Da mặt con người là vùng da phải tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài như ánh nắng Mặt trời, bụi bặm, hóa chất…nhiều nhất. Đó cũng là lý do vùng da này dễ gặp phải những tổn thương như nám, cháy nắng, mụn, cũng như nhanh bị nếp nhăn, lão hóa.
Với mong ước có được một da mặt hoàn mỹ, từ xa xưa, con người đã không ngừng tìm kiếm và phát triển những phương pháp lột da khác nhau… Cùng ngược dòng lịch sử khám phá quy trình lột da mặt "tự cổ chí kim" qua bài viết dưới đây.
Lột da mặt là một phương pháp thẩm mỹ không thông qua phẫu thuật mà sử dụng các hợp chất làm mặt nạ để loại bỏ lớp da mặt bị hư hại. Thông qua biện pháp này, lớp da tổn thương sẽ bị bong ra, phần da mới sẽ tái sinh, khỏe, đẹp hơn.
Ferdinand Ritter von Hebra - một trong những người tiên phong trong phương pháp "lột da mặt". Ít người biết rằng, công nghệ lột da mặt này không phải mới phát triển mà đã có tiền đề từ cuối thế kỷ XIX bởi các bác sĩ người Pháp. Khi đó, người ta trộn oxit kẽm, mỡ heo, dầu oliu với axit salicylic theo tỉ lệ nhất định và đắp lên mặt bệnh nhân 2 lần/ngày cho tới khi da mặt có màu nâu và khô.
Các bác sĩ tiếp tục sử dụng công thức hóa chất thứ hai gồm oxit kẽm, nước sôi, gelatin trắng và glycerin đắp lên da mặt. Gelatin lỏng và ấm sẽ bám chặt vào da, tạo thành một mặt nạ cực kì chắc chắn. Sau từ 3-4 ngày, mặt nạ này dần dần bong ra theo lớp da chết và bệnh nhân sẽ có một khuôn mặt mịn màng, hồng hào và sáng bóng.
Một bác sĩ tên Covey cũng đưa ra một cách làm tương tự nhưng sử dụng axit carbolic tinh khiết gây bỏng nhẹ cho lớp da mặt trên cùng. Sau đó, khi da mặt khô, ông sử dụng chất keo dính thiên nhiên phết lên toàn bộ khuôn mặt, giữ trong 3-4 ngày trước khi dùng các băng giấy lột bỏ hết làn da đã chết đi. Quá trình này gây khá nhiều đau đớn song lại đem lại những hiệu quả không thể phủ nhận.
Hai mẫu quảng cáo sản phẩm của bác sĩ thẩm mỹ Harriet Hubbard Ayer. Tới năm 1902, bác sĩ thẩm mỹ Harriet Hubbard Ayer đã "trình" thế giới phương pháp “lột da mặt” bằng điện. Cụ thể, bà cho tẩm axit salicylic vào một tấm bọt biển và nối cùng với một điện cực. Khi bật công tắc, cỗ máy điều khiển tấm bọt biển di chuyển khắp khuôn mặt bệnh nhân và làm tăng tác dụng của axit.
Trong các ngày sau đó, bệnh nhân không thể nói hay ăn uống gì hết. Cho tới khi lớp da ban đầu chết đi, chúng sẽ đỏ ửng giống như trẻ sơ sinh và 3 tháng sau đó, bệnh nhân sở hữu một làn da hoàn hảo.
Bác sĩ Adolph Brown - một trong những người đầu tiên sử dụng dầu từ hạt Croton để lột da mặt. 18 năm sau đó, một công thức lột da mới lại tiếp tục xuất hiện: đó là mặt nạ phenol chiết xuất từ dầu hạt Croton. Phương pháp này phổ biến ở Hoa Kỳ bởi sự nhanh chóng có được kết quả: chỉ mất khoảng hơn một tuần với cách đắp mặt nạ giống như truyền thống là bệnh nhân đã có một làn da đáng mơ ước.
Phenol có tác động rất sâu vào bên trong lớp da mặt người nên tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên sau này, các chuyên gia đã phát hiện ra những nhược điểm của phương pháp trên. Phenol chỉ có thể tiến hành lột da mặt cho người bình thường mà không thể áp dụng cho người có màu da đen hay có tiền sử bệnh tim bởi rất nguy hiểm.
Do đó, người ta hay sử dụng chất TCA (Trichloroacetic axit) để lột da mặt hơn. Với nồng độ và liều lượng khác nhau, chất này cho thời gian phục hồi da nhanh hơn so với phenol.
Ngày nay, công nghệ lột da mặt đã có nhiều phát triển. Tuy nhiên, về cơ bản, lột da mặt sẽ gồm các bước cơ bản sau: Đầu tiên, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến tư vấn của các bác sĩ và chuyên gia để hiểu rõ tình trạng da mặt và sức khỏe của bản thân.
Khác với các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ, lột da mặt không có công thức chung mà cần căn cứ theo từng trường hợp để có pháp đồ điều trị hiệu quả.
Sau đó, bác sĩ sẽ lựa chọn hợp chất cần thiết để sử dụng tùy thuộc vào tình trạng da mặt. Quá trình lột da sẽ diễn ra khi bác sĩ tạo ra một mặt nạ hóa học trên da mặt bệnh nhân.
Hóa chất sẽ làm chết lớp da bị hư hại, tổn thương, khiến chúng bong ra. Trong suốt thời gian này, da mặt sẽ có cảm giác bỏng nhẹ nhưng chỉ là tạm thời. Kết thúc quy trình, người ta loại bỏ lớp da chết và sử dụng một số loại kem dưỡng để giúp lớp da mới sớm phục hồi.
Bên cạnh yếu tố thẩm mỹ đem lại cho bệnh nhân, tiến hành lột da mặt cũng để lại rất nhiều nguy cơ tiềm tàng cho sức khỏe nếu như không được “lột” đúng cách. Hóa chất nếu sử dụng với liều lượng quá mạnh sẽ gây kích ứng da, nổi mẩn đỏ, mụn nước, làm làn da xấu hơn so với ban đầu.
Hơn nữa, làn da mới luôn nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài, nếu không có chế độ chăm sóc và ăn uống đặc biệt, da sẽ trở thành nạn nhân của tia cực tím, khói bụi từ môi trường…
Tạm kết: Làm đẹp và mong muốn trở nên đẹp hơn là điều chính đáng. Nhưng hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi “lột da mặt” và chỉ lựa chọn những cơ sở có uy tín, đáng tin cậy để tiến hành làm đẹp để bảo vệ chính cơ thể mình.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Cosmetics and Skin, Wikipedia...