Trong khoảng 80 năm đô hộ, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng rất nhiều công trình đồ sộ và có giá trị lịch sử lớn trên đất nước Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Có lẽ vì vậy mà nét kiến trúc kiểu Pháp vẫn in sâu trong lòng Thủ đô.
Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội là ngày hội lớn của cả dân tộc, và cùng là cơ hội để mỗi người chúng ta sống chậm lại, ngẫm về một Hà Nội cổ kính, một thủ đô văn hiến. Ngược dòng thời gian chiêm ngưỡng Hà Nội… ngày ấy và bây giờ…
Tòa án nhân dân tối cao
Công trình gây ấn tượng ở tỷ lệ hài hòa của thức kiến trúc cổ điển châu Âu.
Tòa án tối cao ngày nay vẫn giữ được vẻ oai nghiêm vốn có.
Phủ Chủ tịch
Phủ Toàn Quyền (nay là Phủ Chủ tịch) xây dựng năm 1902. Công trình mang phong cách cổ điển Châu Âu do Kiến trúc sư Vildieu thiết kế, xây dựng mất hơn 5 năm.
Phủ Chủ tịch vẫn giữ được nét uy nghiêm và hùng tráng.
Nhà khách chính phủ
Công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ điển Pháp, với tổ hợp mặt bằng, mặt đứng rất cân xứng cùng với những chi tiết kiến trúc thuần túy châu Âu.
Vẻ đẹp sang trọng và cao quý vẫn được giữ cho đến ngày nay.
Nhà thờ lớn Hà Nội
Nguyên thủy, nhà thờ này có tên là Nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph) do vào năm 1678, Giáo hoàng Innocentius XI tôn phong Thánh Joseph (cha nuôi của Chúa Jesus) làm Thánh Bảo trợ nước Việt Nam và các nước lân cận.
Hiện nay toàn bộ không gian và cảnh quan nhà thờ bị chen lấn bởi sự phát triển của đô thị, mất đi sự tương xứng với quy mô đồ sộ của nhà thờ.
Nhà thờ Cửa Bắc
Không gian kiến trúc không nhấn mạnh sự đối xứng mà có sự biến hóa rất hài hòa với không gian xung quanh, nhưng vẫn đảm bảo sự trang nghiêm và có phần tĩnh mịch, gây được ấn tượng về một sự siêu thoát.
Kiến trúc nhà thờ Cửa Bắc thể hiện sự hòa hợp với khung cảnh nhiệt đới, với văn hóa phương Đông. Đây là một công trình của kiến trúc thời kỳ 1925 – 1930
Nhà hát lớn
Nhà hát lớn Hà Nội khởi công năm 1901 và xây dựng mất 10 năm.
Không gian của nhà hát rất phong phú theo kiểu các nhà hát châu Âu đương thời được gìn giữ theo năm tháng.
Ga Hà Nội (Ga Hàng Cỏ)
Ga Hàng Cỏ được Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902, sau khi đã xây dựng cầu Long Biên và hệ thống đường sắt Việt Nam.
Ngày nay, bước chân đến Ga Hà Nội, hành khách sẽ thấy một nhà ga hiện đại, văn minh với hệ thống phòng đợi tàu, phòng đợi khách liên vận quốc tế khang trang, lịch sự, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị như bảng chỉ dẫn điện tử, hệ thống internet không dây phục vụ hành khách đi tàu hiện đại.
Đại học tổng hợp
Ngôi trường phảng phất dấu hiệu của sự tìm tòi một hình ảnh kiến trúc phương Đông. Công trình được xây dựng trong 4 năm (1923 - 1926). do kiến trúc sư người Pháp là Ernest Hébrard thiết kế năm 1926.
Nét kiến trúc từ năm 1926 vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay.
Cung văn hóa thiếu nhi
Thời Pháp thuộc nơi đây là hai cơ sở: Phía Bắc là Ấu Trĩ Viên (vườn trẻ), còn ở phía Nam là Câu lạc bộ của người Pháp.
Sau ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954), hai cơ sở này trở thành Câu lạc bộ Thiếu nhi thành phố, nơi vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa của lứa tuổi học trò.
Chợ Đồng Xuân
Năm 1889, khi những dấu tích cuối của sông Tô Lịch và hồ Thái Cực bị lấp hoàn toàn, người Pháp quy hoạch lại đã giải tỏa hai chợ trên và dồn tất cả các hàng quán vào khu đất trống của phường Đồng Xuân, tạo thành chợ Đồng Xuân. Trong năm đầu tiên chợ họp ngoài trời, hoặc có che mái lá giống như hai chợ cũ.
Sau ngày giải phóng thủ đô, chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất Hà Nội.
Cầu Long Biên
Đây là cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, do Pháp xây dựng (1899-1902) và đặt tên là cầu Doumer, đọc như Đu-mê (tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer). Dân gian còn gọi là cầu sông Cái. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ "1899 -1902 - Daydé & Pillé - Paris".
Dân gian vẫn nhắc đến cầu Long Biên qua bài vè:
“Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...”
Bưu điện thành phố Hà Nội
Bưu điện Hà Nội được thực dân Pháp thành lập từ năm 1884, ngay sau khi triều Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng, chấp nhận chế độ bảo hộ. Vị trí của Bưu điện Hà Nội là nền chùa Báo Ân cũ.
Ngay sau khi tiếp quản thủ đô vào sáng 10/10/1954, công việc bàn giao Bưu điện Hà Nội được tiến hành theo thỏa thuận trước đó. Mặc dù đã thống nhất phải để lại nguyên trạng Bưu điện Hà Nội, nhưng một số thiết bị tại đây đã bị phá hủy, một số khác bị người Pháp mang đi và trên thực tế chỉ còn một tổng đài điện thoại 1.500 số với gần 600 thuê bao.
Bốt Hàng Đậu
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, năm 1894 người Pháp xây dựng 2 tháp nước ở Hàng Đậu và Đồn Thủy (cuối phố Đinh Công Tráng), để cung cấp nước cho khu Thành cổ - lúc này là nơi tập trung quan chức và binh lính người Âu cùng với khu dân cư “36 phố phường”. Đá tảng dùng để xây được lấy từ đá hộc dỡ của thành cổ.
Những hình ảnh này của Bốt Hàng Đậu sẽ không bao giờ còn được thấy tận mắt nữa. Hiện nay Bốt Hàng Đậu đã được “tân trang” mới và mất đi hoàn toàn sự cổ kính.
Bộ Ngoại Giao
Sở tài chính (nay là trụ sở Bộ ngoại giao) tiêu biểu cho xu hướng tìm tòi một phong cách kiến trúc Á Đông những năm 1925 - 1930, do kiến trúc sư E. Hebrard thiết kế.
Vẻ hùng tráng là đặc diểm nổi bật trong kiến trúc Trụ sở cơ quan quan trọng của đất nước.
Bảo tàng lịch sử
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được thành lập ngày 3 tháng 9 năm 1958 trên cơ sở kế thừa Bảo tàng Louis Finot do người Pháp xây dựng năm 1926 và hoạt động vào năm 1932. Đây là Viện bảo tàng của trường Viễn Đông Bác cổ.
Trải qua bao năm tháng thăng trầm, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã trở là nơi lưu giữ những hiện vật, phản ánh các nền văn hóa, lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt Nam từ thuở ban đầu khai sáng đến ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.