Học sinh hành động dại dột, hồi chuông cảnh báo và dấu hiệu nhận biết những "bất thường" để phòng tránh

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 16:46 04/04/2022

Các chuyên gia nhận định, mỗi con người đều trải qua vài giai đoạn khủng hoảng trong cuộc đời. Hãy trì hoãn mọi quyết định gây hại đến bản thân bao gồm cả kết thúc cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi chiều 4/4, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ một nam sinh rơi chung cư trên địa bàn phường Phú Lãm tử vong. Nạn nhân được xác định học lớp 8, rơi từ tầng 18 tòa V4 chung cư.

Trước đó, ngày 1/4, nam sinh 16 tuổi sống tại phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội trèo qua lan can chung cư tầng 28, rơi xuống đất tử vong thương tâm. Theo lời kể của gia đình, em để lại một bức thư tuyệt mệnh trước khi hành động dại dột.

Một ngày trước đó, nữ sinh 14 tuổi tại TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, được người thân phát hiện treo cổ. Em để lại thư và nhật ký, nói rằng "mình sắp đi xa".

Cách đó một tuần, tối 22/3, nữ sinh 15 tuổi sống tại một chung cư cao cấp tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng đã chọn cách chui qua cửa chớp nhà mình, rơi từ tầng 26.

Học sinh hành động dại dột, hồi chuông cảnh báo và dấu hiệu nhận biết những bất thường để phòng tránh - Ảnh 1.

Tòa chung cư trên địa bàn phường Phú Lãm - nơi nam sinh lớp 8 rơi xuống tử vong

Chỉ trong 3 ngày, tại quận Hà Đông (Hà Nội) liên tiếp xảy ra 2 vụ học sinh rơi từ tầng cao chung cư tử vong thương tâm. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận cho biết đây là những vụ việc thương tiếc và rất đau buồn.

Theo vị lãnh đạo, trong rất nhiều năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông liên tục phối hợp với các nhà trường tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Kể cả trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, trường học vẫn tổ chức những buổi sinh hoạt lớp nhằm động viên và quan tâm học sinh.

"Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, không riêng ngành Giáo dục. Các bậc phụ huynh, các đoàn thể, cũng có trách nhiệm quan tâm tới học sinh. Đây là lứa tuổi vô cùng nhạy cảm, có nhiều tâm tư và đôi khi bất ổn. Bên cạnh dạy những kiến thức văn hóa, chúng tôi cố gắng giáo dục các em về những kỹ năng, nhất là quan tâm những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt", vị lãnh đạo thông tin.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, thời gian qua, liên tiếp nhiều học sinh quyên sinh là hồi chuông cảnh báo về vấn nạn tự gây hại cho bản thân ở những người trẻ.

Theo ông Nam, những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực thường đến khi người trẻ đối diện với một nỗi thất vọng lớn như thi trượt, thất bại trong cuộc thi hay không đạt được những gì mong đợi…. Trong thời khắc này, họ thường tìm đến những giải pháp tiêu cực như trốn chạy, tuyệt vọng hoặc trả thù bản thân.

"Mỗi con người đều trải qua vài giai đoạn khủng hoảng trong cuộc đời. Hãy trì hoãn mọi quyết định gây hại đến bản thân bao gồm cả kết thúc cuộc sống. Thay vào đó, dành thời gian nghĩ việc mình sẽ nhận sự giúp đỡ từ bạn bè và người thân", ông Nam nói.

Học sinh hành động dại dột, hồi chuông cảnh báo và dấu hiệu nhận biết những bất thường để phòng tránh - Ảnh 2.

Học sinh rơi từ tầng cao chung cư gây xôn xao dư luận (Ảnh minh họa)

TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi dại dột ở lứa tuổi trẻ vị thành niên. Đây là giai đoạn thay đổi tâm lý nên trẻ rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài cuộc sống.

Những mâu thuẫn trong cuộc sống với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống.

Ngoài ra, áp lực học tập, thi cử do bản thân, gia đình cũng có thể khiến trẻ nghĩ đến chuyện tiêu cực sau những thất bại trong học tập, thi cử.

PGS.TS Trần Thành Nam bổ sung thêm nguyên nhân về việc giới trẻ dành nhiều thời gian cho điện thoại thông minh, mạng xã hội và game online khiến họ ít có thời gian cho bạn bè, người thân và các mối quan hệ ý nghĩa.

Ngoài ra, TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đại dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân gián tiếp gây nên các vấn đề tâm lý của trẻ. Khi học trực tuyến, trẻ bị gò bó ở môi trường hẹp, không có cơ hội tương tác với bạn bè và thầy cô, trong khi theo sự phát triển của lứa tuổi thì nhu cầu giao lưu và các hoạt động tập thể khá cao.

Bên cạnh đó, cách thức học và kiểm tra bằng hình thức trực tuyến khác so với phương pháp truyền thống cũng làm cho trẻ dễ bị lo lắng, căng thẳng. Đây có thể xem là những stress đối với trẻ và khi stress xảy ra thường xuyên, liên tục sẽ dẫn đến các rối loạn tâm lý.

"Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động tâm lý nhất do đang trong quá trình hình thành nhân cách, do đó dễ mắc các rối loạn như lo âu, trầm cảm, phản ứng stress cấp, rối loạn phân ly. Việc học online ở nhà làm thúc đẩy tình trạng xuất hiện các dấu hiệu bệnh lý tâm thần và thúc đẩy vấn đề tâm lý trầm trọng hơn", bác sĩ Loan cho hay.

Học sinh hành động dại dột, hồi chuông cảnh báo và dấu hiệu nhận biết những bất thường để phòng tránh - Ảnh 3.

Cha mẹ cần quan tâm, lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn với trẻ (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu và phương pháp

Theo TS.BS Ngô Anh Vinh, những dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ hành động dại dột như luôn than thở buồn chán, cảm thấy mình tội lỗi, xấu xa và vô dụng; có những tin nhắn dặn dò hoặc lời chào từ biệt với bạn bè thân thiết. Cha mẹ cần chú ý khi thấy trẻ có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát như: thuốc ngủ, chuẩn bị dây, dao,…

Bác sĩ Vinh khuyến cáo, vị thành niên là giai đoạn thay đổi về chất và tâm sinh lý, cha mẹ cần tôn trọng, lắng nghe và không nên phán xét, đặc biệt tôn trọng khoảng riêng tư của trẻ. Ngoài ra, việc hiểu rõ nguyên nhân và các dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp cho các bậc phụ huynh tìm được cách giải quyết và ngăn ngừa tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, nếu bố, mẹ lo lắng về con mình hãy tìm sự hỗ trợ của các bác sĩ và nhà tâm lý.

Một số phương pháp cha mẹ có thể áp dụng:

- Không áp đặt thành tích học tập hoặc kì vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cần sắp xếp thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ hợp lí.

- Cần tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học tập và trong các mối quan hệ xã hội.

- Dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống.

- Về phía nhà trường, cần tạo môi trường học tập thân thiện với sự quan tâm, đồng hành của giáo viên.

"Ngay bây giờ, rất cần sự chung tay xây dựng của gia đình, nhà trường và xã hội để cuộc sống của các em được an toàn, hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn", bác sĩ Vinh nói.

Liên quan việc clip và thư tuyệt mệnh của nam sinh 16 tuổi ở Hà Nội bị phát tán, Công an quận Hà Đông đang truy tìm người tung những nội dung này lên mạng xã hội.

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH và TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã gửi yêu cầu cho các nền tảng mạng xã hội không đăng tải clip và bức thư tuyệt mệnh của nam sinh.

Cục cũng đề nghị các cơ quan báo chí không đăng tải clip và nguyên văn lá thư, không xoáy sâu vào nỗi đau của gia đình nạn nhân. Bởi đây là hành vi vi phạm quyền riêng tư, quyền trẻ em và thiếu tính nhân văn.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do nhân thân của mỗi cá nhân, trong đó có quyền tự do về hình ảnh. Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó cho phép, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 32 BLDS.

Theo luật sư Cường, người thu thập trái phép thông tin, hình ảnh của người khác, sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh của người khác thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

https://kenh14.vn/hoc-sinh-hanh-dong-dai-dot-hoi-chuong-canh-bao-va-dau-hieu-nhan-biet-nhung-bat-thuong-de-phong-tranh-20220402181607377.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày