Sherlock Holmes là nhân vật thám tử hư cấu nổi danh nhất mọi thời đại. Từ những chi tiết gần như vô nghĩa, ông có thể
suy luận, phán đoán và giải quyết được nhiều vụ án tưởng chừng phải bó tay.
Vậy đã bao giờ bạn băn khoăn liệu mình có thể sở hữu siêu năng lực ấy của vị thám tử đại tài? Thực tế là có thể. Thậm chí, theo nhà tâm lý học Sam Gosling thuộc Đại học Texas (Austin), bạn còn có thể giỏi hơn khi nắm vững
bí kíp sau đây.
Từ nguyên tắc rút ra từ sai lầm của Holmes…
Mặc dù Sherlock Holmes được coi là thiên tài, chỉ từ một chi tiết rất nhỏ cũng có thể đoán ra mọi chuyện nhưng theo Sam Gosling, đó chỉ là phim ảnh. Thực tế, chúng ta không thể phán xét một sự việc chỉ dựa vào một chi tiết, bởi như vậy là phiến diện.
Vì vậy, nguyên tắc quan trọng cần nhớ, đó là luôn đánh giá sự việc khách quan từ nhiều góc độ, nhiều chi tiết trong những hoàn cảnh cụ thể.
Thậm chí, đôi khi muốn hiểu một người, bạn chỉ cần lục tung thùng rác của họ và nghiên cứu. Nói như Sam, “thùng rác là cửa sổ dẫn tới tâm hồn!”
… tới bí kíp suy luận “thượng thừa”...
Bí kíp 1: Ấn tượng đầu tiên thường đúng, nhưng cần “update” thường xuyên
Các nhà tâm lý học đã chứng minh, ấn tượng ban đầu của chúng ta về một người mới quen thường rất chính xác. Tuy nhiên, sai lầm mà hầu như ai cũng mắc phải, đó là để ấn tượng này ảnh hưởng quá nhiều, dẫn tới không “update” chúng thường xuyên.
Bí kíp 2: Quần áo nói lên nhiều điều về bạn
Chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào phong cách ăn mặc, quần áo bên ngoài của một người để hiểu rõ họ. Những người mặc quần áo hàng hiệu, chải chuốt cẩn thận có xu hướng tính cách tự kiêu, tự đại.
Theo các chuyên gia tâm lý, những người mang tính cách này luôn quan tâm một cách thái quá tới vẻ bên ngoài của mình. Đó là lý do họ luôn tỏ ra mình phải là người đẹp nhất, nổi nhất giữa đám đông.
Bí kíp 3: Chữ ký thư điện tử hé lộ tính cách
Trong thời buổi công nghệ thông tin như hiện nay, làm việc qua email trở nên quá đỗi phổ biến. Vậy làm thế nào để đoán được tính cách hay tin tưởng một người chỉ dựa vào những bức thư điện tử?
Thực tế là có thể. Chuyên gia Sam Gosling cho rằng, mấu chốt chính là nằm ở chữ ký cuối email. Theo ông, những người ưa trích dẫn các câu nói nổi tiếng phía dưới của email thường tạo được độ tin cậy trong mắt người khác hơn bình thường.
Những câu trích dẫn hay thường xuất phát từ những người đáng tin cậy
Bí kíp 4: Trang cá nhân trên Facebook là nguồn thông tin hữu ích
Chúng ta thường cho rằng mạng xã hội như Facebook chỉ là thế giới ảo và không có nhiều giá trị hay thông tin đáng tin cậy. Nhưng sự thật ngược lại hoàn toàn. Các nghiên cứu mới đây chỉ ra, trang cá nhân Facebook là một công cụ hoàn hảo giúp bạn hiểu rõ về một người dù chưa gặp họ bao giờ.
Cụ thể, các hành động như like, share hay bình luận về bài viết trên mạng xã hội có thể cho bạn thấy quan điểm sống, suy nghĩ của một người. Những tấm ảnh họ chụp cũng tiết lộ phần nào sở thích, phong cách ăn mặc hay cá tính.
Chẳng hạn, người hướng ngoại, hòa đồng thường rất sôi nổi hoạt động trên mạng xã hội và có xu hướng chụp nhiều ảnh, đăng nhiều trạng thái khác nhau…
Bí kíp 5: Hiểu một người khi tới thăm nhà và cơ quan họ làm việc
Phòng làm việc và đặc biệt là phòng ngủ cá nhân là nơi “tố cáo” rõ nhất bản chất của một con người. Chẳng hạn, người hướng ngoại có xu hướng trang trí căn phòng theo phong cách rộng mở, thoáng đãng. Trên bàn họ, bạn có thể tìm thấy kẹo, bánh hoặc những đồ vật tương tự.
Hay nếu trong phòng có những cuốn sách được xếp ngay ngắn trên giá và có bụi, bạn có thể kết luận chủ nhân căn phòng là người thích tỏ ra mình thông minh.
Một trường hợp khác, nếu thấy những cuốn tiểu thuyết tình yêu đặt trên giường thì chắc chắn, người bạn đang tìm hiểu rất lãng mạn đó!
Nguồn: Time