Vài thập kỷ nữa, người ta sẽ vẫn nhớ tới ngày 10 tháng Tư, ngày nhân loại lần đầu tiên được diện kiến ảnh chụp hố đen vũ trụ. Họ sẽ nhớ tới tấm ảnh lịch sử, và nhớ tới những tài năng đã tặng cho nhân loại tấm ảnh. Một trong những cái tên được nhắc tới rất nhiều trong những ngày qua là cô Katie Bouman, người đã dẫn đầu nhóm nghiên cứu tạo dựng hình ảnh, tự tay viết nên thuật toán lọc và ghép dữ liệu thành tấm ảnh hố đen.
Công sức của Katie Bouman thu hút được sự chú ý của chúng ta, và cả ánh mắt của những kẻ độc địa muốn gạt bỏ, khinh rẻ công sức của người phụ nữ trẻ.
Chỉ hai ngày sau khi tấm ảnh xuất hiện trên mạng, đã xuất hiện những người tuyên bố chắc nịch cô không phải người duy nhất thuộc đội ngũ nghiên cứu, vậy nên không xứng đáng được tôn vinh. Có những người mạnh miệng khẳng định cô không một tay viết nên những dòng code cho thuật toán kia. Vài người còn cho rằng vì cô gái trẻ này ưa nhìn nên mới xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Và khi họ chịu thừa nhận Katie Bouman có đóng góp cho thuật toán chung, họ vẫn khó chịu khi tự cho rằng phần đóng góp của Katie Bouman là nhỏ so với những người không được nêu tên.
Katie Bouman.
Những tuyên bố từ người không hiểu biết chứng tỏ một điều: họ không hề hiểu bản chất của các bản báo cáo khoa học, cái tên Katie Bouman được vinh danh đầu tiên là có lý do. Trong bản nghiên cứu Dùng máy tính Tạo dựng hình ảnh cho việc Tái tạo hình ảnh bằng Kỹ thuật giao thoa với đường cơ sở rất dài - Computational Imaging for VLBI Image Reconstruction, tên cô Bouman được đặt lên đầu bởi trong hầu hết những bản nghiên cứu, cái tên đầu tiên là người đóng góp nhiều công sức nhất. Bên cạnh Bouman, ta có những cái tên khác như Michael D. Johnson, Daniel Zoran, Vincent L. Fish, Sheperd S. Doeleman, và William T. Freeman.
Khi trang tin The Next Web nối liên lạc với giáo sư Jessica Wade, nhà vật lý học tại STEM, hỏi về những gì cô Katie Bouman đang phải hứng chịu từ cộng đồng mạng, bà nói: "Những đột phá khoa học lớn của thế giới – ví dụ như chụp ảnh hố đen vũ trụ - chỉ có được khi một đội ngũ lớn với nhiều quốc tịch, nhiều sắc tộc và nhiều giới tính làm việc cùng nhau. Nhưng đã nhiều thế kỷ nay, những người nhận vinh dự ‘có công’ đều là nam giới".
"Rõ ràng là Bouman không tự mình viết tất cả thuật toán, cũng như không chỉ Englert hay Higgs góp công phát hiện ra hạt Higgs boson. Thay vì từ chối công nhận Bouman hay vô số những người phụ nữ khác làm việc với Đài thiên văn Chân trời Sự kiện, ta nên tự thấy rằng cô gái trẻ không cầu xin bất kỳ ai hãy công nhận mình – chỉ là người ta đã chán với việc cánh mày râu được ca tụng".
Ngoài việc thô lỗ, có một điểm chung nơi những người muốn bỏ qua công sức của Katie Bouman: họ đều xướng tên Andrew Chael, người đã viết "850.000 dòng code trên tổng số 900.000 dòng", được dùng dựng hình ảnh hố đen. Chael ngay lập tức lên Twitter, viết hẳn một bài diễn văn phản bác lại những người dùng Internet xấu tính, khẳng định rằng nếu không có Bouman, dự án sẽ không bao giờ thành công.
"Và tôi không có viết 850.000 dòng code - rất nhiều trong mấy dòng đó do github lưu lại là từ các tệp tin tạo hình. Chỉ có khoảng 68.000 dòng code trong phần mềm chúng tôi đang sử dụng, và tôi chẳng quan tâm mình đóng góp được bao nhiêu dòng".
Những câu chuyện khám phá, đột phá trong lịch sử ngành khoa học nhắc nhiều tới công lao của những người đàn ông vĩ đại. Nhưng trong thời điểm hiện tại, đã có những người phụ nữ làm được điều phi thường, giống như những Marie Curie hay Hedy Lamarr. Vì sự chênh lệch vốn có, người ta đang nghĩ rằng Katie Bouman đang được vinh danh CHỈ VÌ cô là phụ nữ, thực tế không phải: cô đang được vinh danh bên cạnh đội ngũ của mình, với những khám phá khoa học đột phá của nhân loại.