Nữ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có chuyến thăm 3 ngày tại Việt Nam với nhiều hoạt động quan trọng và ý nghĩa thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Bà Kamala Harris đã và đang để lại những ấn tượng tốt đẹp với công chúng. Ít ai biết rằng nữ Phó Tổng thống này là một tấm gương mẫu mực cho nghị lực phi thường, phá vỡ mọi rào cản trong lịch sử nước Mỹ.
Với lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021, bà Kamala Harris đã làm nên lịch sử với tư cách là người phụ nữ đầu tiên và cũng là người phụ nữ da màu gốc Á - Phi đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ.
Bà Harris sinh ngày 20/10/1964 trong một gia đình nhập cư, cha của bà đến từ Jamaica và mẹ đến từ Ấn Độ. Hành trình bà Kamala Harris chinh phục các thử thách để trở thành Phó Tổng thống Mỹ đã phản ánh phần nào về con đường chinh phục "giấc mơ Mỹ" của biết bao nhiêu người.
Bà Kamala Harris trong lễ tuyên thệ nhậm chức
Phó Tổng thống Mỹ tốt nghiệp Đại học Black Howard ở Washington, DC, là bước đệm để bà trở thành công tố viên rồi sau đó được bầu làm luật sư quận San Francisco. Trong suốt sự nghiệp chính trị, bà Harris lần lượt phá vỡ những rào cản để làm nên lịch sử như: Trở thành chưởng lý da màu đầu tiên của hạt San Francisco, tổng chưởng lý da màu đầu tiên của bang California, người phụ nữ Mỹ gốc Phi thứ hai và gốc Nam Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Mỹ.
Vào tháng 8/2020, bà Harris được ứng viên tổng thống đảng Dân chủ khi ấy là ông Joe Biden chọn làm liên danh tranh cử. Trải qua chiến dịch tranh cử khốc liệt và cuộc bầu cử đầy kịch tính, liên danh tranh cử Biden - Harris đã giành chiến thắng vang dội. Bà Harris tiếp tục có thêm những cái "đầu tiên" khác như người phụ nữ da màu đầu tiên, người gốc Á đầu tiên, người gốc Phi đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ.
Liên danh tranh cử Biden - Harris đã giành chiến thắng vang dội
Đài CNN thậm chí đặt cho bà Harris một danh xưng đầy kiêu hãnh: "Người phá vỡ mọi rào cản".
Bà Kamala Harris đã trở thành biểu tượng truyền cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới và ít ai biết rằng, bà Kamala Harris có được ngày hôm nay chính là nhờ người mẹ đáng ngưỡng mộ của bà.
Theo báo Politico, mẹ bà Harris đã chọn cái tên Kamala cho con gái đầu lòng như một niềm tự hào riêng với nguồn cội Ấn Độ. Bởi Kamala có nghĩa là "người con gái của hoa sen" và cũng là một tên khác của nữ thần Lakshmi trong Hindu giáo.
Sau khi ly hôn chồng, bà Shyamala Gopalan Harris, mẹ của Phó Tổng thống Mỹ, phải làm song song 2 việc để có thể nuôi dạy thật tốt hai cô con gái của mình. Bà vừa giảng dạy tại ĐH McGill, vừa nghiên cứu bệnh ung thư vú tại một bệnh viện của người Do Thái.
Bà Kamala Harris lúc còn nhỏ (bên trái) cùng mẹ và em gái
"Mẹ đã nuôi dạy chúng tôi khôn lớn nên người. Bà ấy là một người phụ nữ bản lĩnh và mạnh mẽ dù chỉ cao 1,5m", bà Harris nói về người mẹ quá cố đã qua đời vào năm 2009.
Bà Harris còn kể rằng mẹ của bà đã dạy các con gái hãy "ý thức và từ bi trước các cuộc đấu tranh của mọi người", cũng như tin rằng "cuộc đấu tranh vì công lý là một trách nhiệm chung". Bà luôn ghi nhớ lời của mẹ: "Kamala, con có thể trở thành người đầu tiên trong nhiều việc, nhưng hãy luôn chắc chắn rằng con không phải là người cuối cùng".
Trong cuốn hồi ký của mình với tựa đề Sự thật ta nắm giữ: Một hành trình xuyên nước Mỹ, bà Kamala Harris viết: "Từ ông bà tôi, mẹ tôi đã hình thành nên sự hiểu biết chính trị nhạy bén. Bà hiểu biết về lịch sử, đấu tranh và bất bình đẳng. Bà sinh ra với tinh thần công lý in sâu trong tâm trí. Mẹ tôi nhận thức rất rõ việc bà đang nuôi hai đứa con gái da màu. Bà ấy quyết tâm đảm bảo chúng tôi sẽ trở thành những phụ nữ da màu tự tin và kiêu hãnh".
Cuốn hồi ký được Penguin Books xuất bản lần đầu vào ngày 8/1/2019
Trong bài phát biểu đầu tiên với cương vị Phó Tổng thống đắc cử, bà Harris đã thể hiện mình là một người phụ nữ truyền cảm hứng cho hàng triệu người khác.
"Mọi bé gái đang theo dõi tôi phát biểu tối nay sẽ thấy rằng Mỹ là một đất nước của những cơ hội. Những đứa trẻ của đất nước này, bất kể giới tính gì, đều có quyền ước mơ và khát vọng. Tôi có thể là phụ nữ đầu tiên giữ cương vị này nhưng sẽ không phải là người cuối cùng. Hãy biết rằng chúng tôi luôn hoan nghênh các bạn trên mọi con đường", Phó Tổng thống Mỹ cho hay.
Là một phụ nữ nhập cư gốc Á - Phi, bà Harris là một biểu tượng quan trọng đối với tầng lớp này trong xã hội Mỹ. "Tôi nghĩ Harris là điểm giao thoa tinh túy của bản sắc: Bà ấy không chỉ là người da màu mà còn là người gốc Á - Phi và là một phụ nữ. Bà ấy đang đảm nhận rất nhiều vai trò và tôi tin rằng rất nhiều người Mỹ có thể nhìn thấy câu chuyện của chính họ được phản ánh ở Harris", phó giáo sư Sadhwani tại Đại học Pomona nhận định.
"Cháu có cảm giác bây giờ những cô gái da màu như cháu có thể tranh cử chức lớp trưởng. Những cô gái da màu đều có thể tham gia thực hiện những điều lớn lao trong đời như bà Harris", Paris Bond, một nữ sinh da màu 14 tuổi, nói với đài CNN hồi tháng 8.
Trong cuốn hồi ký, bà Kamala Harris chia sẻ những vấn đề mà bản thân đã theo đuổi. Bắt đầu với việc truy tố tội phạm tình dục, giúp đỡ những người đã từng ngồi tù vì các tội danh nhẹ. Ở bất kỳ cương vị nào, bà luôn đứng về phía các nạn nhân hoặc những người yếu thế hơn để tìm ra phương thức hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng tốt nhất, để họ không bị tiếp tục dìm xuống bùn đen hay quay trở lại con đường phạm tội.
Vào tháng 6, bà Kamala Harris có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ khi đến Guatemala và Mexico. Chuyến đi cũng là cơ hội để bà Harris nghiên cứu và tìm hiểu thêm về khu vực Mỹ Latin. Bà Harris coi chuyến công du là cơ hội để nâng cao năng lực đối ngoại của bản thân.
Và mới đây, bà đã thực hiện chuyến công du thứ hai đến Đông Nam Á gồm Singapore và Việt Nam nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ với hai quốc gia. Đi đến đâu bà Kamala Harris cũng đều ghi dấu ấn bởi sự mạnh mẽ, vững vàng và bản lĩnh của mình.
Giống bất kỳ phụ nữ nào theo đuổi sự nghiệp chính trị, bà Harris phải cân bằng cuộc sống cá nhân cùng với lịch làm việc dày đặc. Nói về bí quyết để duy trì sự tập trung và năng lượng bất chấp lịch trình kín mít với nhiều áp lực, bà Harris từng chia sẻ với cựu Tổng thống Barack Obama trong một cuộc phỏng vấn đăng trên Twitter hồi tháng 9/2020: "Tôi tập thể dục mỗi sáng, bất kể ngủ sớm hay muộn. Đó là cách tốt nhất để bắt đầu một ngày mới".
Bên cạnh đó, bà cũng cho hay, nấu ăn sẽ giúp bà thư giãn hơn rất nhiều. Phó Tổng thống Mỹ chia sẻ: "Tôi có thể đi máy bay 6 lần trong một tuần nhưng điều tôi không thể bỏ lỡ là nấu bữa tối cho gia đình vào Chủ nhật. Khi nấu ăn, tôi cảm thấy đang kiểm soát được cuộc sống của mình".
Bà Harris bên người bạn đời
Bà Harris kết hôn với ông Douglas Emhoff, hiện là một luật sư nổi tiếng, vào năm 2014. Cặp đôi không có con chung, nhưng ông Emhoff có 2 con từ cuộc hôn nhân trước. Vào những lúc nghỉ ngơi trong ngày, bà cho biết thích trò chuyện qua video với các thành viên trong gia đình.
Bà Harris rất được lòng hai con riêng của chồng. Cả hai luôn gọi bà là "Momala", kết hợp giữa tên Kamala và từ "Mom" (mẹ) vì họ không thích dùng hai chữ "mẹ kế". Phó Tổng thống Mỹ từng nói rằng: "Giữ mối quan hệ thân thiết với những người trẻ và cảm nhận thế giới qua con mắt của chúng".
Nguồn: Tổng hợp