Trong thế giới tự nhiên, hầu như loài vật nào cũng có mưu mẹo riêng để sinh tồn. Một số sinh vật còn là "bậc thầy" phòng vệ với những bí quyết thoát hiểm vô cùng ấn tượng và "không đụng hàng".
1. Thằn lằn có sừng - phun máu từ mắt
Loài vật này có cơ chế phòng vệ đa dạng để tránh bị ăn thịt như ngụy trang, làm phồng cơ thể hoặc chạy bước ngắn để gây bối rối cho kẻ thù. Tuy nhiên, cơ chế phòng vệ kỳ lạ hơn cả là phun máu từ mắt mình vào những kẻ tấn công.
2. Kiến Malaysia - "đánh bom" cảm tử
Những thành viên nhỏ bé, trung thành này của lớp côn trùng có ý thức bảo vệ lãnh thổ của chúng cao đến mức sẵn sàng tự sát và cho nổ tung thân mình thành hàng nghìn mảnh bụi hữu cơ nếu cảm thấy đe dọa đến gần.
Đặc trưng độc đáo của kiến Malaysia là loài vật này có các tuyến lớn chứa đầy độc chất trong cơ thể. Khi đánh hơi thấy có kẻ tấn công, chúng phát tín hiệu và giải phóng các tuyến chứa chất độc trên đầu để tự đốt cháy, phát nổ và rải chất độc vung vãi khắp mọi nơi.
3. Chồn Opossum - giả vờ chết
Đừng bao giờ bị đánh lừa bởi vẻ ngoài dường như vô hại với bộ lông mềm mại của các con chồn Opossum vì khi nói đến việc phòng thủ, loài vật này thực sự là các siêu thiên tài.
Chồn Opossum thường phản ứng với hiểm nguy bằng cách giả vờ chết: nó rơi xuống đất, sùi bọt mép cứ như thể bị bệnh nặng, sau đó nằm bất động với cái mõm há hốc và tiết ra chất lỏng màu xanh lá cây có mùi hôi từ tuyến hậu môn.
Điều kỳ lạ nhất về cơ chế bảo vệ của loài động vật này là phản ứng mang tính tâm lý, tiềm thức trước hiểm nguy hơn là phản ứng có ý thức. Vì các động vật ăn thịt thường thích giết con mồi hơn nên chúng không hứng thú với những con mồi trông có vẻ đã hôn mê và thường bỏ đi.
4. Nhím có mào châu Phi - phóng lông sắc nhọn
Khi bị đe dọa, những sinh vật tinh nghịch này xù lông, làm cơ thể trông phình to hơn và khiến kẻ thù hoảng sợ phải tránh xa. Nếu cách trên thất bại, con nhím sẽ tìm cách đột kích phía sau hoặc bên sườn và phóng các lông sắc nhọn vào kẻ thù. Hoặc, nó có thể dừng lại đột ngột, khiến kẻ thù đâm sầm vào bộ lông tua tủa của nó.
Các lông nhím dễ dàng tách ra khỏi cơ thể "bố mẹ" và một khi chúng thâm nhập vào cơ thể động vật săn mồi, các gai nhỏ ở đầu lông sẽ găm sâu vào vết thương, làm vỡ các mạch máu và thậm chí cả cơ quan nội tạng. Những cuộc tấn công kiểu này được ghi nhận từng giết chết cả sư tử, báo, linh cẩu và thậm chí cả con người.
Có một thực tế thú vị là những con nhím này có kháng sinh tự nhiên trong cơ thể để ngăn ngừa chúng không mắc bệnh nhiễm trùng nếu bị ngã từ trên cây xuống và vô tình bị lông đâm vào cơ thể.
5. Ấu trùng bọ khoai tây - tự phủ phân lên cơ thể
Ấu trùng của bọ khoai tây có thể là một món ăn trong "thực đơn" của những con chim và châu chấu háu đói. Do chưa phát triển được một lớp vỏ cứng bên ngoài cho tới khi trưởng thành nên để bảo vệ chính mình khỏi bị ăn thịt, những sinh vật non nớt này cố gắng làm chúng ít hấp dẫn hơn bằng chính phân của mình.
Phân của chúng là các chất thải cặn bã, hôi thối và cực kỳ độc hại đối với bất kỳ đối tượng nào.
6. Cá mút đá Myxin - tiết chất nhờn dính
Cá mút đá Myxin là sinh vật sống dưới nước với cơ thể thon dài giống lươn. Khi bị tấn công, chúng chống lại kẻ thù bằng cách nhả ra số lượng lớn chất nhờn dính vốn trở thành một loại gel đặc quánh khi kết hợp với nước.
Sau đó, chúng tự làm sạch mình bằng một chuyển động vắt xoắn từ đầu đến đuôi, loại bỏ mọi chất nhờn. Chất nhờn quánh đặc không chỉ làm phân tán kẻ thù mà còn bao vây những sinh vật nhỏ hơn trong một khối chất nhầy giống như thạch, khiến chúng chết ngạt.
Một cá mút đá Myxin trưởng thành có thể tiết ra lượng chất nhờn đủ để biến một thùng nước 20 lít thành gel đặc quánh trong vài phút.