Vụ việc thầy tát trò, trò đánh lại thầy: Thầy không tròn, học sinh không trọn

Nhuchike, Theo Pháp luật xã hội 16:17 18/02/2014
Chia sẻ

Chuyện thầy tát trò là thầy sai, đánh lại thầy trò càng sai. Một bên đánh mất đạo đức nghề nghiệp, một bên đánh mất sự tôn kính bề trên của một con người.

 Tát trò là thầy sai

Tôi võ đoán rằng đằng sau clip là cả một câu chuyện mà chúng ta không biết. Việc thầy tát trò chắc chắn phải có lý do. Tuy nhiên, dù lý do có to bằng trời thì thầy giáo tát học sinh vẫn cứ là sai. Bởi quá nóng nảy mà thầy giáo đã vứt bỏ tính mô phạm của một người giáo viên, đánh mất sự kính trọng trong mắt con trẻ, đánh mất cả phong thái mẫu mực mà lớp lớp giáo viên gây dựng từ lâu. Dân ta sẽ chẳng chỉ vào đây mà kêu lên rằng, một bộ phận giáo viên đã hoàn toàn xuống cấp... Vâng, chính những sự việc đáng tiếc này là mồi châm cho phản ứng của nhân dân về giáo dục.
 
Vụ việc thầy tát trò, trò đánh lại thầy: Thầy không tròn, học sinh không trọn 1
Dù trò có sai tới đâu cũng không thể tát trò.

Trước khi viết bài này, tôi đã xem qua các bình luận của cư dân mạng. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng thầy “sai rành rành” và “nếu mình là bạn đấy thì mình cũng tát lại”. Không biết khi đọc được những dòng này, thầy giáo kia sẽ cảm thấy thế nào. Cá nhân tôi cảm thấy tiếc nuối cho phút nóng nảy của thầy. Rõ ràng, thầy đã thiếu tinh tế trong ứng xử sư phạm hoặc thầy không nắm rõ những nguyên tắc trong ứng xử sư phạm. Một trong những nguyên tắc cơ bản đó là: Tôn trọng học sinh. Thầy không tôn trọng học sinh thì làm sao chúng tôn trọng thầy?

Trò sai thì phải phạt, nhưng phạt thế nào để trò phục lại là chuyện khác...

Lại nhắc đến nguyên tắc ứng xử sư phạm: Tuyệt đối không bỏ qua lỗi của học sinh. Ở đây, thầy giáo phạt học sinh khi chúng mắc lỗi là đúng. Tuy nhiên, cách phạt của thầy thì sai hoàn toàn vì thầy đã xúc phạm đến thân thể học sinh. Cách phạt này thường chỉ khiến các em nảy sinh thù hằn với thầy cô chứ không khiến các em “ phục” mà sửa lỗi. Một vài cá nhân lì lợm thậm chí còn cố tình gây sự cho “bỏ tức” và để trả thù cú tát trời giáng của giáo viên.

Tôi nhớ thầy dạy Toán của tôi không bao giờ nặng lời với chúng tôi. Đứa nào mắc lỗi, thầy gọi lên góc lớp phạt lau từng lá tre cảnh mà không được làm lá rụng; hay phạt hai đứa con trai nói chuyện riêng trong lớp cùng giơ viên phấn qua đầu. Nói như bọn con trai lớp tôi thì: “Quá nhục!". Đến những lỗi nặng  như vụ gây gổ của hai học sinh nam, giáo viên trường chẳng nghĩ ra hình phạt thú vị là… bắt hai em cầm tay nhau giữa sân trường đó sao? Hẳn sẽ chẳng em nào dám đánh nhau trong truờng thêm một lần nữa!
 
Vụ việc thầy tát trò, trò đánh lại thầy: Thầy không tròn, học sinh không trọn 2
Hình phạt nắm tay nhau giữa sân trường khi vừa gây gổ với nhau
 
Đánh  lại thầy, trò không những sai mà còn bất kính.

Tôi biết nhiều bạn học sinh sẽ cảm thấy không hài lòng khi tôi cho rằng, tội của học sinh nặng hơn thầy. Nhưng quả thực, bạn học sinh ở đây đã bất kính với… người trên tuổi. Không xét trong quan hệ thầy- trò, nếu chỉ đơn giản ở mặt xã hội thì thầy vẫn là vế cha chú của các bạn, đánh lại thầy tuyệt nhiên là hành động vô lễ. Hành động này còn vô lý không thể chấp nhận khi mà thầy đang phạt bạn, vì các bạn mắc lỗi chứ không phải… đánh nhau với các bạn.

Vẫn biết cái tuổi này là cái tuổi đang phát triển, thích thể hiện mình là người lớn, mình là người trưởng thành. Nhưng, thầy cô chúng ta đã trưởng thành trước chúng ta cả chục năm các bạn ạ. Hãy biết kính trọng họ như sau này bạn muốn lớp trẻ sẽ kính trọng mình. Nếu thấy thầy sai, các bạn nên báo với nhà trường, không nên làm chuyện bất kính như thế.

- Vậy tôi bị đánh một cách vô lí cũng phải chịu vì giữ trọn lòng… kính với người không cần phải kính nữa à?

- Không. Nếu cảm thấy thầy đang làm chuyện hết sức vô lí, hãy chạy ngay ra khỏi lớp và báo cho Ban giám hiệu nhà trường. Họ sẽ có cách giải quyết thỏa đáng nhất. Cũng như các bạn, thầy cô sẽ bị phạt. Ban giám hiệu sẽ giúp bạn đòi lại công bằng chứ không phải các bạn.

- Nhỡ bị trù?

- Sau phát tát đó, nếu bị trù thì bạn đã bị trù rồi.

Và những lý do "trời ơi đất hỡi" để nói tiếp về câu chuyện…

Nhớ có lần tôi đi kiến tập, thấy các bạn bàn cuối người thì bỏ điện thoại ra nghịch, người thì ngủ gật ngủ gà, người  thì nói chuyện riêng trong lớp trong khi cô giáo giảng rất say sưa và chất lượng bài giảng phải nói là cực tốt. Có một bạn nữ trong đó bị gọi trả lời một câu hỏi và tất nhiên là không trả lời được. Ngồi phịch xuống ghế, bạn ý phán rằng: “trù mình à?”. Vâng, “trù” với các bạn là thế nào thì tôi không rõ. Đến viết là “chù” hay “trù” tôi còn chẳng biết. Tôi chỉ biết rằng, nếu trong lòng giáo viên có “trù” học sinh thật thì “ trù” cũng chỉ dành cho những bạn lười học và hư thôi. Không có bạn nào vừa ngoan vừa học giỏi mà bị “trù” đâu các bạn ạ.

Và các thầy cô giáo ơi! Học sinh không cần những người có “bàn tay thép” để tát, có sức khỏe tốt để đánh học sinh. Các em cần sự mềm dẻo trong ứng xử sư phạm của thầy cô, cần tri thức của thầy cô mang lại. Và học sinh luôn mong thầy cô giữ sức khỏe tốt để trau dồi tri thức, nâng cao khả năng nghiệp vụ sư phạm chứ không phải để… tát học sinh! Xét cho cùng, với những giáo viên đáng kính trọng thì học sinh có hư đến mấy cũng tỏ ra ngoan ngoãn để thầy cô chúng yêu thương không phải phiền lòng. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày