Mỗi khi buồn chán, hãy vào Facebook Keanu Reeves. Thực ra vẫn chưa thể xác định được đây có phải là Facebook thực sự của nam tài tử hay không, tuy nhiên giá trị tham khảo vẫn còn do có rất nhiều câu chuyện cuộc đời đáng phải suy ngẫm lồng ghép triết lý cuộc đời.
Đăng vào khoảng 3 giờ sáng theo giờ Việt Nam, câu chuyện mới đây nhất trên page Keanu Reeves đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của người dùng mạng Facebook. Cũng giống như các câu chuyện mà anh hay chia sẻ, ẩn trong các diễn biến luôn là những thông điệp về cuộc sống, thông điệp về cách làm người, từ một con người có cuộc đời nhiều tâm sự.
"Hôm ấy tôi đi dạo rồi dừng lại ở một quán cafe ăn trưa. Qua ô cửa sổ tôi nhìn thấy một cô bé tuổi teen đang ngồi xổm bên kia đường, co ro trong cái lạnh, tay ôm ấp một đống bùng nhùng vải. Người đi đường chẳng ai thèm nhìn cô được một lần, trông cô bé khá là túng quẫn.
Tôi ăn vội thức ăn rồi đi ra ngoài, tay lục ví định bụng sẽ cho cô gái kia 5 USD mua đồ ăn. Khi tôi tới gần, cô bé đang sụt sịt khóc, cô này chắc tầm 14-15 tuổi. Và đám bùng nhùng vải kia chính là một đứa bé đang được bao bọc. Trong tôi như vừa bị đấm thụi vào giữa ngực vậy. Cô bé ngẩng mặt lên, 4 mắt nhìn nhau, rồi cô bé hỏi xin tôi chút tiền lẻ, tôi lại hỏi cô bé có muốn ăn trưa hay không.
Ngay bên cạnh là một tiệm bách hoá nhỏ, tôi vào mua một hũ sữa bột cho đứa bé (nó còn bé lắm, độ 2-3 tháng là cùng) rồi đưa cô gái kia vào quán mà tôi mới ăn lúc trước. Cô bé gọi một chiếc bánh Burger, sau đó ăn ngấu nghiến, tỏ ra vô cùng biết ơn. Tôi lại lấy thêm cho em ít bánh cùng kem. Em bắt đầu cởi mở hơn, chúng tôi trò chuyện.
Em 15 tuổi, có bầu, bố mẹ em vô cùng tức giận. Em cãi nhau to với họ, rồi em bỏ nhà ra đi, đã gần 1 năm kể từ ngày em ra khỏi nhà.
Tôi hỏi em rằng có muốn về nhà không, em im lặng. Tôi dỗ dành, nhưng em chỉ nói rằng bố mẹ chắc chẳng muốn em về đâu. Tôi lại tiếp tục dỗ dành, em thú nhận rằng em đã ăn trộm 5000 USD tiền mặt của bố em. Tuy nhiên 5000 USD vẫn là một con số không đủ lớn để một cô bé độ tuổi 15 lang thang ngoài đường. Khó lắm chứ. Em không muốn về nhà. Em sợ rằng sau những gì mình đã gây ra, sẽ chẳng ai còn muốn em trở về nữa.
Chúng tôi nói chuyện thêm một lúc nữa. Tôi ngỏ ý muốn em dùng điện thoại của tôi gọi về nhà, em không chịu. Tôi nói rằng tôi sẽ gọi thử xem người nhà em có muốn nói chuyện với em hay không. Em ngập ngừng, đưa ra một số lý do dớ dẩn nhưng cuối cùng cũng đồng ý. Em bấm số, tôi gọi, rồi mẹ em nghe máy, tôi nói xin chào.
Ngượng ngùng giới thiệu về bản thân, rồi tôi nói rằng con gái bà muốn chào bà. Im lặng. Tôi nghe thấy tiếng khóc. Tôi đưa máy cho cô bé, em im lặng lắng nghe, rồi cuối cùng mở lời chào với mẹ. Em cũng khóc. Họ nói chuyện, rồi em trả điện thoại lại cho tôi, tôi nói chuyện thêm với mẹ em một lúc nữa.
Tôi lái xe đưa em xuống trạm xe bus, mua cho em một tấm vé về nhà, tặng thêm cho em 100 USD phòng thân, mua thêm ít sữa, bỉm, đồ ăn đi đường.
Đến khi lên xe rồi, em vẫn cám ơn rối rít hết lần này đến lần khác. Từ đó đến nay cứ mỗi Giáng Sinh tôi lại nhận được bưu thiếp từ em. Giờ em đã 21 tuổi, đang học Đại học. Tôi chưa bao giờ kể với ai về chuyện này cả. Tôi chỉ cảm thấy vui vì mình đã làm được điều gì đó tốt cho đời.
Muốn thấy thế giới thay đổi, hãy trở thành một nhân tố của sự thay đổi ấy."
Đừng bao giờ mong muốn thế giới thay đổi, tốt đẹp hơn khi chính bản thân mình vẫn còn là người dưng ngược lối, nhẹ nhàng lướt qua những mảnh đời chẳng may mắn mà không thèm dừng mắt chỉ một lần. Thế giới không tự mình thay đổi, đó là nhiệm vụ của con người.