Jason Việt Tiến: Du học sinh về nước muốn thành công phải học cách chấp nhận những điều mà chỉ Việt Nam mới có

Duyên Trương - Ảnh: Đức Thắng, Theo Trí Thức Trẻ 23:09 25/10/2018
Chia sẻ

Quãng thời gian du học không chỉ cho mình cơ hội phát triển kiến thức qua việc học tập mà còn là các cơ hội trải nghiệm tuyệt vời và những bài học thực tế rất quý giá.

Jason Việt Tiến chính là chàng du học sinh Việt Nam từng "náo loạn" X-Factor UK và xuất hiện trên tờ Daily Mail, gây ấn tượng mạnh mẽ tại Vietnam Idol. Hiện anh chàng đã trở về Việt Nam và thực hiện các dự án của riêng mình.

Anh chàng có tên thật là Nguyễn Tiến Việt, sinh năm 1993, là cựu học sinh Trường THPT Trần Phú, Hà Nội. Không chỉ nổi tiếng nhờ tài năng âm nhạc, sự tự tin, Jason còn gây ấn tượng mạnh mẽ bởi thành tích học tập nổi bật. Jason là cựu du học sinh ngành Marketing, Advertising & PR tại Đại học Birmingham (Anh Quốc), ngôi trường thuộc top 100 trường đại học tốt nhất thế giới và thuộc top đầu tại Anh.

Jason Việt Tiến: Du học sinh về nước muốn thành công phải học cách chấp nhận những điều mà chỉ Việt Nam mới có - Ảnh 1.

Jason Việt Tiến, chàng trai từng "náo loạn" X - Factor UK

Khi còn học phổ thông, Jason từng lọt Top 6 Tiếng ca học đường miền Bắc. Anh bạn cũng xuất sắc giành ngôi vị quán quân cuộc thi Birmingham's City Got Talent 2012 tại Anh .

Ngoài việc theo đuổi đam mê ca hát qua các chương trình và cuộc thi âm nhạc, Jason còn rất biết cách cân đối thời gian học tập và làm thêm để tích lũy kinh nghiệm trong quãng thời gian còn là du học sinh.

Mới đây, trong một cuộc trao đổi nhỏ, Jason đã chia sẻ một số điều ít người biết về cuộc sống của một du học sinh cũng như những góc nhìn rất thú vị của anh bạn trẻ về suy nghĩ và định hướng của các bạn du học sinh hiện nay.

Jason Việt Tiến: Du học sinh về nước muốn thành công phải học cách chấp nhận những điều mà chỉ Việt Nam mới có - Ảnh 2.

Chào Jason, bạn có thể chia sẻ một chút về cuộc sống sau khi du học xong và về nước?

Trong thời gian sau Vietnam Idol 2014. Mình có quay trở lại Vương Quốc Anh để hoàn thành việc học tập. Sau đó 2 năm tại Việt Nam, mình có làm những dự án về nghệ thuật và âm nhạc như đào tạo trẻ em, nhóm nhạc cover, sản xuất các cuộc thi âm nhạc, ngôn ngữ, dự án cộng đồng...chỉ là không đứng trên sân khấu nữa nên mọi người nghĩ là mình mất tích.

Được biết Jason từng là cựu du học sinh tại  ĐH Birmingham, Vương Quốc Anh. Điều bạn nhớ nhất trong quãng thời gian du học đó là gì?

Có rất nhiều điều trong quãng thời gian 6 năm du học nhưng điều anh nhớ nhất chính là quãng thời gian tham gia cuộc thi X - Factor, cũng khoảng 8 năm rồi. Nếu không có chương trình này thì có lẽ mình không có cơ duyên đến với âm nhạc và không được gặp mặt những nghệ sĩ lớn cũng như trau dồi nhiều hơn kỹ năng thanh nhạc, âm nhạc của mình. Đó là điều mình cảm thấy rất may mắn vì đã có cơ hội đi du học và làm những điều mình mong muốn từ bé.

Jason sinh năm 1993, từng là cựu du học sinh tại Đại học Birmingham, Vương Quốc Anh

Bạn có gặp nhiều khó khăn khi đi du học không? Bạn đã vượt qua những điều đó như thế nào?

Khó khăn với mình thì ngoài vấn đề ngôn ngữ ai cũng gặp ra thì mình không biết nấu ăn, không biết giặt đồ vì tất cả những việc đó khi còn ở nhà có mẹ lo cho hết. Khi sang bên đó, phải tự đi sắp xếp quần áo, tự nấu ăn, giặt giũ, tự đi chợ, đó đều là những lần đầu mình làm các công việc này.

Khó khăn thứ hai là các môn học, từ các môn Kinh tế đến Quản trị Kinh doanh,.... Bạn đi du học đương nhiên sẽ phải học toàn bộ bằng Tiếng Anh rồi nhưng các môn học này học bằng Tiếng việt còn khó chứ chưa nói đến Tiếng Anh. Giai đoạn đầu tiên mình cũng khá loay hoay để có thể bắt kịp tiến độ học tập và làm chủ kiến thức.

Khi đi du học cũng là lần đầu anh chàng phải tự giặt giũ, nấu cơm, đi chợ

Đó là hai khó khăn lớn nhất đối với mình, nhưng rồi mình dần nhận ra không có gì quá khó để vượt qua, hơn nữa chính những trở ngại ban đầu đó đã giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều. Mình đã biết làm những việc chưa bao giờ làm, sống tự lập hơn và biết cách sắp xếp cuộc sống. Khả năng tiếng Anh cũng khá hơn nhanh chóng. Khó khăn với du học sinh thì chắc chắn ai cũng gặp, thậm chí cũng khá giống nhau nữa nhưng cách mỗi người nghĩ về các khó khăn ấy và đối mặt như thế nào thì sẽ mang đến những kết quả khác nhau. 

Trong khoảng thời gian du học, bạn có tham gia cuộc thi X - Factor của Anh. Vậy bạn có gặp khó khăn trong việc cân đối thời gian học tập và theo đuổi một chương trình âm nhạc lớn như vậy hay không?

Nói bận thì chắc chắn là nói dối vì thực ra việc học ở bên đó đơn giản hơn Việt Nam rất nhiều. Mình vẫn nhớ khi còn đi học phổ thông ở Việt Nam, các loại bài kiểm tra và bài tập về nhà khiến mình chẳng có thời gian mà thở. Kiểm tra miệng, mười năm phút, một tiết rồi kiểm tra học kỳ, lúc nào mình cũng phải dành thời gian để chuẩn bị cho các bài kiểm tra.

Jason Việt Tiến: Du học sinh về nước muốn thành công phải học cách chấp nhận những điều mà chỉ Việt Nam mới có - Ảnh 5.

Hệ thống giáo dục ở Anh thực sự thoải mái hơn rất nhiều so với những gì mà học sinh Việt Nam hiện đang theo học, chương trình học thực ra rất đơn giản và không chiếm nhiều thời gian đến thế. Mỗi kỳ mình chỉ cần thực hiện 2 bài kiểm tra: một bài kiểm tra thực hành và một bài viết luận. Bản thân mình là người "nước đến chân mới nhảy" nên bao giờ cũng vậy, 10 ngày cuối cùng của học kỳ mình mới bắt đầu làm, vì vậy mình cần phải cố gắng và tập trung cao độ trong những ngày này để có thể đạt được kết quả như mong muốn.

Ngoài thời gian học trên lớp ra mình hoàn toàn có đủ thời gian để tham gia các CLB âm nhạc, đi thi cuộc thi về âm nhạc và cả làm thêm nữa. Mình từng làm thêm ở một tiệm bánh donut. Quãng thời gian du học không chỉ cho mình cơ hội phát triển kiến thức qua việc học tập mà còn là các cơ hội trải nghiệm tuyệt vời và những bài học thực tế rất quý giá.

Hiện nay có nhiều bạn du học sinh bị "sốc văn hóa ngược" khi quay về nước. Bạn có từng bị tình trạng như vậy không và bạn nghĩ gì về điều này?

Bản thân mình thì hoàn toàn không đồng ý với những bạn mới đi một vài năm mà quay trở về đã bị "sốc văn hóa ngược" hay "quên mất Tiếng Việt", nó khá là vô lý. Mình đã gặp rất nhiều những người bạn sau khi đi du học về có một thói quen là dùng quá nhiều từ Tiếng Anh xen vào trong văn nói Tiếng Việt. Nếu một ai đó có khả năng tiếng Anh tốt có thể hiểu được nhưng giả sử những người lớn tuổi hay những người học các ngoại ngữ khác thì sao? Họ không thể hiểu được cách nói chuyện pha trộn và có phần kỳ cục đó.


Theo Jason, không có lý do gì để một người quay về chính quê hương mình lại bị "sốc văn hóa" được

Còn về văn hóa, mình là người Việt, mình sống ở đây gần 20 năm cuộc đời rồi. Nếu như ra nước ngoài thì sốc văn hóa là điều không thể tránh khỏi và có thể dễ hiểu nhưng quay về chính quê hương của mình mà lại bị sốc văn hóa thì hơi vô lý. Những gì thuộc về quê hương, những gì gắn liền với mình từ bé thì nó sẽ gắn kết mãi đến hết cuộc đời, còn những gì mình được học ở nước ngoài nó là những trải nghiệm, những bài học để bản thân phát triển hơn thôi. Nếu một ai đó cảm thấy bản thân gắn kết với văn hóa và ngôn ngữ của một quốc gia nào đó khác hơn quê hương mình thì nên tìm cách ở lại vì đó mới chính là nơi phù hợp nhất mà họ thuộc về thay vì về nước và nói rằng mình bị "sốc văn hóa" trên chính nơi bản thân đã sinh ra và lớn lên.

Cũng có rất nhiều sinh viên khi đi du học thì không muốn về nước mà tìm rất nhiều cách để được ở lại. Bạn nghĩ gì về điều đó?

Mình thì nghĩ mỗi người 1 quan điểm thôi. Nhiều sinh viên không muốn về nước thì cũng rất nhiều sinh viên không thể chờ đợi để được về nước. Mình thì rất trân trọng thời gian du học nhưng mình chưa bao giờ nghĩ tới việc định cư. Một phần vì nỗi sợ cô đơn, một phần vì thời điểm tốt nghiệp còn quá nhiều hoang mang. Mình tin mỗi lựa chọn đều là cái duyên, nếu thực sự trái tim thuộc về Hà Nội như mình rồi thì cũng khó đi xa nhà mãi mãi.

Theo bạn, du học sinh về nước làm việc và lập nghiệp có gặp trở ngại nào hay không và các bạn ấy nên làm gì để phát huy tốt nhất lợi thế từ việc học tập tại nước ngoài?

Mình và rất nhiều du học sinh về Việt Nam thường gặp trở ngại rất lớn về việc hiểu được sự khác nhau giữa "văn hoá nơi làm việc" và "văn hoá nơi học tập".

Có rất nhiều điểm khác nhau ví dụ ở nước ngoài luôn là "đi đúng giờ, về đúng giờ" là đủ, thì ở Việt Nam đủ phải là "đi sớm về muộn". Mức lương cũng bằng 1/5,1/7 so với công việc ở nước ngoài.

Jason Việt Tiến: Du học sinh về nước muốn thành công phải học cách chấp nhận những điều mà chỉ Việt Nam mới có - Ảnh 7.

Nhưng rồi nếu đã lựa chọn về Việt Nam để làm việc thì mình phải học cách "hoà nhập" và "chấp nhận". Đôi khi cũng chẳng thể dùng lý lẽ để "đúng là đúng, sai là sai" được. Đi làm ngoài công việc ra, việc kỹ năng sống và giao tiếp trong văn phòng, công ty lại quan trọng không kém để đưa bản thân tới những thành công và thăng tiến.

Để phát huy tốt nhất lợi thế của du học sinh, các bạn cần hoà nhập văn hoá, mang những tư duy mới để cải thiện lối mòn cũ. Nhưng cũng cần học cách kiên nhẫn và chấp nhận vì ở Việt Nam khác ở văn hoá các nước Châu Âu-Mỹ, khả năng và tư duy tốt chưa chắc được đánh giá cao bằng những người khiêm nhường, hoà nhập, giao tiếp, khéo léo và ăn nói giỏi.

Jason Việt Tiến: Du học sinh về nước muốn thành công phải học cách chấp nhận những điều mà chỉ Việt Nam mới có - Ảnh 8.

Quyết định về Việt Nam có nghĩa phải học cách chấp nhận những khác biệt giữa môi trường học tập, làm việc trong nước và nước ngoài

Ngoài âm nhạc, hiện giờ bạn có đang làm công việc liên quan đến chuyên ngành mà mình đã học chứ?

Có chứ, mình vẫn đang tham gia các dự án âm nhạc và các dự án cộng đồng. Tất cả các dự án đều cần mình áp dụng tới những gì mình đã học trên giảng đường.

Một điều may mắn mà mình nhận được chính là chương trình học có tính ứng dụng thực tế rất cao, từ kiến thức đến các kỹ năng được trang bị trên giảng đường chứ hoàn toàn không phải trường hợp học một kiểu, đi làm một kiểu. Các kiến thức được học là một bước đệm rất vững chắc để mình có thể phát triển bản thân và sự nghiệp khi quay trở về Việt Nam.

Bạn có ý định sẽ theo đuổi con đường âm nhạc như một con đường sự nghiệp chính thức hay không?  

Với bản thân mình, âm nhạc là cái mình có thể chọn để theo đuổi nhưng không phải thứ mình có thể chọn để làm nghề. Đối với bất kỳ một ngành nghề nào trong xã hội, chúng ta có thể nói mình cố gắng và chăm chỉ để đạt mục tiêu như cố gắng để thành một bác sĩ giỏi, phấn đấu để làm một giáo sư, tiến sĩ nhưng bạn không thể nói là mình cố gắng để trở thành một ca sĩ, nghệ sĩ được vì những người làm nghệ thuật ngoài sự nỗ lực, phấn đấu hết mình ra thì còn cần cả năng khiếu, may mắn và cái duyên với nghề nữa.

Bản thân mình sẽ luôn nuôi dưỡng tình yêu với âm nhạc và tiếp tục trau dồi khả năng của bản thân. Còn cái may mắn khi những sản phẩm âm nhạc của mình có được khán giả đón nhận hay không là cái mình không thể quyết định được vì nó phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố khác nữa. Mình luôn tự dặn bản thân là chúng ta không thể lựa chọn được may mắn nhưng chúng ta được quyền theo đuổi sự kiên trì và đam mê. Mình chọn cách theo đuổi và nuôi dưỡng niềm đam mê trên suốt hành trình cuộc đời. Bản thân mình không nghĩ về những điều xa xôi, chỉ mong những sản phẩm âm nhạc trong thời gian sắp tới sẽ được khán giả đón nhận.

Jason Việt Tiến: Du học sinh về nước muốn thành công phải học cách chấp nhận những điều mà chỉ Việt Nam mới có - Ảnh 9.

Bạn có thể chia sẻ một chút kế hoạch sắp tới của bản thân được không?

Dự định đầu tiên của mình là hoàn thành dự án Debut với 3 bài hát mới, 2 bài hát cover kết hợp với những nhạc sĩ trẻ tài năng.

Còn việc bài hát được khán giả đón nhận như thế nào giữa bối cảnh nhạc số bão hòa như hiện nay thì lại là một câu chuyện khác, khi rất nhiều người đầu tư cho các sản phẩm lên đến tiền tỷ, mình thì chưa đủ khả năng để làm được điều đó.

Jason hiện đang khám phá và tổ chức một số chương trình âm nhạc, nghệ thuật cho học sinh, sinh viên

Ngoài ra thì mình sẽ tập trung tìm tòi, sáng tạo để kết hợp và sản xuất thêm những sân chơi âm nhạc, nghệ thuật mới cho học sinh, sinh viên ở Việt Nam.

Cảm ơn bạn rất nhiều! Chúc bạn luôn thành công với những kế hoạch và dự định của bản thân.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày