Ngày của Mẹ được tổ chức hàng năm vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5. Ngày lễ này được một phụ nữ người Mỹ là Anna Marie Jarvis khởi xướng từ đầu thế kỉ XX.
Khởi nguồn từ Hoa Kỳ, song ngày nay Ngày của Mẹ đã trở thành một ngày lễ phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới để những người con thể hiện sự trân trọng và yêu thương đối với người mẹ của mình.
Trong lịch sử
nghệ thuật, không thể nào kể hết những tác phẩm ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng. Hôm nay, nhân dịp Ngày của Mẹ, chúng mình hãy cùng xem lại những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất về đề tài này.
L’innocence
L’innocence (tạm dịch là “Sự trong sáng”) là một kiệt tác của danh họa người Pháp - William Adolphe Bouguereau. Tác phẩm hoàn thành năm 1893 này thể hiện hình ảnh một người mẹ trẻ, bế trên tay đứa con đang ngủ cùng một chú cừu non. Em bé và con cừu đều là biểu tượng của sự trong sạch, thuần khiết trong mỹ thuật phương Tây.
Trong tranh của Bouguereau, người xem cảm nhận được một không khí rất cổ điển và mang màu sắc thần thoại. Đáng chú ý, màu trắng là sắc màu chủ đạo của bức tranh, càng làm tôn thêm chủ đề của tác phẩm. Phải chăng danh họa ví tình yêu của mẹ là tình cảm trong sáng và thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi con người?
Chiếc nôi (The Cradle)
Berthe Morisot là một trong số những nữ họa sĩ nổi bật nhất của trường phái hội họa Ấn tượng cuối thế kỷ XIX. Phụ nữ và những người mẹ là những nhân vật thường gặp trong các tác phẩm của bà.
Trong họa phẩm “Chiếc nôi”, nữ họa sĩ thể hiện một khung cảnh đầm ấm và bình yên. Đứa con thiếp ngủ trong chiếc nôi được bao quanh bởi một tấm màn màu trắng tinh khiết. Người mẹ túc trực bên con, tay chống cằm và đôi mắt như đang khép lại sau một ngày dài mệt mỏi. Bức tranh thể hiện tấm lòng bao la của mẹ, những người chăm lo đến từng bữa ăn giấc ngủ của mỗi chúng ta.
Người phụ nữ Tahiti và hai đứa trẻ
Một tác phẩm nổi bật khác về tình mẫu tử là bức tranh “Người phụ nữ Tahiti và hai đứa trẻ” của danh họa người Pháp - Paul Gauguin. Sinh thời, những tác phẩm của ông không được mọi người chú ý đến. Nhưng về sau này, Gauguin được coi là một trong những họa sĩ tiên phong của trường phái Hậu Ấn tượng.
Bức tranh kể trên được vẽ vào năm 1901. Nhân vật chính của tác phẩm là một phụ nữ bản địa ở Tahiti (một vùng lãnh thổ thuộc Pháp ở Nam Thái Bình Dương) cùng hai người con.
Người xem cảm nhận được sự hài hòa về màu sắc: từ màu lam người mẹ, màu vàng cam của bé trai hay màu hồng của bé gái đang bế trên tay con mèo. Sự tổng hòa đó gợi nên một sự trìu mến, gắn kết của một gia đình nhỏ.
Em bé và những món đồ chơi (Gabrielle and Jean)
Đây là một tác phẩm của họa sĩ Pháp - Pierre-Auguste Renoir vẽ vào năm 1895. Người mẹ trẻ với khuôn mặt hiền từ, phúc hậu đang bày trò chơi cho con. Sự yêu thương của người mẹ đã được họa sĩ thể hiện một cách trọn vẹn. Có một chi tiết đáng chú ý là người phụ nữ tên Gabrielle trong tranh chính là em họ của họa sĩ Renoir, còn em bé Jean là cháu họ của ông.
Mẹ và con
Pablo Picasso là một trong những danh họa Tây Ban Nha có sức ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật thế kỷ XX. Ông cũng dành một số tác phẩm của mình để ngợi ca tình cảm mẹ con.
Bức tranh “Mẹ và con” được họa sĩ hoàn thành vào năm 1902. Tác phẩm được Picasso sáng tác trong Thời kì Xanh Lam (1901-1904), khi ông gần như chỉ sử dụng sắc thái xanh trong các tác phẩm của giai đoạn này. Tương phản với sắc lạnh lẽo của màu lam, chúng ta vẫn cảm nhận được sự ấm áp tỏa ra từ khuôn mặt người mẹ, người đang ấp ủ đứa con trong lòng.
Mẹ của Whistler
Nếu bạn nào từng xem phim “Bean” (1997) do Rowan Atkinson thủ vai, hẳn có thể nhớ đến một bức tranh với tên gọi “Whistler’s Mother” xuất hiện trong đó. Đây là một kiệt tác có thật của danh họa người Mĩ - James McNeill Whistler, hoàn thành vào năm 1871. Ngày nay, “Mẹ của Whistler” được coi như một biểu tượng của nền hội họa Hoa Kì.
Có nhiều giai thoại thú vị xung quanh việc sáng tác của bức tranh này. Theo đó, một người mẫu của họa sĩ Whistler không thể đến đúng hẹn, thế là mẹ của họa sĩ tình nguyện trở thành người mẫu cho con trai bà.
Ý tưởng ban đầu của họa sĩ là vẽ nhân vật trong tư thế đứng nhưng vì thương mẹ tuổi đã cao, ông đã mời mẹ ngồi xuống rồi mới vẽ. Tại nước Mĩ, “Mẹ của Whistler” đã trở thành một biểu tượng của tình mẫu tử.
Người mẹ di cư (nhiếp ảnh)
Năm 1936, nữ nhiếp ảnh gia Dorothea Lange đã tình cờ ghi lại hình ảnh một người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ bên đàn con của mình. Nhân vật chính trong tấm hình là Florence Owens Thompson, một phụ nữ 32 tuổi có 7 đứa con. Tại thời điểm tấm hình được ghi lại, gia đình bà Thompson phải sống nhờ những cọng rau héo và săn thịt chim trời để có thức ăn.
“Migrant Mother” (hay “Người mẹ di cư”) đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng bởi tính chất thời sự của nó. Bức ảnh phản ánh hậu quả của cuộc Đại suy thoái khi nền kinh tế thế giới sụp đổ vào năm 1929, đẩy hàng triệu người vào cảnh lầm than. Không chỉ thế, tấm hình còn là minh chứng cho sức mạnh kiên cường của người mẹ trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn.
(Nguồn tham khảo: Art Promotivate/Renoir)