Học sinh THPT được học tín chỉ đại học: Chuyên gia nói gì?

Đỗ Hợp, Theo Tiền Phong 18:45 17/01/2024
Chia sẻ

Các giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng, xây dựng kế hoạch để học sinh giỏi vượt trội ở bậc THPT được học và công nhận tín chỉ một số môn cơ bản ở đại học là một đường lối đúng, nếu làm được thì quá tốt.

Đại học Quốc gia TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch để học sinh giỏi vượt trội ở bậc THPT được học và công nhận tín chỉ một số môn cơ bản ở đại học.

Thông tin được PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nêu tại Hội nghị thường niên năm 2023, được tổ chức sáng 22/12.

Theo ông Vũ Hải Quân, năm 2024, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ thực hiện công nhận tín chỉ đại học cho một số học sinh THPT vượt trội. Các em sẽ học một số môn học cơ bản trên nền tảng của Đại học Quốc gia TPHCM theo phương thức thực hiện trực tuyến kết hợp với trực tiếp.

Hình thức này sẽ được thực hiện đối với học sinh THPT có tài năng vượt trội, không chỉ dành riêng cho học sinh trường chuyên, năng khiếu.

Nhiều trường đại học lớn trên thế giới đã triển khai mô hình này. Chẳng hạn, tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, các tài năng đặc biệt có thể theo học từ 13, 14 tuổi, đến 16-18 tuổi tốt nghiệp đại học, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ.

Về vấn đề này, chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu, đang làm nghiên cứu sinh về lĩnh vực giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng, theo đề xuất, năm 2024, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ thực hiện công nhận tín chỉ đại học cho một số học sinh THPT vượt trội là một chủ trương đúng đắn và nếu thực hiện được thì quá tốt.

Ông Hiếu cho rằng, mô hình này đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới và ở tại Mỹ- nơi mà ông đang nghiên cứu.

Vị chuyên gia này cho rằng, ở Mỹ có ba cách thức khác nhau để các bạn học sinh cấp 3 có thể học các tín chỉ đại học.

Thứ nhất, các bạn tham gia học ngay tại trường đại học mà bạn hướng tới. Ví dụ như trường đại học Cornell, họ có chương trình học cho học sinh cấp 3 tài năng. Học sinh cấp 3 có thể học song song trong học kì 1, học kì 2 hoặc học hè trước một số chứng chỉ bậc đại học. Nếu như hết lớp 12 bạn được nhận vào trường đó thì chứng chỉ bạn học trong lớp 11,12 hoặc học hè trước đó sẽ được tính vào.

“Hay như trường đại học Hopkins của tôi đang học thì có hình thức cho học sinh từ 12 tuổi trở lên được nộp đơn và chứng minh năng lực của mình. Với các em có năng lực xuất sắc thì ngoài các em học phổ thông tại trường phổ thông thì được học tại trường Hopkins các chứng chỉ đại học” - ông Hiếu chỉ ra.

Cũng theo ông Hiếu, cách thứ 2, các đại học Mỹ công nhận một số bài thi như bài thi AP là bài thi khá phổ biến. Nếu một học sinh cấp 3 có thể thu xếp học được và thi được bài thi này thì các em dùng kết quả bài thi. Khi vào đại học các em sẽ được miễn các môn đó luôn.

Cách thứ 3, họ công nhận tín chỉ ở các trường cao đẳng cộng đồng hoặc trường đại học khác. Ví dụ, đại học Pennsylvania đồng ý các em cấp 3 học trước một số tín chỉ ở các đại học, cao đẳng cộng đồng ở bang California có thể gửi kết quả để họ xem xét và miễn cho các em khi học năm nhất đại học.

“Tôi ủng hộ ý tưởng của thầy Quân và tôi cho rằng ĐH Quốc gia TP.HCM nên đi đầu và điều này rất tuyệt vời” - chuyên gia này nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiếu, một nghiên cứu của U.S.News mới đây cho rằng, năm 2023, có 20% sinh viên Mỹ tốt nghiệp 2 ngành cùng một lúc . Việc nghiên cứu cũng chỉ thêm rằng, nếu bạn tốt nghiệp 2 ngành thì cơ hội xin việc làm lương cao tăng lên thêm 40%.

Chuyên gia giáo dục này cho rằng, mô hình mà học sinh thường chọn nhất là học một ngành kĩ thuật và một ngành kinh tế. Có bạn học ngành Khoa học máy tính thì có thể học thêm ngành Tài chính về quản trị kinh doanh.

Ông Hiếu cho rằng, nếu học sinh học song song hai ngành thì mặt lợi rõ ràng nhưng điểm khó khăn là khiến học sinh sẽ phải học nhiều hơn.

Theo thống kê của ĐH Stanford, một em muốn tốt nghiệp ngành đơn thì cần 190 tín chỉ nhưng nếu tốt nghiệp song bằng thì phải hoàn thành 225 tín chỉ. Như vậy, sẽ vượt trội thêm 40 tín chỉ.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, đây không phải là rào cản bởi vì ở Mỹ đã có cơ chế cho học sinh cấp được học trước từ lớp 10, 11 và 12 các tín chỉ đại học.

“Cho nên tôi cho rằng, câu chuyện là ở Mỹ, học sinh tranh thủ học tín chỉ đại học, chứng chỉ AP, hay hoàn thành các tín chỉ ở các trường cao đẳng cộng đồng. Sau đó khi bước vào năm nhất đại học thì được chuyển nhiều tín chỉ và được giảm rất nhiều môn ở bậc đại cương, lúc đó thoải mái đăng ký học song bằng. Và thời điểm kết thúc năm tư để tốt nghiệp sẽ có 2 bằng đại học” - ông Hiếu chỉ ra,

“Đó ví dụ lợi ích của việc học sinh có năng lực vượt trội ở cấp 3 được phép học tín chỉ ở bậc đại học là điều vô cùng quan trọng. Tôi cho rằng, nếu có cơ chế phù hợp ĐH Quốc gia TP.HCM nên đi đầu và điều này thực hiện được sẽ rất tuyệt vời cho giáo dục đại học ở Việt Nam”.

Chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu: tốt nghiệp thủ khoa ngành Toán Kinh tế từ ĐH California, Los Angeles (Mỹ), sau một thời gian trải nghiệm ở những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tài chính và tư vấn, anh quay trở về Việt Nam để làm giáo dục.

Hiện nay, anh Hiếu đang làm nghiên cứu sinh về lĩnh vực giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ).

Ông Đào Tuấn Đạt là giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, và là cố vấn trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, đề xuất của thầy Quân- ĐH Quốc gia TPHCM thì khó thực hiện được hiện nay vì học sinh của mình vẫn phải học nhiều môn quá.

Thầy Đạt cho rằng, ai học được thì nên học nhưng nếu định sang Mỹ hoặc sang Châu Âu thì học và thi các bài thi AP chứ nếu học đại học ở Việt Nam mình đã có quy định cụ thể gì đâu.

"Với thực tế giáo dục đại học Việt Nam, thì mình vẫn không làm được. Cả trường phổ thông và trường đại học của Việt Nam đều thiếu chuyên nghiệp" - ông Đạt nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày