Ngày 18/11/2014, cộng đồng phượt Việt Nam đang xôn xao trước tin tức về vụ
tai nạn nghiêm trọng trong một chuyến phượt lên Hà Giang bằng xe máy của một nhóm bạn trẻ xuất phát từ Hà Nội.
Sau khi quay trở về, do trời mờ sương, chiếc xe máy của một bạn trong đoàn phượt đã gặp nạn khi đâm vào xe tải ở đoạn cua xuống dốc. Vụ tai nạn khiến nữ phượt thủ bị thương rất nặng. Điều này khiến cho những người lái xe đổ đèo nói chung cảm thấy hơi run sợ khi phải vượt qua quãng đường với khúc cua hẹp, nguy hiểm trên đường.
Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn
lái xe an toàn khi đổ đèo dốc trong điều kiện bình thường và cả sương mù.
Điểm đặc biệt lưu ý chung:
- Tập trung cao độ
Tập trung điều khiển xe đi đúng làn đường cho phép, tránh lấn sang trái. Chỉ nên lấn làn tại những đoạn có kẻ sơn đường đứt đoạn và không có phương tiện đi ngược chiều.
- Quan sát biển báo giao thông, gương cầu
Tại mỗi khúc cua đều có phương tiện giao thông báo về độ dốc của đèo cũng như gương cầu để bạn quan sát vị trí bị khuất. Do đó nên giảm tốc độ và quan sát kĩ xung quanh để có thể đưa ra biện pháp xử lý tình huống kịp thời.
- Điều khiển xe đi đúng làn đường cho phép và hạn chế tối đa việc vượt xe cùng chiều khi leo/đổ đèo
Không nên để xe lấn trái. Chỉ nên lấn làn tại những đoạn có kẻ sơn đường đứt đoạn và không có phương tiện đi ngược chiều. Nếu có ý định vượt xe khác trên đèo nên chọn đoạn đường có tầm quan sát rộng, vượt dứt khoát, vượt xong phải cho xe sớm trở lại phần đường của mình.
- Luôn mang theo nước uống và nhớ uống cả ngày
Trên những đèo dốc cao, độ ẩm thấp có thể dẫn tới tình trạng say độ cao, mệt mỏi. Vì thế, luôn cung cấp cho cơ thể đủ nước để giữ tỉnh táo. Bên cạnh đó, xe cũng cần tỉnh táo bằng cách đổ đầy bình nhiên liệu, vì mật độ xuất hiện trạm nhiên liệu dọc đường là rất ít.
- Trong điều kiện thời tiết xấu như sương mù, mưa gió, tuyết
Lúc này cần đi chậm, quan sát nhiều hơn, bật đèn sương mù và luôn nhớ bám vạch kẻ đường. Thời tiết xấu dẫn tới mất độ bám đường và có thể dẫn tới sạt lở, vì thế luôn cảnh giác, có thể dừng lại nếu cảm thấy nguy hiểm.
- Không nên bám sát xe phía trước, giữ khoảng cách an toàn và phòng trường hợp phanh gấp.
Giữ khoảng cách giữa mỗi xe tối thiểu 30m với ô tô, nếu không sẽ đâm xe liên hoàn khi xe đầu bị đổ, đặc biệt là khi xuống dốc.
Với xe máy:
- Không nên rà phanh liên tục
Khi chạy ở nơi dốc núi, nhiều người có xu hướng sử dụng phanh liên tục để hãm tốc độ. Tuy nhiên, đây lại là thói quen và kỹ năng lái không có lợi cho xe. Rà phanh liên tục sẽ khiến má phanh nóng, dẫn tới mất ma sát, có thể cháy may-ơ và làm giảm tác dụng của phanh.
- Khi đổ dốc vừa - để số xe ở số 2, trả tay ga về để giảm tốc độ về khoảng 25 - 30km/h. Phanh trước và sau chỉ sử dụng để hỗ trợ vào những khi thật cần thiết. Nếu cần thiết, sử dụng phanh trước thật nhẹ nhàng.
- Đối với dốc đứng hơn: trả về số thấp nhất khi bắt đầu xuống dốc. Điều này sẽ làm cho phanh động cơ hiệu quả hơn.
- Hãy sử dụng đúng với số mà bạn đã sử dụng khi lên.
Cách tốt nhất là không nên chuyển số giữa dốc. Tuy nhiên, khi thật cần thiết hãy trả số về trước khi xe bạn bị trôi đi.
- Khi chạy tối, giảm tốc độ xe, xe có thể đi gần nhau hơn - khoảng 20m. Tuy nhiên, lúc này xe trước và xe sau sẽ đi so le với nhau (như trên 2 đường thẳng song song, nhưng không cách quá xa). Lợi ích của việc đi so le với nhau là các xe có thể soi đèn cho nhau, không bị khuất tầm nhìn.
Lưu ý hơn với xe ô tô:
- Sử dụng đèn chiếu sáng liên tục khi đang vận hành xe trên đèo, kể cả vào ban ngày. Trong điều kiện thời tiết có sương mù hay mưa phùn cần sử dụng đèn gầm.
- Nếu tầm nhìn hạn chế và không được trang bị đèn sương mù nên dán giấy nylon màu vàng/đỏ vào đèn sẽ giúp xe phía trước có tầm quan sát rõ hơn.
- Đi chậm kết hợp với bấm còi và nháy đèn pha để thông báo cho các phương tiện giao thông khác.
- Đừng ôm vạch chia đường
Hầu hết đường đèo núi hẹp hơn đường quốc lộ ở đồng bằng. Một số tay lái có xu hướng bám vạch chia giữa đường để chạy, nhưng kỹ thuật này sẽ không an toàn nếu đường có nhiều xe di chuyển, gây khó chịu cho xe khác, trường hợp xấu dẫn đến tai nạn mà không kịp xử lý, đặc biệt với xe ngược chiều khi vào cua.
- Khi xuống dốc không quá nghiêng
Xe bắt đầu thả dốc, giữ khoảng 50km/h với số 4; thả hoàn toàn chân ga, không sử dụng côn.
* Nếu có thêm bí kíp gì giúp lái xe an toàn, các bạn có thể chia sẻ bằng cách comment ở dưới và chia sẻ để mọi người cùng biết nhé!
Nguồn tham khảo: VOV Giao thông