Có bao giờ bạn để ý đến cảm xúc trên gương mặt mình khi chơi điện tử hoặc nhìn thấy một game thủ như đang "lên đồng" khi chơi điện tử? Nhiếp ảnh gia Timothy Saccenti đã được hãng Sony đặt hàng một chiến dịch quảng cáo cho Play Station, và anh đã thực hiện chúng qua ý tưởng ghi lại nét mặt của người chơi game.
Giận dữ, la hét, vui vẻ, phấn khích... tất cả mọi cảm xúc như bùng nổ trong các tấm hình. Có lẽ, đó cũng là điều mà hãng điện tử muốn mang đến cho người tiêu dùng: Khi chơi điện tử, con người sẽ đi vào một thế giới đầy đủ mọi cảm xúc: biến đổi từ vui sang buồn, từ nhàm chán sang phấn khích, từ phấn khích đến tưng tửng....
Thường thì trò chơi điện tử bị chỉ trích bởi các tính tiêu cực: khiến người chơi (ở lứa tuổi học sinh, sinh viên) bỏ bê học hành, ảnh hưởng xấu tới tính cách (bạo lực, tức giận), tổn hại mắt...
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một phần. Bởi lẽ, theo các nghiên cứu về nhận thức, chơi điện tử có lợi cho con người.
Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, các trò chơi điện tử đơn giản đã được dùng để điều trị cho các bệnh nhân mắc chứng rối loạn thể chất, khả năng tiếp thu hoặc phục hồi sau đột quỵ và chấn thương.
Một nghiên cứu còn cho thấy trò chơi điện tử hiện đại mang tính hành động cao cũng có thể giúp người chơi nâng cao khả năng chú ý, tập trung; phát triển khả năng phản xạ kết hợp giữa tay và mắt.
Nghiên cứu trò chơi điện tử đòi hỏi tính vận động trên bệnh nhân trẻ em bị chấn thương (các em bị đau ở một số vùng cơ thể) còn có khả năng kích thích các em vận động, làm khu vực cơ thể bị đau có tiến triển tốt và mau phục hồi.
Còn tất nhiên, cái gì khi "quá" thì đều không tốt. Những tác hại mà việc chơi điện tử gây ra, không ai phản đối. Điều quan trọng là mỗi người cần biết cân bằng để không đưa sự việc đi đến quá đà.(Nguồn tham khảo: Pondly/NewScientist)