Hòn đảo không người ở đột nhiên ngập tràn chun cao su rác, khoa học đau đầu tìm hiểu để rồi phát hiện một cú "twist" cực kỳ bất ngờ

J.D, Theo Helino 19:45 25/10/2019

Số chun này từ đâu ra? Tại sao chúng lại xuất hiện ở một hòn đảo không người ở? Bí ẩn ấy cuối cùng cũng có câu trả lời!

Ngoài khơi vịnh Cornish (Anh Quốc), có một hòn đảo nằm tách biệt. Hòn đảo tên Muillon ấy không có người ở, cách rất xa khu dân cư, là nơi dùng để bảo tồn các quần thể chim biển. Nói cách khác, có thể nói đây là một hòn đảo hoang.

Hòn đảo không người ở đột nhiên ngập tràn chun cao su rác, khoa học đau đầu tìm hiểu để rồi phát hiện một cú twist cực kỳ bất ngờ - Ảnh 1.

Đảo Muilon (Cornish, Anh Quốc)

Nhưng rồi đột nhiên, các kiểm lâm viên ở đây phát hiện ra cũng tại hòn đảo hoang ấy đang tồn tại hàng ngàn dây chun cao su rác đủ màu. Những chiếc chun không chỉ nằm trên bãi biển mà rải rác khắp nơi, bất chấp việc chẳng có ai chạm đến đây cả. 

Câu chuyện khiến kiểm lâm, cộng đồng mạng và cả các chuyên gia cảm thấy cực kỳ bất ngờ. Họ quyết định phải theo dõi hòn đảo này, và rốt cục thì đã có câu trả lời. Thủ phạm là chim biển, mà cụ thể là chim hải âu.

Cụ thể theo như National Trust - một quỹ bảo tồn môi trường và di sản tại Anh Quốc, những con hải âu và một số loài chim khác đã nhặt nhạnh từng cọng chun và mang chúng đến hòn đảo Muilon. Lý do nhiều khả năng là vì chúng đã nhầm dây chun với giun.

"Lần đầu chúng tôi nhận ra có những cọng dây chun ở đây là đúng vào mùa sinh sản của chim biển, và ngay lập tức chúng tôi đã phải choáng ngợp vì số lượng chun quá nhiều," - trích lời Mark Grantham, chuyên gia môi trường. 

"Để bảo vệ tốt hơn cho các loài chim, chúng tôi thường làm một chuyến ghé thăm đảo vào giữa mùa thu - đông để nhặt rác. Trong vòng 1h, hàng ngàn cọng dây chun đã được thu lại, cộng thêm một loạt ngư cụ hỏng."

Hòn đảo không người ở đột nhiên ngập tràn chun cao su rác, khoa học đau đầu tìm hiểu để rồi phát hiện một cú twist cực kỳ bất ngờ - Ảnh 2.

Được biết, đảo Mullion dùng để bảo tồn chim biển, vốn nằm ở nơi tách biệt đến nỗi người thường muốn lên đảo thì cần phải xin giấy phép từ chính quyền. Dẫu vậy, tổ chức National Trust cho rằng ảnh hưởng của loài người lên hòn đảo này vẫn là rất nhiều.

"Nhựa và cao su trở đang nối dài danh sách những thách thức để bảo tồn chim biển." - trích lời Rachel Holder, kiểm lâm của National Trust.

"Dù trông lũ hải âu trông có vẻ đông đúc, nhưng thực ra số lượng đang giảm dần xuống. Chúng thường xuyên gặp rắc rối vì số lượng cá bị khai thác quá nhiều, cùng nơi chúng xây tổ bị làm phiền. Giờ thêm chun cao su, mọi chuyện còn tệ hơn."

Hòn đảo không người ở đột nhiên ngập tràn chun cao su rác, khoa học đau đầu tìm hiểu để rồi phát hiện một cú twist cực kỳ bất ngờ - Ảnh 3.

Các nhân viên của National Trust nhặt rác tại đảo Muilon

Các chuyên gia tin rằng lũ hải âu đã thu thập dây chun cao su khi bay đến các khu vực nông nghiệp trong đất liền. Chúng đã nhầm những cọng dây này với đồ ăn. Bởi vậy, họ đang đề đạt ý kiến muốn các doanh nghiệp tìm cách loại bỏ nhựa, cao su và sản phẩm dùng 1 lần ra khỏi chuỗi sản phẩm của mình, để bảo vệ thiên nhiên tốt hơn.

"Các vật dụng dùng 1 lần đang có tác động rất lớn với tự nhiên, kể cả những hòn đảo cách xa đất liền. Đây là trách nhiệm của tất cả chúng ta khi vứt bỏ những vật dụng này, dù bạn là người tiêu dùng hay là người bán ra chúng," - Lizzy Carlyle, chuyên gia của National Trust cho biết.

Theo thống kê của National Trust, việc các loài sinh vật biển ăn phải nhựa không phải là chuyện mới trên thế giới. Vài năm trở lại đây, rác nhựa chính là một phần nguyên nhân khiến số lượng hải âu lưng đen đã giảm tới 30%, mòng biển cá trích thì bị liệt vào danh sách nguy cấp.

Tham khảo: Science Alert, IFL Science, Livescience