Khoảng 0h10 ngày 1/5, 2 chị Đinh Thị Hải Yến và Trần Thị Quỳnh (cùng sinh năm 1976) lưu thông hướng từ Xã Đàn về Đại Cồ Việt, khi tới hầm Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội), bất ngờ bị xe Mercedes do Lã Trung Hiếu điều khiển đâm từ phía sau. Vụ tai nạn khiến 2 nạn nhân tử vong tại chỗ, còn Hiếu ngay lập tức lái xe bỏ chạy, nhưng đã bị người dân và lực lượng chức năng bắt giữ.
Tại cơ quan công an, Hiếu khai nhận đã uống rượu, bia trong một buổi tiệc liên hoan trước khi gây ra tai nạn. Thời điểm kiểm tra nồng độ cồn đo được là 0,751mg/1L khí thở. Cơ quan CSĐT công an quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ" để điều tra, làm rõ các tình tiết.
Trước đó, tại hầm Kim Liên từng xảy ra nhiều va chạm liên hoàn không đáng có, khiến người dân mỗi khi di chuyển qua đây đều hết sức hoang mang. Một trong những lý do hầm Kim Liên được ví von là "điểm đen giao thông" là bởi mỗi khi xuống hầm, người điều khiển thường phóng xe với tốc độ rất nhanh do bị hút theo những xe đi trước, ánh sáng trong hầm không đủ, dễ che khuất tầm nhìn. Người dân kiến nghị nên kẻ gờ giảm tốc đầu hầm để giảm tốc độ người tham gia giao thông.
Ngày 5/5, ban quản lý đã phong toả hầm Kim Liên để tiến hành, kẻ vạch sơn giảm tốc hay còn gọi là gờ giảm tốc 2 đầu hướng vào hầm, đồng thời tô đậm lại các vạch sơn khác cùng biểu tượng phân làn ô tô - xe máy.
Kẻ gờ giảm tốc ở Hầm Liên sau vụ 2 nữ nạn nhân tử vong thương tâm vì tài xế say xỉn - Thực hiện: Minh Nhân
Mỗi ngày, lưu lượng phương tiện di chuyển qua hầm Kim Liên rất lớn. Trước tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong hầm, ban quản lý đã quyết định kẻ gờ giảm tốc để cảnh báo người dân.
Gờ giảm tốc gồm 7 vạch sơn được kẻ ngay đầu đường dẫn vào hầm, cả 2 phía Xã Đàn và Đại Cồ Việt. Gờ giảm tốc bố trí theo từng cụm, mỗi phía bố trí 3 cụm vạch.
Gờ giảm tốc vuông góc với tim đường, được bố trí trên toàn bộ bề rộng mặt đường. Vạch sơn gờ giảm tốc được bố trí theo từng cụm vạch để tạo hiệu ứng cao trong cảnh báo, trừ một số trường hợp có thể bố trí rải đều trên đoạn đường cần cảnh báo.
Theo Quyết định số 1578 của Bộ Giao thông vận tải, gờ giảm tốc là một dạng vạch sơn kẻ đường, có chiều dày không quá 6mm, có tác dụng cảnh báo (thông qua việc gây ra tác động nhẹ lên phương tiện) cho người tham gia giao thông biết trước vị trí nguy hiểm, cần phải giảm tốc độ và chú ý quan sát để bảo đảm an toàn giao thông.
Gờ giảm tốc được bố trí trên mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng hoặc mặt đường láng nhựa, thấm nhập nhựa còn tốt, bề rộng mặt đường từ 2,5m trở lên và có xe ô tô lưu thông qua điểm giao cắt; trường hợp bề rộng mặt đường nhỏ hơn 2,5m, tùy theo mức độ cần thiết có thể vận dụng cho phù hợp.
Ngoài ra, gờ giảm tốc thường được sử dụng kết hợp với các loại cảnh báo khác như biển báo, đèn tín hiệu, chuông, còi, cần chắn tự động, v.v... để thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông.
Ngoài ra, ban quản lý còn cho tô đậm lại các vạch sơn khác, cùng biểu tượng phân làn ô tô - xe máy, để chủ phương tiện không còn "lơ mơ" mỗi khi lưu thông.
Trước đây, các biển cảnh báo đều được dựng lên đầu hầm, tuy nhiên nhiều người tham gia giao thông không mấy để tâm.
Nhiều năm qua, hầm Kim Liên đã góp phần giảm thiểu ùn tắc qua khu vực, tuy nhiên với nhiều người dân, đây là "điểm đen giao thông", mong muốn mọi chủ phương tiện có ý thức hơn để giảm thiểu nguy cơ tai nạn.
Hầm cơ giới tại nút giao thông Kim Liên (quận Đống Đa) là hầm chui cơ giới đầu tiên tại Hà Nội, có chiều dài đường hầm 644m, rộng 18,5m, chiều cao trong hầm 6,25m. Công trình được khởi công từ năm 2006 và được đưa vào hoạt động năm 2009. Việc xây dựng hầm Kim Liên tại nút giao thông quan trọng đã giúp giảm thiểu tối đa hiện tượng ùn tắc vào giờ cao điểm
Toàn cảnh hầm Kim Liên nhìn từ trên cao.