Kowloon Walled City (tạm dịch là: Thành trại Cửu Long), Hồng Kông là một tổ hợp kiến trúc lộn xộn với 350 tòa nhà cao tầng kết nối với nhau bằng các mê cung ngõ hẻm và hành lang, được xây dựng không theo bất kỳ một quy hoạch nào về kiến trúc.
Với 50.000 dân cư cùng "chui rúc" trong một diện tích chật chội, Kowloon một thời được cho là nơi có mật độ dân đông nhất trên Trái đất.
Dưới đây là bộ ảnh hiếm hoi được thực hiện bởi 2 nhiếp ảnh gia Canada - Greg Girard và Ian Lamboth nói lên thực trạng cuộc sống nghèo nàn của người dân ở Kowloon trước khi nó bị phá hủy năm 1992.
Dưới triều nhà Tống (960-1279), Kowloon đã từng được quân đội sử dụng như địa điểm chiến đấu với bọn cướp biển và là nơi sản xuất muối, trước khi nó nằm dưới sự cai trị của Anh.
Tuy nhiên, trong thời gian quân Nhật chiếm đóng Hồng Kông trong Thế giới thứ II, nhiều phần của thành phố đã bị phá hủy để cung cấp vật liệu xây dựng cho sân bay gần đó.
Sau khi phát xít Nhật đầu hàng, dân số tại đây đã tăng lên một cách đột biến với sự di cư của nhiều người lấn chiếm đất.
Cuối cùng, nó trở thành một "thiên đường" của tội phạm, những kẻ nghiện ma túy, được điều hành ngầm bởi tổ chức tội phạm Hội Tam Hoàng cho tới năm 1974.
Đến đầu những năm 80, nơi này nổi tiếng với những nhà thổ, sòng bạc, tiệm bán cocain và thuốc phiện. Nó cũng nổi tiếng với các bác sĩ “tử thần” - những người không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự cố gây ra cho bệnh nhân của mình.
Ông Mir Lui đã được phân công làm người đưa thư tại thành trại Cửu Long từ năm 1976, một công việc mà ông không còn lựa chọn nào khác.
Luôn đội mũ để tránh bị xây xát đầu trong lối đi chật chội, ông là một trong số ít người thông thạo các đường ngang ngõ tắt nơi đây.
Những tiếng hò hét của trẻ em khi chơi đùa trên các mái nhà - sân chơi ngoài trời - thường xuyên bị át đi bởi âm thanh của động cơ phản lực tại sân bay gần đó.
Đối với những người dân sống ở tầng cao của “thành phố” đặc biệt này, mái nhà quả là một ân huệ vô giá. Đó là nơi họ có thể hít thở khí trời, thoát khỏi không gian chật chội, tù túng bởi phần lớn các căn hộ bên trong tòa nhà không có cửa sổ.
Những người làm nghề chế biến thực phẩm thừa nhận họ đã di chuyển vào Kowloon vì mức giá thuê nhà thấp và tránh được các đợt thanh tra vệ sinh của cơ quan y tế nhà nước.
Những người đàn ông đem các sọt cá - không bị kiểm soát bới các quy định về an toàn sức khỏe ra bán ở quầy hàng (ảnh trái). Một bức tường trong một căn hộ được trang trí với nhiều đồng hồ và hình ảnh của người thân (phải).
Căn phòng này vừa là công xưởng chế biến mỳ, vừa là phòng ở của ông Hui Tung Choy cùng vợ và hai con gái. Những đứa trẻ chơi đùa và học bài trên một băng ghế dùng để cán bột.
Cụ Law Yu Yi (90 tuổi) sống ở căn hộ nhỏ và ẩm ướt với người con dâu (68 tuổi). Mối quan hệ này là điển hình của các giá trị truyền thống, quy định người con dâu phải có nghĩa vụ chăm sóc mẹ chồng.
Người thợ làm tóc phục vụ khách hàng tại một salon trông khá tồi tàn. Cuộc sống thường nhật vẫn trôi qua êm ả, bên cạnh vấn nạn ma túy và tội phạm ở nơi đây.
Một đứa trẻ ngồi vắt vẻo trên tủ đá của một cửa hàng tạp hóa. Nơi đây bán đủ các loại nhu yếu phẩm cần thiết như giấy vệ sinh, thực phẩm đóng hộp, thuốc lá…
Hàng ngàn con người ở nơi đây có cuộc sống bận rộn với rất nhiều thứ để làm như chăm sóc cây cối trên ban công, trông cửa hàng, đi mua sắm trên đường phố tấp nập phía dưới.
Góc nhìn từ tầng thượng một tòa nhà trong Kowloon vào buổi đêm, với một vài trong số hàng nghìn cột ăng-ten TV được dựng trên các mái nhà.
Với tình trạng tội phạm và điều kiện vệ sinh tồi tệ, chính phủ đã quyết định chi 2,7 tỉ đô la Hồng Kông (khoảng 7.254 tỷ VNĐ) để bồi thường và phá bỏ Kowloon vào năm 1992.
Kế hoạch này đã bị nhiều cư dân nơi đây phản đối. Họ nói rằng mình đã có một cuộc sống hạnh phúc, bất chấp sự tù túng của khu dân cư.
Họ phản đối bằng cách ngồi trên vỉa hè khi cảnh sát bắt đầu hoạt động rà soát nhưng cuối cùng, "thành phố" này vẫn bị xóa sổ.
Một công viên được xây dựng trên nền khu dân cư cũ, ngày nay trở thành một địa điểm du lịch của Hồng Kông.
Bạn có thể xem thêm: