Chiều 23-3, ông Nguyễn Hạnh Nhân, Giám đốc Công ty CP Vadi, phân phối dây thoát hiểm Seohan (nhập khẩu từ Hàn Quốc), cho biết ngay sau khi có thông tin vụ cháy chung cư làm 13 người chết, khách hàng liên tục gọi điện hỏi thông tin và yêu cầu lắp đặt sản phẩm. Đây là một bộ sản phẩm trang bị trong gia đình, giúp nhiều người có thể tiếp đất an toàn với tốc độ chậm (1m/s) trong tình huống mắc kẹt trong tòa nhà cao tầng xảy ra sự cố trước khi chờ cứu hộ bên ngoài.
Nhu cầu mua dây thoát hiểm của người dân tăng đột biến
"Lượng khách tăng đột biến nên người mua phải chờ đến tuần sau mới được khảo sát và lắp đặt sản phẩm, còn các đại lý phải đến tận kho để lấy hàng, chúng tôi không có người giao hàng. Ở nước ngoài, các sản phẩm thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp rất phổ biến nhưng tại Việt Nam người dân ít quan tâm. Chỉ khi nào có thông tin cháy nhà cao tầng gây chết người thì sức mua mới tăng lên trong 1-2 tháng. Như vụ cháy chung cư 24 tầng ở nước Anh làm hàng chục người thương vong vào giữa năm 2017 cũng khiến doanh số bán hàng ở Việt Nam tăng gấp 4 lần, sau đó lại trầm lắng. Rất ít người có tính cẩn thận, phòng xa thì chủ động mua sản phẩm. Vụ cháy lần này gây thiệt hại nghiêm trọng nên có thể doanh số bán hàng tăng cao trong thời gian dài"- ông Nhân dự đoán.
Không chỉ dây thoát hiểm, thang thoát hiểm và mặt nạ chống khói, máy báo khói, bình dập lửa… cũng được người dân "săn lùng" để phòng khi sự cố. Một số trang bán hàng qua online cũng tranh thủ dẫn link các bài viết về vụ cháy để "nhắc nhở" người tiêu dùng.
Các sản phẩm thoát hiểm được rao bán sau vụ cháy
Giá các sản phẩm thoát hiểm khi xảy ra sự cố nhà cao tầng khá đa dạng. Dòng cao cấp có ba lô thoát hiểm (hàng nhập khẩu Israel), chỉ dùng được cho 1 người, giá từ 29,5-33,5 triệu đồng/chiếc. Trong ba lô có dây và thiết bị có thể giúp nạn nhân đu xuống đất. Bộ dây thoát hiểm hạ chậm, giá từ 4,5-11 triệu đồng/bộ có thể đưa lần lượt 3-4 người trong gia đình xuống đất. Thang thoát hiểm từ 1-15 triệu đồng (tùy chiều dài, chất liệu).