Con ngựa thành Troy
Hẳn nhiều người đã quen thuộc với câu chuyện này. Trong cuộc chiến thành Troy, người Hy Lạp đã gặp rất nhiều khó khăn trước những bức tường thành vững chắc của đối thủ. Tới năm thứ 10 của cuộc chiến, họ đã nghĩ ra một kế.
Lính Hy Lạp dựng lên một con ngựa gỗ khổng lồ rỗng bụng mà trong đó có thể ẩn nấp nhiều người. Sau đó, họ thuyết phục dân thành Troy rằng đó là một món quà hữu hảo và đáng thương thay, những người thành Troy đã mắc bẫy. Họ hân hoan mang con ngựa vào thành và đêm hôm đó, lính Hy Lạp từ bụng ngựa chui ra đã mở cổng thành cho đại quân tràn vào. Thành Troy thất thủ vì bị giáng đòn quá bất ngờ.
Câu chuyện về thành Troy được kể trong trường ca Iliad của Hy Lạp nhưng ngôi thành trì này cũng tồn tại thực sự và các bằng chứng khảo cổ cho thấy có tồn tại cả các khung hình con ngựa tại thành phố đó.
Họa sĩ lừa đảo
Han van Meegeren là một họa sĩ và ông ta muốn mọi người phải thừa nhận tài năng của mình. Tuy nhiên cách làm của ông thì thật tồi tệ.
Vào đầu thế kỷ 20, họa sĩ này đã làm giả hàng loạt bức tranh về đề tài Kinh thánh của các tiền bối đi trước. Ông ta vẽ rất cẩn thận và làm giả một cách tuyệt vời các dấu tích của thời gian trên các bức tranh giả cổ đó. van Meegeren trở nên giàu có nhờ bán tranh giả và tới lúc đó, lòng tham đã vượt trên khát khao muốn khẳng định mình.
Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi một trong bức tranh được bán cho thành viên Đảng Quốc xã ở Đức. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, quân Đồng Minh kết tội ông ta vì bán tài sản quốc gia cho kẻ thù và van Meegeren đành thú nhận mọi chuyện. Ông ta chỉ bị kết án 1 năm tù nhưng đã chết vì đau tim chỉ 2 tháng sau phiên tòa. Một kết cục xứng đáng cho kẻ lừa đảo.
Giả mạo công chúa
Khi Cách mạng Nga diễn ra năm 1918, gia đình Sa Hoàng đã bị xử tử. Không lâu sau đó, bắt đầu xuất hiện các tin đồn rằng có những thành viên hoàng gia đã trốn thoát và Anna Anderson là người nổi tiếng nhất trong số những kẻ mạo danh.
Vào năm 1920, bà ta được đưa tới bệnh viện sau khi tự tử bất thành và nhận mình là công chúa Anastasia, con gái út của Sa Hoàng. Bà ta kể rất trôi chảy về các chuyện của hoàng gia và đó là điều khác biệt với vô số những kẻ mạo nhận khác.
Cũng có vài người cả tin mắc bẫy nhưng đa số đều cho rằng Anna là kẻ lừa đảo. Tới năm 1927, bạn cùng phòng cũ của bà ta còn cho biết tên thật của kẻ mạo danh này là Franziska và dĩ nhiên bà ta không phải là công chúa.
Anna vẫn tiếp tục kể lể những điều dối trá tới khi qua đời năm 1984. Tới năm 2009, các nhà khoa học đã công bố họ tìm thấy tất cả các bộ xương cốt của gia đình Sa Hoàng và chẳng ai thoát khỏi số phận hẩm hiu năm 1918 cả.