Cách đây 65 triệu năm, một thiên thạch khổng lồ đã va vào Trái đất, gây
ra nhiều tác hại to lớn, ảnh hưởng tới sự sống còn của loài khủng long. Sự kiện
mưa thiên thạch ở Nga ngày 15/2 khiến hàng trăm người bị thương vừa qua cũng là một tai nạn bất ngờ khiến chúng ta phải lo ngại.
Trước những nguy cơ tương tự, liệu con người có đủ trí thông minh để tìm ra cách chống lại sức mạnh tới từ vũ trụ? Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số phương án phòng chống việc thiên thạch rơi xuống Trái đất, giúp cứu nhân loại khỏi thảm họa diệt vong của Ngày Tận thế.
1. Vũ khí hạt nhân
Vũ khí hạt nhân là công cụ mạnh và nguy hiểm nhất con người đang sở hữu. Nó là một lựa chọn logic nếu phải đối chọi lại thiên thạch lao đến từ vũ trụ.
Có 2 cách mà các nhà khoa học đề xuất sử dụng. Nếu khẩn cấp, người ta phóng trực tiếp đầu đạn hạt nhân vào thiên thạch. Nhưng làm thế sẽ gây ra một vụ nổ lớn phá thiên thạch thành nhiều mảnh nhỏ và không lường trước được các mảnh nhỏ ấy rơi ở đâu.
Trường hợp có thời gian chuẩn bị, sự lựa chọn tối ưu hơn là phóng đầu đạn hạt nhân, cho phát nổ ở gần thiên thạch. Nhiệt giải phóng từ vụ nổ làm khô lớp đá bên ngoài của thiên thạch, dẫn đến trọng lượng thay đổi. Vận tốc và hướng di chuyển của thiên thạch sẽ bị lệch đi rất nhiều. Kết quả là chúng sẽ không va chạm vào Trái đất.
2. Tàu vũ trụ nhỏ
Để thay đổi hướng di chuyển của một thiên thạch, giới chuyên gia mới phát triển một phương cách cực kì hiệu quả là sử dụng tàu vũ trụ nhỏ.
Theo đó, với một tàu vũ trụ không người lái cực nhỏ, trọng lượng khiêm tốn, nếu phóng đi với vận tốc lớn, năng lượng nó mang theo cũng sẽ không hề thấp.
Chỉ cần tàu bắn trúng mục tiêu, thiên thạch, sao chổi hay tiểu hành tinh sẽ lập tức chệch hướng mà gần như không có một biểu hiện gì. Tuy nhiên, do kích thước bé nên nếu bắn chệch, tàu vũ trụ sẽ mất tác dụng hoàn toàn.
Tàu Deep Impact sản xuất năm 2005 là một minh chứng điển hình. Nó nặng 370kg, có vận tốc tới 10km/s. Tàu sở hữu mức năng lượng tương đương 4,8 tấn TNT, đủ để làm lệch quỹ đạo của một sao chổi tầm trung.
3. Lực hấp dẫn
“Định luật quả táo” của Isaac Newton được vận dụng trong việc "xua đuổi" thiên thạch khỏi hành tinh xanh.
Công nghệ này chỉ phù hợp với các thiên thạch có tiềm năng va chạm trong thời gian dài. Theo đó, các nhà khoa học sẽ phóng những tàu vũ trụ hoặc vệ tinh theo sát thiên thạch nguy hiểm.
Các vệ tinh sẽ gây ra lực hấp dẫn đối với chúng dù là rất nhỏ. Trong khoảng thời gian 15 năm trở lên, lực rất nhỏ kia cũng sẽ đủ làm chệch hướng thiên thạch, khiến nó không thể tấn công Trái đất.
Đây được đánh giá là phương án khả thi để phòng chống các mối nguy tiềm ẩn trong tương lai của thế giới.
4. Kéo thiên thạch
Một cách khác cũng được sử dụng nhằm thay đổi đường đi của thiên thạch hay sao chổi, đó là thiết kế tàu vũ trụ kéo mối nguy hiểm rời xa Trái đất.
Có thể hiểu đơn giản, thiên thạch cũng giống như một kiện hàng lớn và bạn chế tạo một tàu vũ trụ chở hàng, kéo “kiện hàng” đó rời xa Trái đất.
Nói đơn giản vậy song thực hiện cách trên thì vô cùng khó khăn, nhất là công đoạn chế tạo. Tàu vũ trụ muốn kéo được thiên thạch phải có động cơ chạy bằng nhiên liệu plasma.
Kéo theo đó là hệ thống tản nhiệt cực lớn đủ sức làm mát cho con tàu. Đặc biệt, phương án này cũng phải mất từ 15-20 năm để làm lệch chuyển động của thiên thạch.
5. Neo thiên thạch
Đây là biện pháp “điên rồ” nhất từng được đề xuất trong giới khoa học. Nó thuộc về 1 ứng cử viên tiến sĩ tại Đại học North, Carolina, Mỹ năm 2009.
Về cơ bản, ý tưởng này nghĩa là thiết kế một chiếc neo đủ lớn, đặt trên Trái đất hoặc một hành tinh nào đó như Mặt trăng chẳng hạn.
Sau đó, người ta nối chiếc neo với tiểu hành tinh, thiên thạch có nguy cơ va vào Trái đất bằng hệ thống dây cáp cực kỳ chắc chắn. Với chiếc neo đủ lớn và khỏe, mục tiêu sẽ bị giữ lại một thời gian, khi tháo neo thì thiên thạch đã chệch hướng từ lúc nào.
Tuy nhiên, mức độ khả thi của biện pháp này cần nhiều thời gian để kiểm chứng. Dù có thể dự đoán quỹ đạo thiên thạch trước từ 20 - 50 năm nhưng cũng như hai biện pháp ở trên, phương pháp này đòi hỏi con người phải nghiên cứu, phát triển khoa học cao hơn.
Bạn có thể xem thêm: