1 năm vòng quanh Tokyo qua 12 bức ảnh đen trắng

Cá Thu, Theo 00:00 07/11/2011
Chia sẻ

Một góc nhìn "lạ" về đặc trưng văn hóa Nhật Bản qua lăng kính nhiếp ảnh ấn tượng!

Bằng những bức ảnh đen trắng, vẻ đẹp và tinh thần cuộc sống ở Tokyo đã được khắc họa chân thực, mới mẻ qua góc nhìn của Paul Church - một anh chàng người Anh đã sống ở thành phố này 8 năm.

Trong 12 bức ảnh cô đọng nhịp sống 1 năm dưới đây, hãy cùng trải nghiệm đặc trưng văn hóa của Thủ đô nước Nhật bạn nhé!

1. Thứ 6, 15/10/2010


Những tấm poster phim đem đến sự sinh động cho những cổng vòm ra vào ga tàu điện ngầm tại ga Yurakucho.

Ở dưới lòng đất, nằm ngay dưới ga Yurakucho là các quán xá bán đủ loại mặt hàng, từ đồ ăn uống cho tới đồ điện tử. Khách hàng chủ yếu ở nơi này là các nhân viên làm công ăn lương trong khu vực.

2. Chủ nhật, 7/11/2010


Những người khách này đang chờ đợi bên ngoài cửa tiệm để được ăn món mì ramen truyền thống. 

Thành phần của một bát mì ramen thường có mì (làm từ bột mì), nước canh ninh từ thịt cùng một số loại rau củ, thêm nước tương miso, ăn kèm với một vài lát thịt lợn, rong biển rán và hành. Mặc dù cách chế biến không quá cầu kỳ, nhưng hương vị của mì ramen đã được ghi nhận trong danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới của chuyên trang du lịch CNNGo. 

Đối với người Nhật, món mì ramen gắn liền với lịch sử đất nước, là món ăn của người nghèo vào thời buổi khan hiếm. Bạn có thể thưởng thức món ăn này hầu như ở khắp mọi nơi chứ không nhất thiết phải đến những khu phố nghèo, bởi tính riêng trên địa bàn Tokyo đã có khoảng 4.000 tiệm, còn con số này tính trên toàn nước Nhật là khoảng hơn 200.000. 

3. Thứ 4, 29/12/2010


Một cây anh đào nhỏ ở gần căn hộ nơi tác giả đang sống.

Nhắc đến hoa anh đào, chắc hẳn ai cũng biết rằng đó là "quốc hoa" của Nhật Bản - loài hoa hiện diện khắp mọi nơi trên đất nước này. Là loài hoa "thoắt nở thoắt tàn", nên hoa anh đào được các samurai yêu thích, dùng làm hình ảnh tượng trưng cho “con đường chết” của người võ sĩ. Hoa còn là biểu trưng của cái đẹp, sự mong manh và trong trắng, xuất hiện rất nhiều trong văn học và thơ ca Nhật Bản.

4. Thứ 5, 6/1/2011


Tòa nhà kì lạ ở phía bên phải chính là tòa nhà của hãng truyền hình Fuji TV, được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Kenzo Tange. Ông đã thiết kế tòa nhà để có thể chống chịu động đất ở cường độ cao. 

5. Thứ 2, 14/2/2011


Tuyết rơi đột ngột sau một kì nghỉ dài ở Tokyo.

Khí hậu ở Tokyo tương đối ôn hòa với hai mùa chính: mùa hè ẩm ướt, mùa đông có tuyết. Vào thời điểm tháng 2, lượng tuyết rơi tuy ít nhưng vẫn diễn ra thường xuyên. Thông thường thì tháng 2 chính là thời điểm nhiệt độ xuống thấp nhất ở Nhật Bản. Ngay cả những vùng ấm nhất ở phía Nam như Miyazaki và Kagoshima cũng xuất hiện tuyết rơi.

6. Thứ 6, 11/3/2011


Căn phòng rung chuyển bởi cơn động đất ngày càng mạnh lên. Hầu như mọi người đều chui hết xuống gầm bàn cùng với các dụng cụ cứu hộ. Tuy nhiên, có một số người thậm chí còn chẳng thấy giật mình, họ vẫn tiếp tục làm việc. Có vẻ như họ đã quá quen với tần suất báo động động đất cao. Chỉ đến khi về tới nhà sau 9km đi bộ và qua báo đài, tôi mới biết trận động đất này khủng khiếp tới cỡ nào.

Vị trị địa lý của Nhật Bản khiến đất nước này là một trong những quốc gia xảy ra nhiều thiên tai nhất thế giới. Hai mối đe dọa nghiêm trọng nhất là động đất và sóng thần. Mỗi năm, Nhật Bản phải chịu 7.500 trận động đất nhẹ, riêng Tokyo có đến 150 trận. 

Hầu hết các trận động đất này quá nhẹ, không thể nhận ra, nhưng cũng có những trận động đất rất mạnh. Đỉnh điểm là trận động đất vào ngày 11/3/2011, có sức mạnh lên tới 9 độ richter cùng với sóng thần cao 39m đánh vào ven bờ Sendai, gây thiệt hại nặng nề cho cả các vùng xung quanh, khiến 4.000 người chết, 8.000 người bị thương và 10.000 người mất tích.

7. Thứ 4, 20/4/2011


Tác giả đã dành một chút thời gian để đi dạo. Điểm đến lần này là Shinjuku, đi bằng tàu điện ngầm.

Shinjuku là một khu trung tâm và hành chính lớn của Tokyo, với mật độ dân số dày đặc. Nơi đây nổi tiếng là nơi có các nhà ga tàu điện ngầm với lưu lượng người ra vào lớn nhất Nhật Bản và cũng là nơi có những tòa nhà chọc trời lớn nhất. 

8. Chủ nhật, 22/5/2011


Những cơn mưa nặng hạt liên tiếp và một lịch làm việc bận rộn khiến tác giả phải ngồi bên máy tính gần hết cả ngày. Thời gian đem đồ đi giặt là cơ hội để anh khám phá thêm những góc phố xung quanh nơi mình sống.

9. Thứ 6, 10/6/2011


Sau tới 7 năm sống tại Tokyo, tác giả vẫn bị lạc đường ở khu Ikebukuro - nơi tập trung rất nhiều thanh niên và thậm chí, anh đã không thể tìm được đường ra khỏi nhà ga.

10. Thứ 2, 25/7/2011


Có thể bạn sẽ hiểu lầm rằng người đàn ông này không muốn tác giả chụp ảnh ông ta, nhưng thực tế thì không phải như vậy. 

Người Nhật không thích bị cháy nắng. Những người già ở đây, chỉ cần nhìn thấy một chút nắng thôi là họ đã sử dụng bất cứ thứ gì sẵn có trong tay để ngăn nó không chiếu vào người mình. Hầu hết, các phụ nữ chống nắng bằng cách xỏ găng tay dài để che hết cả cánh tay và đeo những chiếc khẩu trang.

11. Thứ 4, 31/8/2011


Tác giả đi bộ liên tục, trong đầu không nghĩ ngợi gì. Sau đó, anh đã gặp những người phụ nữ này trên một con phố ở khu Koenji.

Sau Shijuku và Shimokitazawa, Koenji là khu mua sắm có tiếng thứ ba tại Tokyo, được biết đến qua mặt hàng quần áo second-hand. Không chỉ có các loại quần áo cũ trong nước mà nơi này còn bán các loại quần áo cũ nhập từ các nước khác như Mỹ, Pháp, Ý… Ngoài quần áo cũ là mặt hàng chủ yếu, nơi này còn có rất nhiều các cửa hàng bán phụ kiện, thực phẩm và dịch vụ.

12. Thứ 5, 8/9/2011


Trong bức hình, món ăn hấp dẫn mà hai cô gái này đang ăn chính là thịt gà xiên (Yakitori). 

Đây là một món “fast food” rất phổ biến ở Nhật. Ngoài thịt thì các bộ phận khác của con gà như gan, đùi, da đều có thể dùng làm món này. Mùi thơm ngọt ngào của các loại gia vị truyền thống và mayonnaise ngậy béo chính là một yếu tố quan trọng làm nên mùi vị của món ăn nhanh hay ho này của Tokyo.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày