Con người cực khổ trong vẻ đẹp "lừa dối" ở vùng núi lửa

Việt Anh, Theo Mask Online 00:00 21/04/2012

Phong cảnh từ xa nhìn thật đẹp nhưng đem đến những hậu quả khôn lường cho cuộc sống con người...

Indonesia nằm ở khu vực Đông Nam Á, được mệnh danh là "đất nước 1.800 hòn đảo" song cũng là nơi có cấu tạo địa chất không ổn định, thường xuyên xuất hiện sóng thần, núi lửa. Nơi đây tồn tại một trong những quần thể núi lửa nổi tiếng tên Kawah Ijen, nằm ở phía Đông Java, mang trong mình vẻ đẹp “lừa dối chết người”. 


Hình thành cách đây 3.500 năm, trải dài 25km và cao tới 2.799m so với mực nước biển, khu quần thể này bao gồm nhiều miệng núi lửa hình nón tập trung vây quanh một hồ axit. Nếu nhìn từ trên cao xuống, chắc chắn mọi du khách sẽ bị đánh lừa bởi vẻ đẹp gần như hoàn hảo của nó. Những ngọn núi thơ mộng, hồ nước xanh ngọc bích lấp lánh dưới ánh sáng, những làn khói tỏa ra từ các hốc đá trắng xóa đánh lừa cảm giác, khiến người ta cho rằng đây vốn là chốn bồng lai và ngay lập tức bị nó mê hoặc.


Quần thể này ẩn chứa một vẻ đẹp quyến rũ, gần như hoàn hảo.

Nhưng khi tiếp cận gần hơn, chúng ta sẽ thấy vẻ đẹp “lừa đảo” này ẩn chứa điều kì lạ. Những ngọn núi lửa vẫn còn đang hoạt động và trực chờ phun trào. Hồ ở giữa miệng núi lửa này rộng khoảng 1km2, có màu xanh ngọc bích cùng nồng độ axit sunphuric (axit đậm đặc) cao nhất trên thế giới. Những làn khói trắng xóa bốc lên từ các hốc đá, mang theo vô số hóa chất cực kì độc hại, trong đó có cả diêm sinh. Chắc hẳn, với môi trường độc hại như vậy, không ai muốn tới đây sinh sống dù chỉ là một ngày thôi!


Vậy mà quần thể núi lửa ở đây chính là nơi làm việc của hàng trăm, hàng nghìn công nhân khai thác lưu huỳnh thuê - những người cần phải kiếm sống do quá nghèo khổ.

Quần thể núi lửa này là nơi làm việc của hàng trăm, hàng nghìn công nhân khai thác lưu huỳnh thuê.

 
Các công nhân khai thác được khoảng 14 tấn lưu huỳnh mỗi ngày.



Các công nhân phải làm việc trong những hầm mỏ, khai thác khoảng 14 tấn lưu huỳnh mỗi ngày. Lượng lưu huỳnh này được chuyển cho các thương lái đi buôn dùng làm phân bón, mỹ phẩm, hóa chất hàng ngày…


Những người công nhân ở đây đều cố sức đào được thật nhiều để kiếm sống.


Vì thương lái trả tiền lưu huỳnh khai thác được theo kg, vì thế những người công nhân ở đây đều cố sức đào được thật nhiều để kiếm sống. Họ không hề biết rằng, với số tiền bèo bọt khoảng 5 - 8USD (tương đương 110.000 - 170.000VNĐ) cho một ngày lao động nhọc nhằn, nó không đủ để bù đắp cho những gì họ sẽ phải đối mặt.

Để khai thác lưu huỳnh, người ta cho xây dựng những ống dẫn khí lưu huỳnh nóng bốc hơi trong núi lửa, rồi dẫn qua nước lạnh để ngưng tụ khí ấy lại, lưu huỳnh đóng thành những cục, có màu vàng và chờ được khai thác. Công nhân để chúng trong những chiếc giỏ họ tự chế và gánh nó tới nơi tập kết. Mỗi chiếc giỏ có thể chứa tới 75-90kg quặng. Điều này cực kì nguy hiểm bởi những ngọn núi lửa này vẫn đang hoạt động và nếu nham thạch phun trào, những công nhân ở đây sẽ hoàn toàn bị biến mất.


Công nhân phải mang lưu huỳnh khai thác được di chuyển trên những đoạn đường, con dốc khó khăn đến nơi tập kết.

Chưa hết, vận chuyển lưu huỳnh cũng ẩn chứa nguy cơ tiềm tàng. Để nhận được tiền lương, công nhân phải mang lưu huỳnh khai thác được di chuyển trên những đoạn đường, con dốc hiểm trở, có những chỗ nghiêng tới 45 - 60 độ. Sau khi xuống núi, họ tiếp tục di chuyển quãng đường lên tới 4km tới nơi tập kết. Rõ ràng, sức khỏe của họ bị ảnh hưởng rất nhiều: chấn thương, xây xát, thậm chí là ngã và mất mạng là những chuyện diễn ra thường xuyên. Trong khi đó, điều kiện bảo hộ lao động gần như là không có bởi với các ông chủ, thà bỏ tiền thuê nhân công mới còn rẻ hơn nhiều lần khi đầu tư trang thiết bị bảo hiểm.

Với các công nhân này, điều kiện bảo hộ lao động gần như là không có.

Những khí độc hại nơi đây sẽ làm kích ứng mắt, buồn nôn, khó thở, gây ra một số bệnh về xương, răng.


Không dừng lại ở đó, các nhà khoa học cũng đã cảnh báo tác hại dài lâu của khí độc hại nơi đây. Chúng gây kích ứng mắt, buồn nôn, khó thở cũng như một số bệnh về xương và răng. Tuổi thọ trung bình của công nhân làm việc trong những mỏ như thế này thường không quá 40 tuổi. Thậm chí, nếu nguồn nước từ hồ này ngấm và hòa vào dòng sông ở địa phương thì hậu quả do axit sunphuric gây ra sẽ khôn lường với toàn bộ cư dân địa phương.