Từ giọt nước mắt của Vinh
Có một câu chuyện đã cũ so với mấy ngày qua khi Lê Công Vinh đã chính thức giã từ sự nghiệp thi đấu. Nhưng giống như một sự nghịch lý khi tiền đạo được xem là thành công và có nhiều đóng góp nhất cho bóng đá Việt Nam lại nhận nhiều "đá gạch" hơn sự tri ân từ khán giả.
Sau trận hòa 2-2 trước Indnonesia tối ngày 7/12, Công Vinh nói trong nước mắt với quyết định giã từ sự nghiệp thi đấu sau 12 năm gắn bó cùng đội tuyển Việt Nam. Một phần nguyên nhân là anh quá buồn trước chuyện đội tuyển Việt Nam bị loại khỏi bán kết AFF Cup 2016.
Trong bóng đá, những giọt nước mắt không hề hiếm gặp và Công Vinh đã khóc đến 2 lần trong đêm 7/12. Anh khóc lúc chào cờ trước trận và khóc như 1 đứa trẻ sau trận đấu. Nhưng phần lớn dư luận không trân trọng điều ấy, thậm chí họ còn phỉ nhổ và chỉ chăm chăm nhìn vào màn trình diễn không được như ý của anh trước Indonesia.
Sáng hôm 8/12, tất cả báo chí đều đưa tin Công Vinh giải nghệ nhưng một bộ phận người hâm mộ lại cười hả hê và buông những lời chê trách. Họ quên mất rằng 8 năm trước, Công Vinh cũng từng bật khóc tại sân Mỹ Đình và anh được ca như người hùng với bàn thắng giúp đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008.
Điều cay đắng và nghiệt ngã nhất là gì? 8 năm trước, Vinh khóc và hàng triệu người bật khóc theo. Nhưng cũng nơi đó, anh bây giờ bật khóc đến 2 lần nhưng không có giọt nước mắt nào khóc đồng cảm, hay cất lời tiếc nuối để khuyên Vinh cân nhắc quyết định giải nghệ.
Lằn ranh từ giọt nước mắt Công Vinh giữa cảnh vinh và bại – chúng ta đủ hiểu được sự khắt nghiệt của đời cầu thủ…
Và tại sao luôn khắt khe với Vinh?
"Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn cũng méo". Công Vinh có lẽ làm tấm gương điển hình nhất của bóng đá Việt Nam: Vinh quang rất nhiều nhưng cay đắng cũng không ít.
Có một điều hy hữu nhất là khi nhắc đến bóng đá Việt Nam thì cả thế giới biết đến Công Vinh đầu tiên. Họ luôn gọi Công Vinh là tiền đạo số 1 Việt Nam. Trang AFF Cup 2016 còn gọi anh là huyền thoại bóng đá Việt Nam. Nhưng anh chưa bao giờ được nhìn nhận một cách tích cực nhất trong mắt người hâm mộ Việt Nam.
Thậm chí, một số người hâm mộ "dị ứng" theo kiểu ghen tức với Công Vinh. Họ cứ bảo anh gặp may, gặp thời còn tài năng không có. Họ luôn chăm chăm nhìn vào điểm khuyết nhỏ nhất của Vinh để so sánh, có cả sự xoi mói để "dìm hàng", ném đá không thương tiếc.
Để đến đỉnh điểm của sự lố bịch khi Công Vinh giải nghệ thì phần lớn lại chọn cách cười cợt trên nỗi buồn của anh. Họ vui mừng khi thấy một người được xem là thành nhất bóng đá Việt Nam phải giã từ đội tuyển Việt Nam, treo giày trong nỗi buồn. Đúng hơn là họ hả hê khi được chứng kiến Vinh không thể hoàn hành tâm nguyện cuối cùng của đời cầu thủ.
Nhiều người dồn đổ trách nhiệm thất bại của đội tuyển Việt Nam lên Công Vinh. Họ cho rằng anh đáng ra phải nghỉ sớm để lớp trẻ lên đá. Họ bảo anh ôm lấy mọi thứ dù không còn đỉnh cao…
Họ đã phủi sạch đi những gì Công Vinh đã cống hiến cho bóng đá Việt Nam trong suốt 12 năm qua. Họ cũng quên mất những lời ngợi khen khi anh ghi 2 bàn thắng ở vòng bảng AFF Cup 2016, với lời ngụy biện là "Vinh chỉ ghi bàn vào lưới những đội bóng nhỏ còn "tắt điện" trước Indonesia".
Phủi sạch đi sự cống hiến của một người tận hiến cho bóng đá Việt Nam trong 12 năm, như thế có ác nghiệt lắm không? Và có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao phải khắt khe với Công Vinh nhưng có thể sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm của các cầu thủ khác – những người từng bán rẻ danh dự màu áo ĐTQG?
Không chỉ trong bóng đá mà nhìn rộng ra cuộc sống, chẳng phải chúng ta luôn khuyên nhủ nhau phải biết thứ tha và cảm thông, bởi nhân vô thập toàn. Vậy hà cớ gì chúng ta cứ nhìn vào những chấm mực nhỏ của Công Vinh mà quên mất một phần lịch sử bóng đá Việt Nam được khắc ghi từ mồ hôi và nước mắt của anh.
Bóng đá cũng như cuộc sống, những ai có thể đứng bền vững trước mọi thử thách – họ xứng đáng được ngợi ca thay vì chỉ trích. Công Vinh suốt sự nghiệp vượt qua bao khổ hạnh, tự đứng trên đôi chân mình và gặt hái thành công. Hãy công bằng với anh ấy thay vì chăm chăm nhìn vào "vết mực" để định kiến, buông lời cay đắng...