Mỹ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất thế giới, với số ca nhiễm và tử vong đều cao nhất (35.283.075 ca và 626.658 ca). Brazil có số ca tử vong cao thứ hai (548.420 ca) nhưng Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai sau Mỹ, hiện là 31.332.159 ca. Xét theo khu vực, châu Âu ghi nhận nhiều ca tử vong nhất thế giới (1.125.748 ca), tiếp đến là Nam Mỹ với hơn 1 triệu ca, Bắc Mỹ là 933.617 ca và châu Á là 865.718 ca. Tuy nhiên, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên tới 60.202.461 ca.
Tại Đông Nam Á, Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy trong 24h với 15.902 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 996.393 kể từ đầu dịch. Trong khi đó, tại Indonesia, đảo Bali đã rơi vào tình trạng cạn kiệt khí ôxy cho bệnh nhân COVID-19 do số ca nhiễm tăng mạnh. Người đứng đầu cơ quan y tế Bali, ông Ketut Suarjaya cho biết: "Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng khí ôxy tại Bali". Bali cần 113.3 tấn ôxy trong khi các bệnh viện chỉ có 40,5 tấn. Tình trạng thiếu khí ôxy cũng đang xảy ra tại Java. Chính phủ Indonesia đã bắt đầu nhập khẩu ôxy từ các nước như Mỹ và Trung Quốc.
Mới chỉ có khoảng 8% dân số Indonesia được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: EPA)
Tại Campuchia, chính quyền thủ đô của Phnom Penh đã quyết định kéo dài lệnh tạm dừng hoạt động thêm 14 ngày đối với các hoạt động có rủi ro lây nhiễm dịch ở mức cao. Trong văn bản vừa ban hành, chính quyền Phnom Penh cho biết vì yêu cầu khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19 lây lan nên từ 0h ngày 24/7 đến ngày 6/8, các trường học tiếp tục đóng cửa; quán karaoke, massage, sàn nhảy, vườn bia, sòng bạc, khu nghỉ dưỡng, bảo tàng, công viên giải trí, rạp chiếu phim, nhà hát, phòng gym và trung tâm thể thao vẫn phải tạm ngừng hoạt động.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới tại Campuchia vẫn tăng mỗi ngày hơn 800 ca trong vài tuần trở lại đây và thủ đô Phnom Penh liên tục cảnh báo dịch tại nhiều ngôi chùa và các cơ sở dịch vụ, nhà hàng dù đa số người dân ở đây đã tiêm phòng COVID-19.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 278 ca mắc mới đều là người nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, số ca nhiễm mới được ghi nhận tại Lào tiếp tục tăng cao nhất từ trước tới nay. Tỉnh Champasak là nơi ghi nhận số người nhập cảnh nhiễm mới tăng cao kể từ cuối tháng 6; chủ yếu là người lao động nước này về nước để tránh làn sóng dịch nghiêm trọng đang xảy ra ở Thái Lan.
Các tình nguyện viên trong trang phục bảo hộ thu thập một thi thể trên đường phố Bangkok hôm 20/7 (Ảnh: AP)
Lo ngại nguy cơ xâm nhập của biến chủng Delta thông qua người nhập cảnh bất hợp pháp, Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người lao động nước này ở Thái Lan nên trở về nước bằng đường chính ngạch để được kiểm tra y tế và cách ly theo quy định, tránh lây nhiễm dịch bệnh cho người thân cũng như cộng đồng.
Tại châu Âu, Nga hiện đứng đầu với hơn 6,1 triệu ca nhiễm và 153.095 ca tử vong. Trong ngày 24/7, nước ngày ghi nhận thêm gần 24.000 ca nhiễm mới và 799 ca tử vong mới. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng số ca nhiễm, đặc biệt tại thủ đô Moscow có thể đã đạt đỉnh.
Sau Nga là Pháp, nước cũng đã ghi nhận tới hơn 5,9 triệu ca nhiễm và hơn 111.000 ca tử vong. Anh có số ca nhiễm ít hơn của Pháp (hơn 5,6 triệu ca) nhưng có nhiều ca tử vong hơn, hiện là 129.044 ca. Trong top 10 châu lục còn có Italy và Tây Ban Nha (đều đã hơn 4,2 triệu ca nhiễm), Đức (hơn 3,7 triệu ca), Ba Lan và Ukraine (hơn 2,2 triệu ca), Hà Lan và CH Séc (hơn 1,6 triệu ca).
Quan tài một bệnh nhân tử vong do COVID-19 ở Argentina (Ảnh: Reuters)
Tại châu Mỹ, Argentina và Colombia đã ghi nhận hơn 4,7 triệu ca nhiễm trong khi Mexico và Peru đã ghi nhận hơn 2,1 triệu ca. Ngày 24/7, tổng số ca mắc COVID-19 tại khu vực Mỹ Latin và Caribe đã vượt qua mốc 40 triệu ca. Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch bệnh tại khu vực trên là 1.353.335 người. Giới chuyên gia chỉ ra những khó khăn chính cản trở các nỗ lực phòng chống dịch bệnh tại Mỹ Latin và Caribe gồm thách thức từ các biến thể lây lan nhanh, tỷ lệ tiêm phòng ở mức thấp, các thành phố đông đúc dân cư, hệ thống y tế yếu kém và tỷ lệ người bị bệnh nền như béo phì cao hơn trung bình toàn thế giới.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 6.454.719 ca nhiễm và 162.834 ca tử vong. Nam Phi là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất tiếp theo là Bắc Phi và Đông Phi, sau cùng là Trung Phi. Nhiều quốc gia châu Phi đã liên tục ghi nhận số ca mắc mới tăng mạnh, trong đó Algeria tiếp tục ghi nhận số ca bệnh cao chưa từng có là 1.350 trường hợp và 18 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.
Tiếp theo là các nước như Tunisia, Zimbabwe, Libya, Senegal, Ghana. CDC châu Phi cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các nước châu Phi chỉ mới mua được khoảng 82,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và khoảng 1,39% tổng dân số châu Phi đã được tiêm chủng đầy đủ, với khoảng 61,3 triệu liều đã được tiêm.