Dự thi tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Thị Thanh Hải, 18 tuổi, đến từ Phú Thọ, cùng mẹ lên thủ đô từ sáng qua. Không có người quen ở Hà Nội, hai mẹ con thuê nhà nghỉ cách trường 2 km. Sáng 15/7, Hải đến điểm thi sớm với tâm trạng thoải mái.
"Trước đó em đã đạt điều kiện trúng tuyển ngành Kỹ thuật Hoá học của trường Bách khoa Hà Nội theo phương thức xét tuyển tài năng nên không bị áp lực trước kỳ thi đánh giá tư duy", Hải nói.
Nữ sinh cho biết tham gia thi tư duy để thử sức, bởi "em rất thích cấu trúc và cách ra đề mới mẻ" của kỳ thi này. Hải cũng muốn trải nghiệm không khí tại một kỳ thi lớn và cọ xát với các thí sinh đến từ nhiều tỉnh, thành.
Minh Giáp, 18 tuổi, đến từ Hà Nội, tham dự kỳ thi đánh giá tư duy tại Đại học Bách khoa Hà Nội, sáng 15/7. Ảnh: Thanh Hằng
Tuy nhiên, Nguyễn Minh Giáp, 18 tuổi, đến từ Hà Nội, đã trải qua một đêm mất ngủ. Để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá tư duy, Giáp làm thử đề thi năm 2020 và tham gia đợt thi thử. Nam sinh cho biết Bách khoa Hà Nội là mục tiêu từ lâu nên sẽ tận dụng mọi phương thức để xét tuyển vào trường.
Khác với Giáp, Vũ Lê Mạnh Cường (Hà Nội) chưa từng làm thử đề tư duy. Cường đăng ký nguyện vọng vào các ngành Công nghệ thông tin của trường Bách khoa - nhóm ngành luôn có điểm chuẩn cao nhất. Nam sinh không muốn tạo áp lực cho mình nên dự thi với tâm trạng thoải mái nhất có thể, không nghĩ ngợi và để các thông tin bên lề khiến bản thân lo lắng.
Để giảm ùn tắc giao thông trong buổi sáng 15/7, Đại học Bách khoa Hà Nội mở hai cổng lớn nhất ở đường Trần Đại Nghĩa và Giải Phóng để thí sinh thuận tiện di chuyển. Các em được lực lượng sinh viên tình nguyện hỗ trợ trông đồ tại khu vực gần cổng, bố trí chỗ gửi xe tại khu ký túc xá, đối diện điểm thi.
Thí sinh được lực lượng sinh viên tình nguyện hỗ trợ gửi đồ trước khi vào phòng thi. Ảnh: Thanh Hằng
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển gần 8.000 thí sinh theo ba phương thức, gồm: xét tuyển tài năng (10-20% chỉ tiêu), dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (50-60%) và kết quả thi tốt nghiệp THPT (30-40%).
Bài thi đánh giá tư duy diễn ra trong 270 phút, gồm một phần bắt buộc và hai phần tự chọn. Trong đó, thí sinh làm phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu trong 120 phút. Phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) thi trong 90 phút. Phần tự chọn 2 là Tiếng Anh thi trong 60 phút hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS. Thí sinh làm phần thi Toán - Đọc hiểu và Tiếng Anh trong buổi sáng, Khoa học tự nhiên vào chiều 15/7.
Thí sinh làm bài trên giấy, các câu hỏi là trắc nghiệm và trả lời trên phiếu như thi tốt nghiệp THPT. Riêng môn Toán và Tiếng Anh có phần tự luận để đánh giá cách tư duy và khả năng trình bày. Việc đưa tự luận vào môn Tiếng Anh là điểm mới so với kỳ thi năm 2020.
2022 là lần thứ hai kỳ thi đánh giá tư duy được tổ chức, nhưng là lần đầu tiên Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ dữ liệu thi với hơn 20 đại học đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển chính quy.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho rằng kỳ thi đánh giá tư duy có thể hữu ích cho nhiều đại học, đặc biệt là những trường nhóm công nghệ, kỹ thuật. Ông Điền cho biết nếu muốn xét tuyển thí sinh từ kết quả thi tư duy, các đại học chỉ cần đăng ký, không phải đóng góp khoản phí nào.
Theo ông Điền, các câu hỏi của đề thi tư duy được phân hoá theo các mức độ, nhưng chỉ dành 20% cho thông hiểu (mức dễ). So với mức 50-60% của đề thi tốt nghiệp THPT, ông Điền khẳng định đề đánh giá tư duy có độ phân hoá cao hơn, dành phần lớn nội dung cho mức độ vận dụng và vận dụng sáng tạo. "Sẽ không có chuyện 'mưa' điểm 9, 10 thi tư duy, và điểm chuẩn không tràn lan ở mức 27", ông Điền cho hay.
Đánh giá tổng thể, ông cho rằng đề thi đánh giá tư duy được thiết kế để kiểm tra nhiều kỹ năng của thí sinh, gồm đọc hiểu các văn bản kỹ thuật, ngoại ngữ, tính toán, cách trình bày... "Một khi đã trúng tuyển Bách khoa bằng kỳ thi này, thí sinh có thể yên tâm vì các em đủ khả năng theo được chương trình đào tạo khắt khe của trường", ông Điền khẳng định.
Dự kiến, ngày 24/7, Đại học Bách khoa sẽ công bố điểm thi của các thí sinh, cùng với thời điểm công bố điểm thi tốt nghiệp THPT.
20 trường sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy: Đại học Bách khoa Hà Nội, Công nghệ Giao thông vận tải, Giao thông vận tải, Mỏ - Địa chất, Thăng Long, Thủy lợi, Xây dựng Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp, Phenikaa, Bách khoa Đà Nẵng, Công nghiệp Hà Nội, Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Công nghệ Đông Á, Kinh tế Nghệ An, Sư phạm kỹ thuật Vinh, Mỹ thuật công nghiệp Á châu, Đại học Hà Nội, Đại học Vinh và Học viện Chính sách và Phát triển.