Quán ăn khác lạ nhờ cách thiết kế và những slogan không giống ai
Ở Hà Nội có một hàng bánh mì thịt xiên nổi tiếng nhiều năm nay. 6 năm trước, anh Lê Hoàng Đức (SN 1990) từng được nhiều cư dân mạng biết tới với biệt danh "hotboy" bán thịt xiên. Cứ ngỡ quán vỉa hè gắn mác trai đẹp ấy chỉ tồn tại một thời gian theo trào lưu nhưng bất ngờ là giờ đây, nó đã "lên đời" thành nhà hàng sang xịn và ngày nào cũng tấp nập khách ra vào.
Đi lên từ quán ăn vỉa hè, anh Đức trăn trở rất nhiều về việc sẽ thiết kế, vận hành quán ra sao: chạy theo xu hướng sang chảnh, phong cách bụi bặm hay vintage. Suy nghĩ nhiều, cuối cùng anh quyết định giữ nguyên thiết kế ở vỉa hè bê vào trong quán. Thành ra ngay giữa TP, có một cửa hàng mà bước vào bên trong, người ta vẫn thấy chẳng khác gì đang ngồi ăn ở vỉa hè.
Quán thịt xiên có tên dài ngoằng ở Hà Nội.
Slogan "thịt em đi" được thể hiện đầy ấn tượng.
Thậm chí còn trở thành "khẩu quyết" mở khóa wifi khiến khách hàng khó quên.
Vẫn những chiếc ghế thấp kê san sát, tường gạch tróc lở, giăng mắc cả dây thép gai. Các bức họa trên tường nhằm tái hiện lại không gian vỉa hè: cột điện dây dợ loằng ngoằng, đầy chữ khoan cắt bê tông, tờ rơi quảng cáo dán nhằng nhịt. Ở những lối rẽ khác nhau có tên ngách hàng thịt, hàng xiên, hàng nướng và trong mỗi căn phòng đều có số, tên chủ nhà.
Thiết kế ấn tượng làm cho quán ăn nhỏ trở nên khác biệt...
Những slogan được thể hiện theo phong cách "khoan cắt bê tông".
Ngồi trong quán, thực khách vẫn có cảm giác tự do, phóng khoáng như ở vỉa hè, đông người qua lại.
Thương hiệu thịt xiên đứng tên anh Đức nhưng khi mở quán, anh đặt cho nó cái tên lạ hoắc và dài ngoằng giống như một khẩu hiệu: "Hợp tác xã thịt xiên, nguyện nhiệt tình hết mình phục vụ nhân dân". Bên trong quán còn có hàng loạt slogan "bá đạo" khác như: "thịt em đi", "phải vui vẻ mới bán được nhiều thịt", "thịt xiên... xếp hàng với em nhé", "thịt em đi là sự cố gắng của chúng em"...
Slogan "thịt em đi" xuất hiện ở khắp mọi nơi: trên lưng áo nhân viên, ở tất cả các góc tường, biển hiệu thậm chí pass wifi cũng vẫn là cụm từ này. "Khẩu quyết" lạ lùng, vui nhộn của quán khiến nhiều khách hàng cảm thấy thích thú, có người còn phì cười khi lần đầu ghé đến.
Một vài slogan vui nhộn của quán.
Anh Đức bảo, cụm từ "thịt em đi" thường được các bạn trẻ hiểu theo nghĩa khá xấu. Tuy nhiên, nó lại rất phù hợp với quán của anh và khi đặt vào một quán thịt xiên nướng thì không thể nào hiểu theo nghĩa xấu được nữa.
"Mình gọi quán là hợp tác xã vì nhớ đến những câu chuyện của bác mình nói về HTX ngày xưa, ở đó muốn làm tốt thì tất cả mọi người đều phải đồng lòng. Quán ăn này cũng vậy, nhân viên ở đây có nhiều người đã đi theo mình 2-3 năm, sống với nhau như anh em nên quán ăn này giống như một HTX mà cả chủ, cả nhân viên đều phải góp sức để phục vụ khách hàng tốt hơn".
6 năm "bôn ba" vỉa hè và giấc mơ "lên đời"
6 năm tồn tại thì có tới hơn 5 năm gắn bó với vỉa hè, trong suốt khoảng thời gian đó, lúc nào anh Đức cũng trăn trở làm sao xây dựng một cửa hàng, tạo nên thương hiệu thịt xiên của riêng mình.
Hiện tại, dù đã mở nhà hàng nhưng giá cả đồ ăn ở đây vẫn khá bình dân. Những xiên thịt nướng thơm phức giá là 10.000 đồng, từ 2 xiên trở lên, quán chỉ tính 7.000 đồng/xiên. Ngoài món chính, quán có nộm thịt nướng, trà quất, sữa đậu... là những món đồ uống rất được lòng giới trẻ còn trà đá được chủ quán free.
Bảng menu phong cách bình dân.
Mô hình độc đáo, món ăn ngon và không gian thú vị nên khách đông nghịt. Đến quán vào giờ cao điểm hầu như không còn một ghế trống nào. Thậm chí, nếu muốn mua thịt xiên nướng mang về, khách còn phải xếp hàng dài.
Đặc biệt, mỗi phòng ăn của quán đều có "Góc tự giác" với bim bim, ô mai, mì trẻ em có niêm yết giá cụ thể. Nếu thích, khách có thể tự đến lấy ăn và tự trả tiền. Theo lời anh Đức, đó đều là những món quà vặt gắn liền với tuổi thơ của nhiều người - những thứ mà thực khách rất dễ mua ở vỉa hè.
Đi ăn ở cửa hàng mà khách vẫn phải xếp hàng chờ đợi.
Hoặc chờ được phục vụ theo số ghi trên hóa đơn.
Vì quá đông khách nên khi ăn ở đây, mọi người phải xếp số chờ đợi. Nhân viên sẽ mang đồ phục vụ lần lượt theo số thứ tự ghi trên hóa đơn khách gọi món ban đầu và luôn cố gắng phục vụ cân bằng giữa khách mua mang đi và ngồi ăn tại quán.
"6 năm gắn bó với vỉa hè nên những thứ ở đó đã quá thân quen với quán. Khi mở cửa hàng mình vẫn hy vọng giữ được những nét đáng yêu cũ". Anh Đức tâm sự, giấc mơ của anh là có thể xây dựng thương hiệu thịt xiên trở nên phổ biến hơn, đưa món ăn vặt này trở thành "miếng ngon" nổi tiếng Hà thành.