Trong tháng vừa qua, VN-Index tiếp tục chinh phục mức đỉnh lịch sử mới và có lúc chạm ngưỡng 1.500 điểm. Trong khoảng thời gian 10 năm qua, VN-Index đã có mức tăng trung bình 13,5%/ năm, lợi suất ấn tượng và vượt trội so với các kênh đầu tư tài sản khác.
Một vấn đề mà nhiều nhà đầu tư thắc mắc tại những ngưỡng điểm cao như hiện nay, đó là thị trường đã tăng nóng hay chưa, và xu hướng dài hạn thể hiện tốt trong quá khứ như vậy, liệu còn tiếp tục trong tương lai?
Với vấn đề trên, Công ty quản lý quỹ IPA (IPAAM) vừa có chia sẻ quan điểm về thị trường chứng khoán hiện nay với nhiều điểm đáng chú ý.
Theo IPAAM, về ngưỡng điểm hiện tại, đánh giá về vấn đề liệu thị trường có đang ở vùng bong bóng hay chưa, chúng ta thử nhìn lại định giá thị trường lịch sử và trong những nhịp tăng vừa qua. Đối với nhiệm vụ này, thông thường giới đầu tư sẽ nhìn vào P/E (Price/Earning lịch sử), tạo ra giữa giá/ chỉ số và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, thể hiện gián tiếp kỳ vọng của thị trường vào thị trường chứng khoán. Chỉ số này càng cao có thể đại diện cho tâm lý tích cực ngày càng gia tăng của những lực lượng tham gia thị trường và ngược lại. Ở mức tăng quá đà, hàm ý về việc tâm lý hưng phấn, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện những pha điều chỉnh mạnh.
Tính đến hết tháng 11 P/E thị trường hiện tại đang ở vùng quanh 17 lần, nhỉnh hơn vùng trung bình 15-16 lần trong lịch sử, nhưng chưa đến các ngưỡng quá đà như 22-23 lần của vùng đỉnh năm 2018.
IPAAM cho biết, điều thú vị là từ quý 2 đến nay, thị trường liên tục vượt đỉnh (P ngày càng tăng), nhưng định giá thị trường (P/E) lại giảm từ 20 về vùng 17. Nhìn rộng hơn, VN-Index đã vượt khá xa vùng đỉnh 1.200 điểm năm 2018, nhưng lại ở trong một vùng định giá thấp hơn xấp xỉ 25%.
Theo IPAAM, "món hời" này xuất hiện vì bản chất các doanh nghiệp trên sàn tạo ra tăng trưởng lợi nhuận hàng năm trên 15%, cao hơn hẳn tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế. Mẫu số Earning (E) tăng lên không ngừng khiến cho phép định giá căn bản P/E ngày càng "nguội đi" cho dù VN-Index vẫn liên tục chinh phục các cột mốc mới.
Phép tính căn bản nói trên cũng đồng thời giúp giải thích được vấn đề tiếp theo, xu hướng dài hạn của thị trường liệu còn tiếp tục trong tương lai. P/E vốn gián tiếp nói lên trạng thái hưng phấn - trung lập - hay hoang mang của thị trường, biến động mạnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên nếu xét đến góc nhìn xa hơn, với việc lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết liên tục tăng trưởng vượt trội hơn tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra một nền tảng đi lên dài hạn cho toàn bộ thị trường. Điều này cũng được chứng minh trong lịch sử hơn 100 năm tại các thị trường Chứng khoán phát triển, là phong vũ biểu xác đáng của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp niêm yết nói riêng.
IPAAM cho rằng tăng trưởng này theo các lý thuyết kinh tế có động lực từ: (1) cơ cấu dân số trẻ và bối cảnh chính trị ổn định; (2) thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các nguồn lực khác nhau như Nhà nước, Tư nhân, FDI; (3) Các doanh nghiệp niêm yết trên sàn hầu hết là các doanh nghiệp có chất lượng trung bình vượt trội so với các thành phần còn lại của nền kinh tế.
Do vậy, IPAAM đánh giá xu hướng dài hạn đi lên của thị trường gần như là chưa thể dừng lại và sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn hàng đầu trong nhiều năm nữa. Đối với các góc nhìn ngắn hạn, IPAAM cho rằng yếu tố định giá gián tiếp thể hiện tâm lý thị trường thường xuyên biến động, tạo ra rủi ro lớn cho các hoạt động "lướt sóng". Tuy nhiên, nếu nhận diện đúng bức tranh của thị trường thì đây lại là cơ hội tích lũy đối với những nhà đầu tư dài hạn.