Khi nhiệt độ xuống thấp, cảm giác rét buốt là không thể tránh khỏi. Trong điều kiện thời tiết như vậy, mỗi quốc gia đã đã sáng tạo ra muôn vàn cách chống lại giá lạnh.
Cùng tìm hiểu những cách tránh rét truyền thống của một vài quốc gia qua bài viết dưới đây.
1. Lều tuyết của người Eskimo
Một căn lều tuyết vùng Cực Bắc .
Người Eskimo là một dân tộc sống bằng nghề săn bắn quanh vòng Cực Bắc. Họ khéo léo sử dụng những vật liệu sẵn có trong môi trường sống của mình để dựng nên một công trình hết sức đặc biệt là lều tuyết. Trong tiếng Eskimo, lều tuyết được gọi là "igloo", nghĩa là "ngôi nhà".
Lều tuyết được xây bằng những khối tuyết lớn, có dạng mái vòm. Tuyết là một vật liệu cách nhiệt rất tốt do mật độ thấp của nó. Nhờ vậy, dù bên ngoài trời có lạnh đến - 45 độ C thì bên trong lều, nhiệt độ có thể ấm đến 16 độ C.
Bên trong một căn lều tuyết.
Những lều tuyết nhỏ được người Eskimo sử dụng như những chỗ trú đêm trên hành trình đi săn, trong khi những lều lớn nhất có thể dùng làm chỗ ở cho một gia đình 20 người.
2. Bàn sưởi ấm của người Nhật
Kotatsu là một phát minh độc đáo của người Nhật để giữ ấm trong mùa đông. Đó là một chiếc bàn có gắn lò sưởi bên dưới kèm theo chăn ấm phủ ở cạnh bàn. Kotatsu được sử dụng phổ biến tại Honshu, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Nhật Bản.
Kotatsu đã có ở Nhật Bản từ thời xa xưa.
Với kotatsu, cả gia đình có thể ngồi quây quần bên nhau ăn tối, xem phim hay trò chuyện. Chiếc bàn đáng yêu này cũng có thể biến thành một chiếc giường ngủ ấm áp.
Kotatsu trong một căn phòng kiểu Nhật.
Bên cạnh đó, người Nhật còn sáng chế ra "haramaki", một lớp nệm quấn quanh eo để giữ ấm. Haramaki được sử dụng chủ yếu cho người già và trẻ em, nhưng ngày nay đã trở nên thông dụng hơn với nhiều lứa tuổi.
Nệm haramaki quấn quanh eo.
3. Món ăn tránh rét ở Hàn Quốc
Nhắc đến Hàn Quốc, không thể không nhắc đến kim chi có mặt trong mỗi bữa ăn gia đình tại xứ sở này. Không chỉ giúp bữa cơm trở nên ngon miệng, chất cay nóng trong kim chi còn giúp người dân Hàn Quốc tăng cường sức khỏe và khiến họ cảm thấy ấm áp hơn trong mùa đông.
Vào thời điểm này, người Hàn Quốc ăn các loại kim chi nhiều ớt như kim chi Chonggak được làm từ củ cải. Ngoài ra, còn có các loại kim chi Jang, Bei hay Ggakdugi cũng hay được dùng trong mùa đông.
Món kim chi Chonggak rất cay này làm từ củ cải.
4. Sauna ở Phần Lan
Người dân Phần Lan nổi tiếng thế giới với tục lệ sauna (tắm hơi). Đáng chú ý, “sauna” là từ tiếng Phần Lan duy nhất xuất hiện trong từ điển Oxford.
Có lẽ do sống ở nơi quanh năm băng tuyết, tắm hơi đã trở thành một đặc sản mà người Phần Lan rất tự hào. Theo những người Phần Lan, tắm hơi cũng là một cách để chống chọi lại với cái rét. Bên cạnh đó, nó còn có rất nhiều lợi ích, như làm tăng lưu thông máu, giúp con người thư giãn và giảm stress.
Một căn phòng tắm hơi ở Phần Lan.
Hai du khách tắm hơi trong cabin cáp treo ở Phần Lan.
Gần đây, tại khu trượt tuyết Yllas tại nước này, du khách có thể vừa tắm hơi và ngắm cảnh mùa đông giá lạnh từ trong một cabin cáp treo cách mặt đất hàng chục mét!
5. "Bao giữ ấm cậu nhỏ" tại Croatia
Một chiếc bao nakurnjak.
Đất nước Croatia nằm ở phía Nam châu Âu có những vùng núi cao vô cùng lạnh giá. Tại đây, có một truyền thống độc nhất vô nhị là người vợ sẽ đan những chiếc bao “giữ ấm của quý” (nakurnjak) cho chồng mình.
Họ tin rằng bằng cách này, khả năng sinh sản của người đàn ông sẽ không bị tổn hại trong thời tiết khắc nghiệt.
Nữ nghệ nhân Radmilla Kus giới thiệu sản phẩm độc đáo của bà.
Những năm gần đây, việc đan nakurnjak đang phục hồi mạnh mẽ tại Croatia. Bà Radmilla Kus - người có công khôi phục truyền thống thú vị này đang mở thêm các lớp dạy đan đặc biệt.
Bà cho biết số đơn đặt hàng ngày một tăng và những người thợ sẽ đan nakurnjak theo đúng số đo của mỗi khách hàng gửi yêu cầu.