Công cụ moi não bị bỏ quên trong xác ướp Ai Cập |
Các nhà khoa học tìm thấy công cụ mà người Ai Cập cổ đại sử dụng để moi não người chết trong một xác ướp phụ nữ có niên đại khoảng 2.400 năm.
Công cụ moi não, do nhóm nghiên cứu của ĐH Dubrava tại Croatia tìm thấy, có chiều dài khoảng 8cm, chất liệu gỗ. Người xưa đã khoan một lỗ trên xương sàng (gần mũi) rồi nhét công cụ vào não người chết qua lỗ đó.
Que mà thợ ướp xác Ai Cập cổ đại sử dụng để moi não hiện ra trong ảnh chụp cắt lớp hộp sọ của xác ướp.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, có thể một thợ ướp xác đã quên công cụ trong não người chết, hoặc công cụ gãy trong quá trình người thợ moi não.
Moi não ra khỏi hộp sọ là một thủ tục cần thiết trong quá trình ướp xác của người Ai Cập. Tuy nhiên, theo một số tài liệu, công cụ thường được sử dụng trong việc moi não là một móc sắt.
Tuy nhiên, vật mà các nhà khoa học tìm thấy trong hộp sọ xác ướp lại không phải là móc sắt mà chỉ là que gỗ. Nhóm nghiên cứu đoán rằng, người xưa dùng que gỗ do họ không có nhiều tiền.
(Nguồn tham khảo: Livescience)
Bí ẩn hàng ngàn xác mực Humboldt dạt vào bờ |
Tuần qua, hàng ngàn xác mực thuộc loài mực khổng lồ Humboldt (tên khoa học Dosidicus gigas) trôi dạt vào các bờ biển ở vịnh Monterey, bang California, Mỹ.
Xác mực Humboldt đã mắc cạn lại các bãi biển sau khi thủy triều rút xuống và nằm trải dài gần 20km từ khu vực bãi biển Aptos tới Watsonville, California, Mỹ. Hầu hết mực dài 0,6m và nặng 1,2kg trở lên.
Giả thuyết các nhà khoa học đưa ra là chúng đã bị ảnh hưởng bởi tảo độc. Trong thời gian này, tảo bùng phát các đợt nở hoa hình thành hiện tượng “thủy triều đỏ” và giải phóng độc tố thần kinh axit domoic cực mạnh dẫn đến việc mực bị mất phương hướng, bơi lờ đờ vào bờ. Sau đó chúng sẽ chết.
Khi những con mực Humboldt bị mắc cạn, người dân địa phương cố gắng đưa trở lại biển nhưng chúng vẫn bị mất phương phướng, bơi trở lại vào bãi biển.
Hiện tượng thủy triều đỏ.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy con người và động vật cấp thấp hơn như sư tử biển nếu ăn phải những con sò bị nhiễm độc tố axit domoic từ “thủy triểu đỏ” sẽ bị “phá hủy trung tâm bộ nhớ của não”, dẫn đến mất trí nhớ và có thái độ hành xử một cách kỳ lạ. Tuy nhiên, họ chưa từng nghiên cứu các triệu chứng trên nếu con người ăn phải mực bị nhiễm độc tố axit domoic.
(Nguồn tham khảo: Livescience)
Công nghệ “in” tế bào sống |
Các bác sĩ phẫu thuật có thể sớm tái tạo dây thần kinh của bệnh nhân, chẳng hạn những người bị tổn thương tủy sống bằng cách sử dụng công nghệ phỏng theo các loại máy in phun.
Công nghệ này - được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại ĐH Wollongon, Úc cho phép “in” các tế bào sống - bao gồm tế bào thần kinh và tế bào cơ vào những khung đỡ polymer phân hủy sinh học rất nhỏ.
Đồng thời, họ cũng đã phát triển một loại "mực" đặc biệt mang các tế bào. Mực này có nhiệm vụ giữ cho các tế bào luôn luôn ở thể lơ lửng và mực cũng phải có thành phần hóa học phù hợp để nuôi sống các tế bào.
Ngoài ra, nó còn bảo vệ các tế bào khi chúng được bắn ra từ máy in với tốc độ rất cao. Các khung đỡ polymer đóng vai trò là điểm tựa để các tế bào phát triển mạnh, chứa các chất như phân tử tăng trưởng để kích thích sự phát triển của tế bào. Mục đích là để sản xuất các cấu trúc dài 4cm và "vá" vào các dây thần kinh hoặc cơ bắp bị tổn thương.
Công nghệ đã mở ra một cuộc cách mạng trong việc điều trị các bệnh liên quan đến tổn thương tế bào thần kinh như Parkinson hay Alzheimer.
(Nguồn tham khảo: Science Alert)