Nếu ai đó được hỏi, loại thực phẩm nào ngon và đắt nhất trên thế giới, không ít bạn sẽ trả lời rằng đó là
thịt bò Kobe hay
thịt bò Hida. Bởi lẽ thịt bò Kobe nổi tiếng thế giới về độ thơm ngon hay thịt bò Hida lại khiến thực khách mê mẩn với cảm giác "thịt bò mềm như tan chảy trong miệng".
Nhưng đó mới chỉ là thịt bò mà thôi, bởi vẫn còn nhiều loại nguyên liệu khác như thịt heo, thịt gà, tôm... - nguồn nguyên liệu vẫn ăn hàng ngày của chúng ta có hương vị thượng hạng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là mức giá "cao cắt cổ" khiến nhiều người "không thể tin nổi".
1. Thịt gà Ayam Cemani - 52 triệu VND/con
Ayam Cemani là một giống gà hiếm có nguồn gốc từ đảo Java (Indonesia) và được người dân trên đảo sử dụng cho những hoạt động tôn giáo và nghi lễ thờ linh thiêng.
Từ Ayam trong tiếng Indonesia có nghĩa là “gà”, và Cemani trong thổ ngữ ở đảo Java có nghĩa là “hoàn toàn đen”. Năm 1998, lần đầu tiên Ayam Cemani được giới thiệu vào châu Âu, sau đó, giống gà quý được nhân lên tại các quốc gia Hà Lan, Đức, Slovakia và Cộng hòa Czech. Sự xuất hiện của giống gà này đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia nghiên cứu di truyền.
Màu đen trong thế giới động vật không phải hiếm - đó có thể là gấu đen, mèo đen... thế nhưng màu đen ở Ayam Cemani thực sự khác biệt.
Có thể nói đây là chú gà “nhọ” nhất trong thế giới động vật, khi tất cả các bộ phận trên cơ thể: từ mắt, lông, mào, lưỡi, thậm chí nội tạng và máu... đều có màu đen. Thứ duy nhất của Ayam Cemani không có màu đen đó là những quả trứng màu kem của chúng.
Theo các chuyên gia, màu đen đặc trưng của loại gà này do một đặc điểm di truyền tên là Fibromelanosis - có chức năng thúc đẩy sự phát triển của các tế bào mang sắc tố đen.
Ở châu Á, Ayam Cemani được đánh giá cao vì thịt của chúng được cho là có "quyền năng" huyền bí. Hàm lượng sắt cao trong gà rất có lợi cho phụ nữ trước và sau khi sinh con.
Trong các dịp đặc biệt, Ayam Cemani cũng góp mặt vì đối với người dân Indonesia, chú gà này là một biểu tượng của sự may mắn. Thậm chí họ còn tin rằng, ăn thịt gà này sẽ làm họ bớt cắn rứt lương tâm và tiếng gáy của chúng mang lại sự thịnh vượng.
Giống như những chú gà bình thường khác, việc nuôi Ayam Cemani rất đơn giản. Việc mà chủ gà cần làm hàng ngày là cho gà ăn và sưởi ấm gà khi còn nhỏ. Một chú gà trống Ayam Cemani trưởng thành nặng khoảng 2-2,5 kg, còn gà mái thì khoảng 1,5-2 kg. Mỗi năm, một con gà mái có thể đẻ được 80 quả trứng.
Ayam Cemani có giá 2.500 USD/con (khoảng 52 triệu VND) một con. Rõ ràng cái giá của Ayam Cemani sẽ làm không ít người phải đắn đo suy nghĩ trước khi quyết định có nên làm thịt chú gà của mình hay không.
2. Thịt heo Ibérico
Nếu có dịp tới Tây Ban Nha - đất nước của các loại thịt hun khói, có lẽ bạn nên nếm thử món thịt heo Ibérico ở đây.
Heo Ibérico được nuôi và sản xuất chủ yếu ở Tây Ban Nha và một vài vùng ở Bồ Đào Nha. Theo hệ thống phân loại nguồn gốc của Tây Ban Nha, Ibérico được làm từ lợn đen ở bán đảo Ibérico, hoặc ít nhất phải từ những chú lợn lai giống với 75% Ibérico.
Có lẽ vì một lý do nào đó, những loài động vật có màu đen luôn trở thành tâm điểm của ngành ẩm thực, không chỉ quý hiếm lạ, mà giống thịt heo này còn có hương vị rất đặc biệt.
Ibérico còn có cái tên khác là “Pata Negra”, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là móng đen. Với giá 355 USD/kg (khoảng 7,7 triệu VND) hay 2.100 USD (khoảng 45,6 triệu VND) cho một chiếc chân giò muối, bất cứ ai cũng muốn thử ngay một miếng thịt Ibérico để xem tại sao lý do nào lại khiến loại thịt này có giá khủng tới vậy.
Thế nhưng trước đây, không phải bạn có nhiều tiền là có thể thưởng thức được loại thịt lợn này. Đã từng có một thời gian, những người muốn được nếm thử một lát thịt lợn phải đặt trước tới... 2 năm bởi tất cả các kho đều hết hàng, mặc dù món thịt lợn Ibérico vẫn được sản xuất liên tục.
Ibérico được đánh giá cao vì thịt có kết cấu mịn và giàu dinh dưỡng, cùng hương vị thơm ngon. Một miếng thịt Ibérico chất lượng cao phải có hàm lượng chất béo ở bắp lớn, giúp mang lại hương vị càng đậm đà hơn.
Những chú heo lấy thịt thông thường thường được nuôi bằng ngũ cốc, nhưng heo Ibérico được nuôi với chế độ ăn uống chất lượng hàng đầu với thức ăn chính là trái sồi.
Sau những tiêu chuẩn lựa chọn cực kỳ khắt khe, chú heo béo tốt nhất sẽ được đưa đi làm thịt,và ủ muối biển cao cấp trong 36 tháng.
3. Tôm Black King Kong - 17 triệu VND/con
Loài tôm Black King Kong hay còn gọi là tôm BKK là loài tôm hiếm và đắt nhất trên thế giới. Hiện này có khoảng 2.000 cá thể tôm được nuôi bởi 4 nhà lai tạo người Đài Loan với công nghệ hiện đại.
Có nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra về nguồn gốc của loài tôm này. Một số chuyên gia cho rằng, BKK được đột biến từ một giống tôm có cái tên rất mỹ miều: Ong Bạch Tuyết.
Với chiều dài từ 2,5 - 3cm, những chú tôm đen trắng thơm ngon này có giá lên tới 830 USD/con (khoảng 17 triệu VND).
Có lẽ cái giá cao như vậy một phần do đây là loài tôm này rất khó nuôi. Khác với những loài tôm thủy sản khác, BKK cần phải được nuôi trồng trong một bể nhân tạo đặc biệt với sự hỗ trợ của nhiều công nghệ chăm sóc khác nhau.
Thức ăn nuôi tôm phải được thay đổi với chế độ dinh dưỡng đa dạng từ loại tảo cho tới rau bina vì chúng rất kén chọn đồ ăn hay nhiệt độ bể không được dao động quá 3 độ C... Và thậm chí, trong điều kiện nuôi trồng tốt nhất, tỉ lệ sống sót của những chú tôm mới sinh cũng không vượt quá 10%.
4. Cá ngừ vây xanh - 1,3 triệu VND/miếng
Nói đến cá ngừa vây xanh, không ít người nghĩ ngay tới Nhật Bản - quê hương của các loài cá. Cá ngừ vây xanh Nhật Bản thuộc họ cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương, hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở Đại Tây Dương.
Chợ cá Tsukiji của Nhật Bản là nơi hoạt động mua bán cá ngừ diễn ra nhộn nhịp nhất. Vào năm 2013, trong phiên đấu giá đầu tiên, một chú cá ngừ vây xanh nặng 222 kg đã được bán với giá lên tới 1,8 triệu USD, tương đương với gần 37 tỷ đồng. Ngoài ra những lát sushi nhỏ với loài cá này cũng có giá lên tới 65 USD/miếng (khoảng 1,3 triệu VND).
Những người sành ăn sushi đã đặt cho loài cá này cái tên “kim cương đen” vì độ quý hiếm của nó. Phần lớn hương vị và mùi thơm của cá ngừ là do dầu cá, vì thế cá ngừ thường được lựa chọn để làm món gỏi.
Mỗi năm, người Nhật tiêu thụ khoảng 3/4 lượng cá ngừ vây xanh khai thác được trên thế giới và 80% lượng cá ngừ đánh bắt từ Địa Trung Hải sẽ nằm trên bàn ăn của người Nhật.
Chính bởi sự khai thác quá nhiều nên đã đẩy trữ lượng cá ngừ toàn cầu giảm xuống chỉ còn 10% trong vòng 30 năm. Khan hiếm hàng nhưng thịt cá lại giàu dinh dưỡng và thơm ngon là lý do khiến cho loại cá này có giá vô cùng đắt đỏ.
Nguồn: Netorama, NYTimes, Amusingplanet...