Một lời an ủi, động viên của cha mẹ có thể khiến trẻ cảm thấy ấm áp, mạnh mẽ, khiến trẻ trở nên tự tin, rộng lượng và ngày càng tốt hơn. Trong khi đó, một lời phủ nhận, chỉ trích của cha mẹ có thể trở thành thủ phạm dập tắt ước mơ và hy vọng của con cái, khiến chúng cảm thấy mình bị bỏ rơi, khiến chúng trở nên tự ti, sống nội tâm và càng ngày càng nổi loạn.
Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ không biết làm thế nào để con cảm thấy ấm áp chứ đừng nói đến việc tiếp thêm sức mạnh cho con. Họ thường vô tình làm hại con vì những lời nói không kiềm chế của mình, khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng, rối loạn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình.
Suy cho cùng, một gia đình hạnh phúc hay đau buồn không phụ thuộc vào gia đình đó có bao nhiêu của cải mà phụ thuộc vào cách cha mẹ và con cái giao lưu, tương tác với nhau.
Nếu cha mẹ luôn nói hai câu sau đây chắc chắn sẽ là bi kịch cho gia đình!
Tôi tin rằng nhiều bậc cha mẹ đã nói những câu có ý đại loại thế này: "Bố mẹ vất vả như thế chẳng phải vì con hay sao?"/ "Bố mẹ đi sớm về hôm, làm việc quần quật đều vì con hết"/ "Bố mẹ đập nồi bán sắt cho con đi học, con mà không học hành cho tử tế là phụ công bố mẹ"/ "Nếu không phải vì con, bố mẹ đã ly hôn lâu rồi"…
Dù chỉ đọc những dòng chữ này, dám cá là bạn đã cảm thấy áp lực rồi, chứ đừng nói là trực tiếp nghe chúng từ miệng của chính những người thân thiết nhất với mình là cha mẹ.
Ảnh minh họa: New York Times
Người ta thường nói tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là vô điều kiện. Tuy nhiên, ở ngoài đời, không phải bậc cha mẹ nào cũng chân thành hoạch định tương lai cho trẻ vì chính trẻ, có không ít những trường hợp, họ làm mọi thứ mà chỉ quan tâm đến bản thân mình.
Có một số bậc cha mẹ đặt ra mục đích rõ ràng cho từng xu họ trả cho con, tức là yêu cầu con cái phải trả nợ mình.
Những bậc cha mẹ như vậy sợ con quên mất công ơn dạy dỗ của mình nên đã mù quáng truyền cho con cái quan niệm rằng mọi việc cha mẹ làm đều là vì con, khiến con cái phải gánh chịu những xiềng xích đạo đức nặng nề ngay từ khi còn nhỏ và lớn lên trong mặc cảm tội lỗi sâu sắc.
Đơn cử như câu chuyện "bánh bao chấm canh" từng lên hot search cách đây không lâu. Vì vừa nhận lương, cô con gái trong câu chuyện vui vẻ đưa cả nhà đi ăn cá nướng. Tuy nhiên, vừa vào bàn không lâu, bố mẹ của cô lại chạy ra ngoài mua thêm mấy cái bánh bao chay để chấm với nước sốt, mục đích là để con gái có thể ăn được nhiều cá hơn.
Một số người sau khi đọc câu chuyện này có lẽ sẽ cảm thán về tình yêu thương lớn lao của cha mẹ, rằng họ thà ăn cơm thừa canh cặn cũng muốn con mình được ăn ngon hơn, ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, mọi người đã quên đặt mình vào vị trí của cô con gái. Trong lòng cô gái ấy ắt hẳn sẽ chẳng thấy vui vẻ chút nào mà chỉ thấy buồn, cộng thêm vào đó là cảm giác áy náy, tự trách vì bản thân không đủ năng lực, ra ngoài ăn hàng một bữa thôi mà còn để bố mẹ phải mua bánh bao ăn bù vào.
Một cư dân mạng bình luận: "Mỗi lần chứng kiến những chuyện tương tự xảy ra là một lần tôi thấy khó chịu. Đừng nói mấy câu kiểu 'vì con', 'tốt cho con' nữa. Tôi là con họ bao năm, họ tốt với tôi hay chẳng lẽ tôi lại không biết…".
Quả thực, cha mẹ đối xử tốt với con cái hay không cần phải do con cái đánh giá.
Một số bậc cha mẹ dùng phương thức hy sinh bản thân để thể hiện tình yêu thương với con cái mà không biết đây chưa hẳn đã là tình yêu thực sự, mà như một cách "bắt cóc" đạo đức, một phương thức gán nhãn, một kiểu gây tổn thương đến con cái.
Ảnh minh họa: New York Times
Nhìn bề ngoài, cha mẹ đã đạt được kết quả lý tưởng nhờ sự hy sinh và cống hiến của mình: con cái vâng lời cha mẹ hơn, không còn trái lời cha mẹ và đặt cha mẹ lên hàng đầu trong mọi việc.
Nhưng thực tế, gia đình này đã mất trắng, không còn hạnh phúc, niềm vui thực sự nữa, cha mẹ đối tốt với con cái để nhận được báo đáp, còn con cái đối tốt với cha mẹ vì mặc cảm và sự tự trách mình.
Cách đây một thời gian, một đoạn video trên mạng đã gây ra cuộc thảo luận sôi nổi trong cư dân mạng:
Một cô bé 14 tuổi, để tạo bất ngờ cho mẹ, đã đích thân nấu nguyên mâm cơm bốn món mặn một món canh cho mẹ, đồng thời còn chuẩn bị trái cây sau bữa ăn... Cô bé một mình làm mọi thứ và vui vẻ chờ đợi phản ứng của mẹ, muốn nhìn thấy nụ cười của mẹ, muốn nhận được lời khen của mẹ.
Thế nhưng sự thật là mẹ cô bé không hề nở một nụ cười, cũng không dành cho con gái mình bất cứ lời khen nào. Ngược lại, bà tỏ vẻ cáu kỉnh rồi trách móc cô bé một cách đầy gay gắt và tàn nhẫn: "Mẹ phải khen con à? Giữa trưa mà con nấu nhiều thế này, hai người có ăn hết không? Phí cả tiền!".
Một lời nói lạnh lùng đã xóa sạch mọi kỳ vọng của cô bé và cũng phụ cả tình yêu thương cô bé muốn dành cho mẹ. Có lẽ trong tương lai, cô bé sẽ không bao giờ chuẩn bị bất kỳ điều bất ngờ nào dành cho mẹ mình nữa, bởi món quà bất ngờ chưa chắc sẽ nhận được sự hài lòng và cảm động như mong đợi…
Ngoài đời có rất nhiều những bậc phụ huynh như thế này:
Khi được con cái đưa đi chơi, họ sẽ nói: "Toàn người là người, có gì vui đâu, vừa mệt vừa tốn kém";
Khi được con cái dẫn đi ăn ngon, họ sẽ nói: "Ăn mỗi bữa cơm mà tốn cả đống tiền, tiền đấy mà ăn ở nhà phải ăn được mấy ngày, không biết tiết kiệm gì cả";
Khi được con cái mua quần áo cho, họ sẽ nói: "Quần áo bố mẹ đầy ra, tốn tiền mua làm gì? Chỉ biết lãng phí tiền bạc"…
Thực chất đây chính là những ông bố bà mẹ "ném đá hội nghị" trong truyền thuyết, bằng một cách nào đó, họ luôn "tạt gáo nước lạnh" vào mặt con mình bất kể chúng làm gì.
Ảnh minh họa: New York Times
Những bậc cha mẹ như vậy, dù là muốn bày tỏ sự không hài lòng với con hay thể hiện sự thương, thì mở miệng ra, họ cũng sẽ dùng những câu từ mang tính chỉ trích, trách móc hoặc phàn nàn… Về lâu về dài, thói quen này của họ sẽ hủy hoại lòng nhiệt tình của con cái, làm tổn thương trái tim chúng, khiến chúng không còn muốn mở lòng với cha mẹ và cũng không còn chủ động bày tỏ sự quan tâm, yêu thương với cha mẹ nữa.
Thành thật mà nói, nếu cha mẹ coi trọng tiền bạc hơn niềm vui của con cái và hạnh phúc của gia đình thì đây chắc chắn là nỗi buồn lớn đối với gia đình đó.
Nếu cha mẹ ở nhà cứ nói hoài nói mãi hai câu cửa miệng trên, cứ luôn trách mắng, bạo lực ngôn ngữ với con cái thì vô hình trung, họ đã dựng lên một bức tường giữa mình và con cái, ngăn cản con cái đến gần họ, làm tổn hại đến mối quan hệ gia đình.
Những bậc cha mẹ thực sự thông minh sẽ tôn trọng và hiểu cho con mình, sẽ hỗ trợ và an ủi chúng thay vì mù quáng nhận trách nhiệm rồi sau đó lại phàn nàn, oán giận. Chỉ bằng cách này, tình yêu thương gia đình mới có thể soi sáng trái tim mỗi người và mang lại sự ấm áp cùng nguồn sức mạnh lớn lao cho họ.