Ảo giác giúp con người nhìn thấy âm thanh |
Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng, một số người thực sự có khả năng kỳ lạ là nhìn thấy âm thanh.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu phân tích não của các tình nguyện viên sau khi quan sát hình ảnh đèn flash có âm thanh kèm theo. Kết quả là, những người có vùng kiểm soát hình ảnh ở vỏ não nhỏ hơn có khả năng nhìn thấy ảo ảnh nhiều hơn.
Vùng thị giác trong não nhỏ sẽ nhìn được âm thanh tốt hơn do quy luật bù trừ tai và thị giác.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, có thể chính khả năng nhìn ảo ảnh này là một cách để não có bộ phận phụ trách hình ảnh nhỏ đền bù đối với khả năng nhìn hình ảnh không hoàn hảo. Từ việc tạo ra cảm giác hoàn hảo cho bộ não như vậy sẽ tạo ra nhiều các thông tin bổ sung cung cấp cho tai.
Ảo giác như trên còn bao gồm hiệu ứng McGurk, một hiệu ứng diễn ra khi các thành phần hình ảnh của một âm thanh được ghép nối với các thành phần thính giác của âm thanh khác, khiến mọi người cảm nhận được hình như mình có thể nghe thấy một âm thanh thứ ba bí ẩn.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều điều chưa được lý giải về nguồn gốc của loại ảo giác này.
(Nguồn tham khảo: Livescience)
Cách mới giải mã chữ viết cổ |
Các chuyên gia của ĐH Oxford và Southampton (Anh) đã phát triển một hệ thống hình ảnh mới với mục tiêu giải mã những cổ tự bí ẩn lâu nay, qua đó giúp hé lộ những phần quan trọng trong lịch sử loài người.
Công nghệ này, gọi là xử lý hình ảnh chuyển hóa phản xạ, sử dụng một mái vòm với 76 ngọn đèn và đặt máy quay ở đỉnh vòm.
Bản thảo sẽ được đặt vào trung tâm của vòm, sau đó máy ảnh lần lượt chụp tài liệu dưới ánh sáng của chỉ một ngọn đèn được bật mỗi lần. Như vậy, tổng cộng sẽ có 76 bức ảnh được chụp cho từng bề mặt tài liệu.
Khi được kết hợp lại, 76 tấm hình này sẽ cung cấp một cái nhìn hoàn toàn mới cho giới chuyên gia, giúp họ "nhìn thấu" những chi tiết chưa từng được khám phá trước đây, khi khai thác sự khác biệt giữa ánh sáng và ảnh bóng.
(Nguồn tham khảo: New Scientist)
Nghi vấn tượng Phật 1.000 năm tuổi tạc từ thiên thạch là giả mạo |
Chuyên gia nghiên cứu Phật giáo - Achim Bayer tại ĐH Dongguk (Hàn Quốc) cho rằng, bức tượng Phật tạc từ thiên thạch cách đây 1.000 năm có thể là giả mạo.
Theo báo cáo, bức tượng được một đoàn thám hiểm thời Đức Quốc Xã tìm thấy ở Tây Tạng vào năm 1938-1939, tại vùng biên giới Siberia - Mông Cổ. Nó có niên đại khoảng 1.000 năm được tạc từ thiên thạch sắt và niken, có phong cách giao thoa văn hóa với Mông Cổ và Tây Tạng.
Tuy nhiên, Achim Bayer cho rằng, bức tượng Phật rõ ràng thể hiện “tính giả Tây Tạng”, nó giống như một sản phẩm của châu Âu, được tạc vào khoảng 1910-1970.
Cụ thể như: giày dép kéo dài đến mắt cá chân theo phong cách châu Âu, mặc quần thay bằng áo choàng, hình ống tay áo cũng không giống như trang phục truyền thống Tây Tạng hoặc trang phục Mông Cổ, khuôn mặt có một bộ râu rậm cũng không nhìn thấy trong văn hóa Tây Tạng hay các tác phẩm điêu khắc vị thần Mông Cổ. Đặc biệt, lại có bông tai và khuyên mũi giống như người La Mã thường dùng thời cổ đại.
(Nguồn tham khảo: Livescience)
Phát hiện mới về đền Angkor Wat |
Các nhà khảo cổ nghiên cứu đền Angkor Wat của Campuchia cho biết, một loạt con kênh đã được sử dụng như lối đi tắt để đưa 5 triệu tấn đá về xây ngôi đền này.
Các khối đá sa thạch - mỗi khối nặng đến 1,5 tấn - được khai thác từ núi Kulen để đem về xây dựng quần thể đền thờ Hindu được coi là lớn nhất thế giới. Trước đây người ta nghĩ rằng, các khối đá phải được vận chuyển qua 55 dặm (tương đương 88km) để đến nơi xây dựng.
Tuy nhiên, các chuyên gia Etsuo Uchida và Ichita Shimoda (ĐH Waseda, Tokyo) đã sử dụng các hình ảnh vệ tinh xác định, nhiều con kênh cổ đại được coi là lối đi tắt cho dự án xây dựng từ thế kỷ 12 này. Các kênh dẫn từ chân núi Kulen đến Angkor chỉ tốn 20 dặm (khoảng 32km), nhẹ nhàng hơn nhiều.
Etsuo Uchida và Ichita Shimoda cũng phát hiện hơn 50 mỏ đá ở chân núi Kulen và dọc theo tuyến đường phù hợp với việc vận chuyển về ngôi đền.
(Nguồn tham khảo: New Scientist)