Bạn có biết, mỗi ngày trên toàn thế giới có khoảng 150.000 người qua đời. Một người được coi là đã chết khi tim ngừng đập và não bộ không còn khả năng nhận thức mọi việc xung quanh.
Sự ra đi đó có thể là kết quả của nhiều yếu tố: bệnh tật, tai nạn bất ngờ hay chỉ đơn giản là do già yếu. Tuy nhiên, ẩn sau
cái chết vẫn là vô số những câu chuyện bí ẩn và vô cùng đặc biệt.
Với mong muốn hiểu hơn về những câu chuyện này, nhiếp ảnh gia Cathrine Ertmann cùng phóng viên Lisa Hornung đã thực hiện dự án mang tên “About Dying”. Từ năm 2012, Cathrine và Lisa đã lưu trú ở nhà xác để chụp những bức ảnh chân thực nhất về cái chết.
Catherine cho biết: "Tôi đã rất ngạc nhiên về sự bình yên và tĩnh lặng của mọi việc. Khi ngắm nhìn những người đã khuất mà không phải họ hàng mình, tôi cảm thấy thật yên bình, khác xa với những gì chúng ta hay nghĩ về cái chết".
Thông qua những bức ảnh, 2 nhiếp ảnh gia muốn phá bỏ những định kiến về sự cấm kị khi nói về cái chết. Đó là sự bình yên trong những giây phút cuối đời, tuy có đau buồn nhưng đó là quy luật tự nhiên của cuộc sống.
Hãy cùng ngắm nhìn bộ ảnh của Cathrine Ertmann để thấy được một góc nhìn khác về cái chết là như thế nào:
Việc chọn trang phục cho người đã khuất tùy vào ý nguyện của họ trước khi qua đời hoặc theo mong muốn của gia đình. Chiếc áo này sẽ được cắt mặt sau và phần cổ tay để dễ dàng mặc cho thi thể.
Chết lâm sàng là tình trạng tim, phổi ngưng hoạt động hoặc hoạt động rất yếu, các giác quan mất hoàn toàn, chân tay mềm rã và đồng tử của mắt giãn ra. Nói cách khác chết lâm sàng là ranh giới giữa sống và chết với tỷ lệ xảy ra 2/10.000 ca.
Với những người được cho rằng chết lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra theo dõi trong vòng 6 tiếng từ khi họ “chết". Sợi dây màu đỏ trong hình được dùng khi bệnh nhân bên dưới tấm chăn tỉnh lại và cần sự giúp đỡ từ bác sĩ.
Người chết phải được bọc lại và bảo quản trong phòng lạnh nhằm tránh bị vi khuẩn xâm nhập. Cathrine cho biết, trong thời gian ở nhà xác, cô đã chứng kiến rất nhiều trường hợp bị thối rữa hay mất một phần cơ thể. Ngoài ra cô còn thấy những người ra đi quá sớm dù tuổi đời còn trẻ.
Các cơ bắp sẽ cứng dần từ 4 đến 12 giờ sau khi chết, bắt đầu từ cổ và lan đến chân tay. Khi lan đến da đầu, cơ thể người sẽ có hiện tượng “nổi da gà” tại vùng da này, còn lông tóc dựng đứng lên.
Miếng nhãn đeo ở ngón chân của người chết cho biết họ đến từ bệnh viện nào, kèm theo thông tin khác như thời điểm qua đời. Nếu trước đó có làm khám nghiệm tử thi, nguyên nhân chết và mã số an sinh xã hội sẽ được bổ sung cùng vào.
Tác giả đã cam kết khi thực hiện bộ ảnh này là sẽ không để lộ danh tính của những người đã mất. Không có dấu hiệu, trang sức... nào của người mất được phép công bố.
Với trường hợp mổ tử thi, các chuyên gia khám nghiệm tử thi sẽ cần chuẩn bị kỹ trước khi thực hiện và khi hoàn tất, bàn mổ và sàn nhà đều được khử trùng, rửa sạch bằng nước sát trùng, xà phòng.
Bên trong quan tài thiêu cùng người đã khuất không thể thiếu một chiếc hộp lớn đựng tranh, ảnh, kỷ vật. Nhiệt độ để thiêu ở khoảng 800 độ C và mất từ 60-90 phút để người đã khuất "biến" thành tro cốt.
Cathrine chia sẻ rằng, cái chết rồi sẽ ghé thăm chúng ta bởi đó là quy luật cuộc sống. Bởi vậy, khi còn sống, mỗi người hãy tận dụng cuộc sống của mình và đừng lãng phí nó.