Jesse Khánh Trần (SN 1992) và Sơn Chu (SN 1996) gặp nhau ở Phần Lan khi cùng sang đất nước Bắc Âu này du học. Từ bỏ công việc đáng mơ ước tại các công ty, tập đoàn lớn ở Phần Lan, với chung chí hướng muốn tạo ra một sản phẩm giày vừa thân thiện với môi trường vừa đảm bảo tính thời trang, hai chàng trai Việt tài năng đã quyết định dấn thân khởi nghiệp với sản phẩm Rens Original.
Hiện dự án startup của Jesse Khánh Trần và Sơn Chu đã nhận được hơn 550.000 USD (hơn 12 tỷ đồng) tiền đầu tư từ cộng đồng trên nền tảng gọi vốn Kickstarter. Song song đó, mẫu giày sneaker của hai chàng trai Việt còn nhận được sự quan tâm của Liên Hiệp Quốc, Tổng Giám đốc tập đoàn Unilever hay nhiều nhà đầu tư tại Phần Lan.
Thoạt nhìn bên ngoài, những đôi giày của Rens Original không khác biệt với những đôi sneaker bình thường khác. Hấp dẫn, thời trang, màu sắc, hiện đại - chỉ nhìn qua, bạn cũng dễ dàng bị thu hút. Uhm, nhưng… chỉ là giày sneaker thôi mà?
Nhưng, hãy chờ đến khi bạn cầm đôi giày lên tay. Bạn nhận ra là chúng… siêu nhẹ. Và hình như được làm từ vật liệu chống nước? Gượm đã, có mùi cafe?
Đúng vậy, đây là chút thông tin cho bạn: Những đôi giày của Rens Original được làm hoàn toàn từ 300 gram bã cafe và 6 chai nhựa tái chế. Công thức nhỏ bé này là định nghĩa mới về thời trang bền vững và thân thiện với môi trường, giúp chính thương hiệu Rens Original trở thành một hiện tượng của ngành thời trang châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Và bạn biết điều gì đặc biệt hơn không? Hai nhà sáng lập của Rens Original, lại là hai 9x… người Việt Nam.
Trên Kickstarter, lãnh địa gọi vốn của các startup khắp mọi nơi - việc một thương hiệu nhỏ xíu ở Bắc Âu nhận được nửa triệu đô la tiền đầu tư từ 5000 khách hàng - là một hiện tượng. Jesse Khánh Trần và Sơn Chu - hai Co-founders của Rens đã làm được việc đó ngay từ đợt gọi vốn đầu tiên. Và thậm chí, họ còn tự ghi luôn tên mình vào danh sách Forbes 30 Under 30 năm 2020 nhờ vào ý tưởng này. Bằng một tầm nhìn rõ ràng và những sản phẩm thú vị, những đôi giày của Khánh và Sơn đã thực sự bước ra ngoài thế giới và đi thẳng trên con đường chinh phục giấc mơ của riêng mình.
“Khởi đầu ở một đất nước xa lạ khó hơn rất nhiều”. Khánh, 1 trong 2 founders của Rens chia sẻ khi được hỏi về những ngày đầu tiên của họ. “Bất đồng văn hóa, rồi bản thân mình là người da vàng, họ là người da trắng - cũng phần nào khiến những nhà đầu tư hay thậm chí khách hàng có cảm giác không tin tưởng”. Dù đã là những du học sinh và có thời gian dài làm việc ở Phần Lan, thế nhưng cả 2 cũng đã phải bắt đầu với sự hoài nghi. “Về sau, khi đã có những bước đầu thành công, bản thân Rens cũng đã trở thành một thương hiệu khiến cả đất nước Phần Lan tự hào. Bởi cuối cùng, họ cũng có một thương hiệu giúp họ bước ra thế giới, cạnh tranh trực tiếp với những đất nước trong khu vực như Nauy, Thụy Điển”.
Nhưng những trở ngại đó không phải là điều khiến cả Khánh và Sơn coi là thứ phải lo sợ trên con đường khởi nghiệp của mình. Thậm chí, họ “chẳng sợ gì cả” và nỗi sợ lớn nhất là sợ sản phẩm cuối cùng sẽ không đẹp, không được khách hàng đón nhận.
“Thế mà nỗi sợ đó đã trở thành hiện thực. Ngay lần đầu tiên luôn”. Khánh nói.
Lần đó, theo đánh giá của Khánh, những đôi giày đầu tiên xuất xưởng “xấu không chịu được”. Và điều đó đẩy 2 người vào trạng thái thất vọng hơn bao giờ hết. Thế nhưng họ vẫn phải làm, và lần này nhất định phải làm được, làm đẹp. Họ quay trở lại vạch xuất phát, rà lại hết các mối quan hệ và kết nối trong ngành sản xuất thời trang, phác họa những ý tưởng về đôi giày. Hàng loạt những nguyên liệu mới được đưa vào danh sách. Than hoạt tính, tre, vỏ sò,... cho đến khi họ tìm thấy bã cafe.
Ngoài việc chưa từng được sử dụng trước đó trong các sản phẩm thời trang, thì có rất nhiều lý do để nguyên liệu này trở thành linh hồn trong những đôi giày đặc biệt của họ. Bã cafe là một vật liệu tái chế - đáp ứng được yêu cầu về thân thiện với môi trường. Bã cafe khử mùi - Đáp ứng được yêu cầu về giày chống thấm nước. Quan trọng hơn cả, họ đã tìm ra được một ý nghĩa biểu tượng khiến mọi thứ không chỉ thuyết phục mà còn mang một kết nối tinh thần sâu sắc, khi cafe là thứ nguyên liệu gắn liền với đời sống của cả 2 đất nước Việt Nam - Phần Lan. “Người Phần Lan uống cafe nhiều nhất thế giới (tính theo bình quân đầu người). Còn Việt Nam, lại là một trong những nước xuất khẩu cafe lớn nhất”. Khánh mỉm cười.
Ngay lập tức, những đôi giày làm từ 300 gram bã cafe và 6 chai nhựa được thành hình và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh sự thành công trên KickStarter, Rens đã nhận được sự đầu tư từ một đội ngũ các nhà đầu tư có ảnh hưởng lớn trên thế giới, như cựu chủ tịch của Nokia - Risto Siilasmaa, Tổng Giám đốc cua Supercell, Chủ tịch của Tencent Bắc Mỹ, 3 quỹ đầu tư mạo hiểm ở Helsinki và New York, trong đó quỹ đầu tư trực thuộc chính phủ Phần Lan. Thời trang bền vững từ lâu vốn được coi là lãnh địa của những gì thân thiện với môi trường, nhưng tẻ nhạt và buồn chán - được 2 chàng trai của Rens mang đến một thứ gia vị bùng nổ và trẻ trung. Và cả Khánh lẫn Sơn, hay Rens không chỉ làm Phần Lan tự hào, mà còn mang cái tên của sự sáng tạo Việt Nam bước ra ngoài thế giới. Chỉ vỏn vẹn hơn 2 năm, Rens đã vươn lên từ 1 dự án gọi vốn cộng đồng thành công nhất trong lịch sử Phần Lan, trở thành một thương hiệu tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực thời trang công nghệ cao và thời trang thân thiện môi trường.
Còn nỗi sợ lớn nhất của hiện tại?
Chúng tôi sợ nhất mình không đủ giỏi để dẫn dắt Rens chạm được hết những tiềm năng đang có, trở thành một công ty thành công và phát triển lớn nhất có thể. Đó là nỗi lo sợ lớn nhất. Vậy nên, tôi luôn muốn phát triển bản thân để không bị tụt hậu lại với công ty của chính mình.
Jesse Khánh Trần
Nói về một startup thành công như Rens, người ta thường nói rất nhiều đến những gì mà họ đã đạt được, những con số hay sự ghi nhận. Nhưng đằng sau sự thành công là bóng dáng của cả những thất bại. Điều này khiến tôi thắc mắc về những thất bại của Rens. Thất bại của họ là gì? Định nghĩa và cái nhìn của họ về thất bại?
“Với tôi, trong kinh doanh không thể nào có chuyện mình thắng hoài. Cho dù lên kế hoạch kỹ càng đến đâu thì có rất nhiều thứ mà ta không thể kiểm soát.” Với Khánh hay Rens, họ không chạy trốn những thất bại, bởi thất bại có thể đến từ bất cứ đâu. Từ những lựa chọn nhân viên không phù hợp, cho đến những sản phẩm dù đội ngũ rất ưng ý và trải qua rất nhiều thử nghiệm nhưng không được khách hàng đón nhận, chiến dịch ra mắt không thành công. “Từ công ty nhỏ hay startup mấy tỉ đô đều có thất bại. Trách nhiệm và thử thách của tôi và cộng sự là phải đưa công ty vượt qua những khó khăn đó, sống sót và phát triển”.
Khi một nội dung, một thông điệp được chúng tôi truyền tải đi không trọn vẹn, khiến người mua không hiểu và không đón nhận được sản phẩm, thì đó mới chính là thất bại của Rens.
Jesse Khánh Trần
Với Rens, thất bại không nằm ở những con số. Khánh và Sơn tạo ra Rens với đầy những ý nghĩa và cả khát vọng của họ về cuộc sống, thế nên những đôi giày này mang một giá trị tinh thần lớn hơn việc bán-được-hàng. “Không phải bán một món hàng không được đón nhận, không nhiều người mua thì là thất bại”. Khánh nói. “Khi một nội dung, một thông điệp được chúng tôi truyền tải đi không trọn vẹn, khiến người mua không hiểu và không đón nhận được sản phẩm. Thì đó mới chính là thất bại của Rens.”
Khi bước chân vào cuộc chơi này, cả Khánh và Sơn đều xác định rất rõ: Sứ mệnh của mình không phải là tiền. Và tiền không bao giờ là đủ. Khi công ty còn nhỏ, những vấn đề cả 2 phải đối mặt cũng không lớn. Nhưng khi công ty đã phát triển và có trong tay những tiềm lực nhất định, những trách nhiệm cũng lớn dần. Đôi khi mang đến cho cả 2 những thử thách mà chưa ai từng trải nghiệm. “Tôi thấy rằng mình cứ cố gắng hết sức, và trung thành với những mục tiêu, tinh thần mình đặt ra khi bắt đầu khởi nghiệp là mọi chuyện rồi sẽ vượt qua”.
Có thể chúng tôi không có nhiều nhân viên. Rens mới chỉ có 20 người thôi, nhưng có đến 10 quốc tịch khác nhau lận. Dù tất cả đều khác biệt về văn hóa, nhưng chúng tôi có một điểm chung lớn nhất: Sự quyết tâm để thực hiện sứ mệnh mà Rens đặt ra.
Jesse Khánh Trần
Không sợ bắt đầu, cũng không sợ thất bại, giữ một thái độ tự tin với những gì mình đang có, thế nhưng Khánh và Sơn lại khá dè dặt khi nhắc đến thành công. “Thật ra, tôi không dám nhận là Rens đã thành công. Chúng tôi mới chỉ có vài thành tựu nho nhỏ thôi”. Khánh cười. Với Khánh, thành công lớn nhất lúc này chính là quy tụ được một đội ngũ cộng sự, nhân viên tràn đầy sức sáng tạo và tinh thần quyết tâm. “Có thể chúng tôi không có nhiều nhân viên. Rens mới chỉ có 20 người thôi, nhưng có đến 10 quốc tịch khác nhau lận. Dù tất cả đều khác biệt về văn hóa, nhưng chúng tôi có một điểm chung lớn nhất: Sự quyết tâm để thực hiện sứ mệnh mà Rens đặt ra.”
Tạo nên một thương hiệu thời trang thân thiện với môi trường. Cho giới trẻ toàn cầu.
Cách đây vài tháng, khi phỏng vấn Khánh cho bài viết đầu tiên về Rens, Khánh có chia sẻ với tôi về mong muốn đưa dây chuyền sản xuất của Rens từ Trung Quốc về Việt Nam. Khi đó, mọi chuyện mới dừng lại ở việc “tìm kiếm đối tác” và “lên kế hoạch”.
Lần gần nhất chúng tôi gặp nhau tại Sài Gòn, khi Khánh về nước nghỉ Tết thăm gia đình, Khánh hào hứng tiết lộ rằng kế hoạch đó đang được triển khai và cực kỳ hứa hẹn. Cụ thể nhất, Rens đang mở chi nhánh tại Việt Nam và bắt tay vào quá trình tuyển nhân sự. Ở Sài Gòn, Rens có 3 nhân viên đầu tiên. Nhưng chưa hết, toàn bộ dây chuyển sản xuất của Rens đã được chuyển về Việt Nam. “100% giày của Rens sẽ được sản xuất tại Việt Nam luôn”. Khánh hào hứng. “Chúng tôi đã tìm được những đối tác rất tuyệt vời”.
Sở dĩ, Khánh và Sơn được thôi thúc mạnh mẽ để làm việc này chính là bởi, cả hai nhận thấy rằng sẽ rất thiếu công bằng nếu những đôi giày được tạo ra bởi chất xám của người Việt, mà chính người Việt lại khó để tìm mua. “Khi chúng tôi được biết đến trên truyền thông, đã có rất nhiều người mua mua Rens nhưng lại không thể tiếp cận được bởi tiền ship về Việt Nam rất lớn. Nếu tôi là người dùng, hẳn tôi cũng sẽ không mua với mức chi phí như vậy”. Khánh thẳng thắn chia sẻ. “Thị trường Việt Nam không phải là thị trường lớn nhất. Nhưng vì chúng tôi là người Việt, nên chúng tôi muốn đưa đứa con tinh thần của mình về với quê hương của mình. Chi nhánh Rens tại Việt Nam sẽ là những bước đầu tiên để tôi và Sơn làm việc đó. Còn chặng đường sau này, chúng tôi ước mơ sẽ biến Rens thành một công ty toàn cầu, có thể tạo ra nhiều sản phẩm với chất lượng và số lượng lớn. Và tất cả đều được tái chế từ rác thải”.
Thị trường Việt Nam không phải là thị trường lớn nhất. Nhưng vì chúng tôi là người Việt, nên chúng tôi muốn đưa đứa con tinh thần của mình về với quê hương của mình. Chi nhánh Rens tại Việt Nam sẽ là những bước đầu tiên để tôi và Sơn làm việc đó. Còn chặng đường sau này, chúng tôi ước mơ sẽ biến Rens thành một công ty toàn cầu, có thể tạo ra nhiều sản phẩm với chất lượng và số lượng lớn. Và tất cả đều được tái chế từ rác thải.
Jesse Khánh Trần
Từ một ý tưởng nhỏ, với khởi đầu chỉ có Khánh và Sơn. Sau 2 năm, ý tưởng ấy đã thu hút thêm 20 nhân sự làm việc ở Phần Lan, và sắp tới là 4 nhân viên đầu tiên xây dựng chi nhánh phát triển sản phẩm ở chính Sài Gòn. Giấc mơ của Khánh và Sơn chưa dừng lại, họ vẫn những khát vọng lớn lao hơn và đang trên đà để biến mọi giấc mơ thành hiện thực.
Vài năm trở lại đây, chúng ta đã không còn xa lạ với những câu chuyện người Việt vươn ra thế giới. Thế nhưng, Khánh và Sơn lại kể một câu chuyện rất khác. Đó không chỉ là câu chuyện về một startup thành công, về những đôi giày đẹp, về hai cái tên Việt Nam nằm trong danh sách Forbes 30 Under 30 châu Âu, mà còn là câu chuyện về tư duy hiện đại và sự sáng tạo của người trẻ Việt. Cách Khánh và Sơn tìm kiếm câu trả lời cho giấc mơ của mình, tạo ra một thông điệp thật giá trị cho sản phẩm, và luôn tìm cách để hoàn thiện chính bản thân mình - đó là câu chuyện mang đầy hơi thở của một thế hệ mới đang tạo ra chỗ đứng của mình.
Ở Khánh, có một niềm tin lớn lao vào cái sứ mệnh mà mình đặt ra khi bắt đầu tạo nên Rens. Khánh tin vào cái tinh thần tích cực mà mình và Sơn đã hướng đến từ những ngày mọi thứ chỉ nằm ở ý tưởng. Hai người trẻ khát khao tạo nên một công ty có giá trị lâu dài, 50 năm, thậm chí 100 năm, hơn cả… 100 năm. Và từng bước theo thời gian, cùng với sự phát triển của thế giới, sẽ góp phần làm thay đổi cuộc sống của mọi người.