnh là những con cá hồi đang bơi trên sông Ozernaya tại bán đảo Kamchatka của nước Nga. Tuy nhiên, cuộc hành trình về lại cội nguồn của cá hồi đỏ đang bị đe dọa khi những tuyến đường tới các khu mỏ ở vùng này được mở ngày càng nhiều và cùng với đó là sự xuất hiện của những người câu cá tham lam.