Các lầm tưởng về não bộ mà ai cũng tin là thật

H.Đ, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 17/03/2015
Chia sẻ

Có người sinh ra chỉ để học giỏi toán, càng chơi nhiều trò chơi rèn luyện trí tuệ thì càng thông minh... là những suy nghĩ có phần sai lầm về não bộ của chúng ta.

Não bộ con người là một cỗ máy gần như hoàn hảo nhưng vẫn là một ẩn số lớn với giới khoa học. Nhiều tài liệu khoa học đã phần nào giúp chúng ta hiểu hơn về cỗ máy bí ẩn này, tuy nhiên, ẩn sau đó vẫn là những suy nghĩ "mặc định" có phần sai lầm về não bộ mà ai cũng tin.

Dưới đây là một vài sai lầm mà không ít người trong chúng ta đang vướng phải.

Sai lầm 1: Có người sinh ra chỉ để học giỏi toán

Nhiều người cho rằng có những người não bộ “thiết kế” để học toán, người thì không. Thậm chí một số nước phương Tây còn có hẳn một quan niệm “người châu Á học toán rất tốt”(Asians are good at math).



Tuy nhiên, dù đúng là một số dạng thông minh phụ thuộc vào gene nhưng toán học không nằm trong số đó. Việc có giỏi toán chỉ phản ánh mức tập trung của một người. Quan niệm người châu Á giỏi toán là do nền văn hóa của người châu Á chú trọng vào Toán học mà thôi. 


Theo các chuyên gia, bí quyết để giỏi toán đơn giản chỉ là luyện tập. Việc một số người không học giỏi toán là do họ luôn tâm niệm rằng, não mình không phải “não toán”. Điều này vô tình khiến não bộ cũng “tin” vào điều đó và vô thức khiến cho những bài toán trở nên vô cùng khó khăn. 

Để cải thiện điều này, bạn có thể hình thành thói quen yêu toán và học toán mà không cần tài năng. Việc sớm nhận thức được điều này sẽ giúp bạn học tốt hơn rất nhiều. 


Như trường hợp của Edward Witten, nhà vật lý học người Mỹ - dù ông học ngành lịch sử và ngôn ngữ để trở thành nhà báo, nhưng ông lại trở thành nhà kinh tế, sau đó lại theo học ngành toán và vật lý. 

Ông là người đã nghĩ ra “Lý thuyết M” (M-theory), đoạt giải Nobel Vật lý năm 2004, và là một trong những nhà vật lý học vĩ đại nhất mọi thời đại.

Sai lầm 2: Chơi trò chơi rèn luyện trí não giúp bạn thông minh hơn

Những trò chơi giúp rèn luyện trí não từ lâu đã được “đồn” rằng có tác dụng tuyệt vời, giúp tăng cường tư duy, trí não cho mọi người. Và không ngạc nhiên khi game trí tuệ cho trẻ em đã trở thành ngành công nghiệp thu về 300 triệu USD/năm (hơn 6.000 tỷ VND). Nhưng còn sự thật thì sao?



Sự thật là dù cho người chơi có thực sự thích thú thì trò chơi trí tuệ có thể không đem lại lợi ích gì. Hầu hết các nghiên cứu về trò chơi trí tuệ đem lại lợi ích như quảng cáo thường không đạt tiêu chuẩn.

Một số trò chơi thành công chủ yếu nhờ chiến dịch quảng cáo. Và tác dụng phổ biến nhất cho hầu hết các trò chơi trí tuệ hiện nay là: giúp người chơi chơi giỏi hơn, thay vì trở nên thông minh hơn. 


Đây là kết quả được đưa ra từ cuộc khảo sát của BBC với 11.430 người cùng chơi các trò chơi trí tuệ trong 6 tuần. Giống như những gì đã quảng cáo, thành tích của họ đã tiến bộ đáng kể, tuy nhiên khi phải thực hiện bài kiểm tra trí tuệ tổng hợp sau 6 tuần, những người chơi “giỏi” nhất lại là những người đạt kết quả thấp nhất.


Tuy nhiên điều này không có nghĩa các trò chơi trí tuệ vô tác dụng. Dù không thể khiến người ta thông minh hơn nhưng chúng cũng góp phần giúp ta rèn luyện tính tư duy, logic trong cuộc sống.

Sai lầm 3: Omega-3 là thức ăn rất tốt cho não bộ 

Nhiều người vẫn luôn tin rằng, acid béo Omega-3 có trong cá, dầu cá, đậu... được xem như thần dược của não bộ với các công dụng thuộc hàng “đỉnh” như tăng cường trí nhớ, thúc đẩy tư duy.  Tuy nhiên, sự thực là chưa có bằng chứng khoa học cụ thể và đủ tin cậy rằng, Omega-3 thực sự có nhiều công dụng như vậy cho não bộ. 



Một nghiên cứu về Omega-3 từ đầu thập niên 2000 chưa thực sự đáng tin bởi các chuyên gia đã bỏ qua một số phương pháp nghiên cứu như phân nhóm nhỏ hoặc double-blind (phương pháp mà nghiên cứu viên và đối tượng tham gia đều uống thuốc nhưng không theo thứ tự nhằm hạn chế tính chủ quan của nghiên cứu). 

Cũng vì thế, những kết quả nghiên cứu đưa ra chưa được chính thức công bố hay đánh giá. Do đó, đây chưa phải là một nghiên cứu có kết quả xác thực, đáng tin cậy về mặt khoa học.



Một nghiên cứu khác ứng dụng cả double-blind và hiệu ứng giả dược placebo đã cho kết quả không có gì khác biệt về khả năng tư duy giữa những người sử dụng Omega-3 và nhóm tưởng rằng mình được uống Omega-3. 

Nhưng theo các nhà khoa học, dù Omega-3 có tác dụng hay không thì lời khuyên ở đây là bạn nên ăn uống đa dạng, thay vì quá tập trung vào việc chỉ sử dụng một dạng thực phẩm bổ não nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất.

Nguồn: Cracked, Livescience
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày