1. Luôn biết lắng nghe
Bạn phải biết cách để khiến cho người đối diện biết bạn đang lắng nghe họ. Nhưng để giúp cho người đối diện biết được điều đó, bạn lắng nghe không chỉ là nghe đơn thuần bằng thính giác, bằng đôi tai mà còn phải lắng nghe bằng những giác quan khác như: ánh mắt, cử chỉ,…
Một người đang cần bạn lắng nghe điều gì đó thường rất nhạy cảm, chỉ cần bạn tỏ vẻ không muốn nghe là lập tức họ sẽ biết điều ấy. Chính vì thế một người biết lắng nghe ngoài bằng tai, bạn hãy tạo ra những “ngôn ngữ cơ thể” để tạo ra một cảm giác thân thiết và an toàn cho người kể chuyện. Một ánh mắt đồng cảm hơn là thương hại, hay những cái nắm tay, gật đầu sẽ là chất xúc tác giúp cho cuộc trò chuyện thân thiết và bền vững hơn.
2. Hiểu những gì bạn đang nghe
Để chứng tỏ là bạn đang thực sự lắng nghe và là người biết lắng nghe, thì bạn phải hiểu được những gì mà người bạn của bạn đang nói. Chỉ khi bạn hiểu được nội dung cuộc trò chuyện, thì bạn mới có được sự đồng cảm và tạo ra sợi dây liên kết giữa hai người.
Một trong những cách để chứng tỏ bạn hiểu câu chuyện là nhắc lại nội dung của câu chuyện đó. Chẳng hạn bạn có thể trả lời bằng cách nói “Tôi hiểu rằng câu nói này của bạn có nghĩa là…?” hoặc “Tôi biết bạn đang có cảm giác là…?”.
3. Những câu hỏi giúp tăng sự hiểu biết về nhau
Một người bạn thân phải là một người bạn hiểu được đối phương một cách tương đối. Và để hiểu được người bạn của bạn, bạn cần phải tìm hiểu, và cách tốt nhất là đặt câu hỏi. Nhưng lưu ý là hãy đặt những câu hỏi hợp lý, có duyên, đúng thời điểm chứ không phải là những câu hỏi vô duyên.
Những câu hỏi hay nhất là những câu hỏi giúp người bạn của bạn có thể trả lời bằng những lời tâm sự hơn là những câu trả lời “có, không”. Việc đặt những câu hỏi mở giúp người bạn của bạn có điều kiện để thể hiện bản thân, kể về bản thân giúp bạn hiểu họ hơn.
4. Biết cách im lặng
Cuối cùng và cũng là đặc biệt quan trọng của kỹ năng lắng nghe đó là im lặng. Một điều tưởng như là tương phản, mâu thuẫn nhưng lại đặc biệt quan trọng. Đôi khi, im lặng lại quan trọng hơn ngàn vạn lời nói.
Lắng nghe một cách chăm chú và không nói gì cả, để giúp người nói tự do diễn đạt theo cách tự nhiên nhất. Tuy nhiên, im lặng không có nghĩa là bạn “đơ”, không làm gì cả. Sự im lặng kèm theo ánh mắt, cái nắm tay,… sẽ giúp người đối diện biết rằng bạn đang lắng nghe.