Mặc dù được cho là xuất hiện từ thời nhà Tần và các triều đại nhà Hán ở Trung Quốc (khoảng năm 300 TCN) nhưng sự khởi đầu của truyền thống múa sư tử vẫn còn là một bí ẩn. Bởi sư tử - một loài động vật không có nguồn gốc Á Đông, tại sao lại trở thành một phần không thể thiếu trong các phong tục truyền thống nơi đây?
Một truyền thuyết phổ biến được truyền miệng từ xa xưa cho hay, một nhà sư (trong một số phiên bản khác của câu chuyện là một hoàng đế) đã từng nằm mơ Trung Quốc sắp xảy ra một nạn dịch lớn. Sáng sớm hôm sau, ông đã cầu nguyện các vị thần ban cho một biện pháp để ngăn chặn thảm họa sắp tới và các vị thần cho rằng chỉ có loài sư tử mới có thể giúp ông giải quyết vấn đề này. Thực tế thì vị sư này chưa bao giờ nhìn thấy hoặc nghe nói về một loài vật tên là "sư tử" trước đây nên ông đã tạo ra một loài vật theo trí tưởng tượng của riêng mình, mang dáng dấp của các sinh vật theo truyền thuyết là rồng và kỳ lân. Điều này lí giải tại sao những chú sư tử được sử dụng trong các điệu múa trông không hề có nét nào giống với "chúa tể đồng cỏ châu Phi" thực thụ.
Một phiên bản khác nghe có vẻ thực tế hơn một chút, đó là câu chuyện xảy ra khi Ngọc Hoàng Thượng Đế trong truyền thuyết nhận được một chú sư tử - món quà từ vị sứ giả Ba Tư. Vị Hoàng đế này rất thích thú với món quà kì lạ nhưng rất tiếc là không có ai có thể chế ngự được sự hung dữ của nó. Hoàng đế đã mở nhiều cuộc thi để tìm kiếm nhân tài có thể kiểm soát được chú sư tử này, nhưng đều thất bại. Cuối cùng, một vị tu sĩ tài ba xuất hiện và đã khiến chú sư tử này phải thuần phục. Tự hào về con vật cưng mới của mình, vị Hoàng đế này đã công bố cho toàn thể thiên hạ biết rằng chú sư tử này đã bị thuần phục. Mặc dù truyền thuyết chỉ là truyền thuyết, song trên thực tế trong các điệu múa sư tử ngày nay vẫn có sự xuất hiện của một nhà sư - người đã góp phần thuần hóa loài sư tử hung dữ.
Chú sư tử đỏ biểu tượng cho sự mạnh mẽ.
Tuy nhiên, một truyền thuyết khác mô tả sư tử là loài vật có nguồn gốc từ trên trời. Thay vì là loài vật hung dữ, sư tử được miêu tả là rất ham chơi và hay dối trá. Một ngày nọ, sư tử đã vô tình chọc giận Ngọc Hoàng Thượng Đế và trong cơn giận lôi đình, Ngọc Hoàng đã ra lệnh chặt đầu sư tử. Phật Quan Âm (Goddess of Mercy) cảm thấy rất đáng tiếc sau khi chứng kiến cái chết của sư tử, bà đã gắn chiếc đầu sư tử với phần cơ thể của nó và buộc lại với một dải ruy băng màu đỏ. Sau khi hồi sinh cho sư tử, Phật Quan Âm cũng gắn trên đầu nó một viên ngọc và một chiếc sừng để xua đi những linh hồn ma quỷ. Truyền thuyết này góp phần lí giải tại sao dải ruy băng đỏ, ngọc và sừng luôn luôn xuất hiện trong các bộ trang phục múa sư tử ngày nay.
Ngoài ra, Trung Quốc không phải là nền văn hóa duy nhất giữ lại các điệu múa sư tử. Các phiên bản khác nhau của phong tục này cũng được duy trì tại Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc, tuy nhiên có sự khác biệt nổi bật trong số đó. Tuy nhiên, dù sự khác biệt như thế nào đi chăng nữa, múa sư tử đều được thực hiện trong các dịp lễ quan trọng nhằm xua đuổi tà ma và mang lại may mắn.
Hình tượng sư tử của Việt Nam.
Hình tượng sư tử của Hàn Quốc.
Hình tượng sư tử của Nhật Bản.