Tai con người không hoàn hảo như chúng ta vẫn tưởng. Trên thực tế có rất nhiều
âm thanh hoàn toàn nằm ngoài “tầm tai” của chúng ta.
Bởi lẽ, phần tai của ta chỉ có thể nghe được những âm thanh nằm trong khoảng 20Hz, cao nhất là 20.000Hz. Trong khi đó, loài dơi lại có đôi tai siêu thính với khả năng nghe được những siêu âm với tần số lên đến 110.000Hz.
Một số những loài động vật khác như voi lại nghe được những âm có tần số thấp hơn rất nhiều lần so với âm thanh con người.
Cùng với tuổi tác, thính giác của chúng ta lại càng trở nên tồi tệ hơn và ta bỏ lỡ nhiều hơn thậm chí cả những âm thanh nằm trong khoảng nghe được của con người. Hãy cùng lắng nghe một số thanh âm mà hầu hết chúng ta đang bỏ lỡ.
1. Âm thanh không dành cho những người 18+
Tuổi tác có thể làm thay đổi cách chúng ta lắng nghe âm thanh và từ đó cũng thay đổi những thanh âm mà ta có thể cảm nhận.
Các nhà khoa học đã tìm ra rằng, cùng với tuổi tác, ta sẽ mất dần khả năng nghe được một số những âm thanh có âm vực cao như khi ta còn trẻ. Những tiếng động này được gán mác “âm thanh của người trẻ”.
Nếu bạn đã trên 18 tuổi thì bạn khó có thể nghe được âm thanh trong đoạn clip này. Hãy nhờ 1 đứa trẻ nghe hộ!
Nếu những âm thanh ở mức tần số 8.000 Hz là bình thường và tất cả mọi người đều có thể nghe được thì những âm thanh có tần số 12.000Hz lại trở nên "khó nghe" với những người trên 50 tuổi.
Tương tự những âm thanh ở tần số 15.000 Hz sẽ là một thử thách lớn đối với tất cả những người qua tuổi 40. Và nếu bạn đã qua tuổi 18, bạn sẽ không thể nghe được các thanh âm ở mức tần số 17.400 Hz.
Quá trình lão hóa tai này được gọi là presbycusis và nó có thể bắt đầu ngay từ khi bạn bước qua tuổi 18. Đây là kết quả của sự lão hóa tự nhiên của các tế bào trong tai và điều này là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên nếu biết cách chăm sóc đôi tai của mình, nhiều khả năng là bạn sẽ có thể nghe thấy những âm thanh “trẻ” hơn so với bản thân.
2. Những bản nhạc piano dành riêng cho chú mèo
Vào năm 2014, các nhà hoạt động từ tổ chức Pussy Riot đã chế tạo nên một cây đàn piano điện để chơi những bản nhạc được thiết kế dành riêng cho… mèo.
Mèo là loài động vật có thính giác siêu âm. Điều này có nghĩa là chúng có thể nghe được khoảng âm thanh rộng hơn nhiều so với con người, thậm chí là nhiều hơn hầu hết các loài động vật có vú khác.
Mặc dù con người cũng có thể nghe thấy một vài phần của bản nhạc này tuy nhiên giai điệu toàn bộ của nó sẽ phức tạp hơn gấp nhiều lần khi vào đến tai một chú mèo.
Theo nghiên cứu được đăng trên tờ Applied Animal Behaviour Science (tạm dịch: Khoa học hành vi động vật), các nhà nghiên cứu đã cho 47 chú mèo nghe thử các bản nhạc nổi tiếng của loài người và một số “bản nhạc mèo”.
Kết quả là chúng tỏ ra thích thú hơn hẳn với những âm thanh được sáng tác riêng cho mình và thậm chí cọ đầu vào những chiếc loa.
3. Bản nhạc Beatles dành riêng cho cún cưng
Trong bài hát “A day in the Life” của nhóm nhạc huyền thoại The Beatles, có một bí mật mà ít người biết đến, đó là một đoạn nhạc dành riêng cho… chó.
Nhóm nhạc nổi tiếng nước Anh này đã cho vào bài hát của mình một tiếng huýt sáo ở tần số 15.000Hz ngay sau đoạn hợp âm cuối cùng.
Phần âm thanh có tần số 15.000Hz dành cho cún cưng nằm ngay sau phút thứ 5.
Paul McCartney- một thành viên của nhóm cho biết “Chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện hàng giờ về các âm thanh có tần số quá thấp đến mức bạn không thể nghe thấy cũng như âm thanh ở tần số cao mà chỉ có chú chó có thể phát hiện ra. Sau đó chúng tôi đã đặt một âm thanh như thế vào bài hát”.
4. Tiếng gọi siêu trầm của loài voi
Loài voi có thể phát và cảm nhận được những thanh âm được đánh giá là “quá thấp” so với tai của con người, trong khoảng từ 14-16hz.
Chúng cũng có thể tạo ra những tiếng gọi ở mức tần số siêu thấp, ở mức âm lượng cực lớn từ 85-95 decibel. Nếu đem ra so sánh, mức âm lượng 95 decibel là tương đương với âm thanh của một chuyến tàu điện ngầm phát đi trong khoảng cách 61m.
Âm thanh bí mật của loài voi được các nhà khoa học phóng đại.
Những âm thanh siêu trầm và to này cho phép những con voi giữ liên lạc với nhau dù ở khoảng cách xa hơn cả cây số.
Nguồn: Mentafloss, Youtube