Tuy có người vẫn đang bực tức, nhưng ai cũng cho rằng: "Nếu được thông báo trước thì sẵn sàng ủng hộ, không phản đối gì".
Lấy máu trước, giải thích sau
Cô Ngân Thị Hà - Phó Hiệu trưởng Trường PT dân tộc nội trú THCS Hồng Tiến - cho biết: Sau khi các em được lấy mẫu máu để làm xét nghiệm kiểm tra bệnh Thalasemie thì có một số phụ huynh thắc mắc. Số phụ huynh thắc mắc là người ở xã Châu Tiến, có con học ở trường. Chúng tôi thấy sự lo lắng, thắc mắc của phụ huynh là đúng, vì họ không được thông báo.
Ngày 22/12/2012, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh học sinh của xã Châu Tiến. Trước phụ huynh, chúng tôi đã giải thích rõ về tác hại của căn bệnh Thalasemie, nói với phụ huynh về mục đích, ý nghĩa của việc xét nghiệm máu để xác định bệnh, giải thích về cách tổ chức của nhà trường, và mô tả lại quy trình lấy máu của đoàn công tác.
"Cuối cùng, thay mặt Ban giám hiệu, thay mặt các thầy cô giáo, tôi đã nói lời xin lỗi phụ huynh, mong được các bậc phụ huynh thông cảm. Bà con đã hiểu và không có ý kiến gì nữa"- cô Hà nói.
Chúng tôi đã gặp gần 20 học sinh của hầu hết các lớp trong trường. Các cháu đều khẳng định: Mỗi cháu được sử dụng một bơm tiêm riêng, máu lấy xong thì được bơm vào ống nghiệm màu trắng, to bằng ngón tay trỏ, có nắp màu xanh, có đánh mã số. Nhìn ở ống nghiệm thì lượng máu bằng khoảng một đốt tay. Không có bất kỳ một túi máu nào to bằng bàn tay cả.
Dù mùa này bà con bận đi mót quặng thiếc, nhưng chúng tôi vẫn tìm gặp được chục phụ huynh học sinh. Bà con bực bội, thậm chí có người rất bức xúc khi xảy ra sự việc, tuy nhiên khi được giải thích thì mọi người đã chia sẻ. Chị Đỗ Thị Hoa ở bản Mới (xã Châu Tiến) - là mẹ của cháu Nguyễn Thị Hoàng Mai, học lớp 7A - xác nhận: "Tôi không nhớ ngày mô, nhưng nhà trường có tổ chức họp phụ huynh để giải thích về tác hại của căn bệnh chi đó, liên quan đến máu. Sau đó, cô Hà có xin lỗi phụ huynh".
Chị Bùi Thị Hương (40 tuổi) ở bản Hạt, nói: "Tôi là người Kinh, bố cháu là người Thái nhưng con tôi vẫn phải xét nghiệm. Tôi rất bực mình, ai lại lấy máu của cháu mà bố mẹ cháu không biết. Khi chúng tôi thắc mắc thì nhà trường mới họp để giải thích, xin lỗi. Tôi nghĩ nếu được giải thích cặn kẽ thì chúng tôi đồng ý cho con xét nghiệm ngay".
Tương tự chị Hương, anh Vi Văn Lê ở bản Hạp cũng rất gay gắt: "Các cháu đang còn nhỏ, vì thế mọi việc liên quan đến chúng thì bố mẹ chúng phải được biết. Tôi không đồng tình về việc này. Nhà trường cứ thông báo với chúng tôi trước thì ai lại đi phản ứng".
Khác với anh Lê và chị Hương, anh Vi Văn Thiêm ở bản Cồng - bố em Vi Thị Giang học lớp 4B Trường Tiểu học Châu Hồng - cho biết: "Tôi nghĩ đây là việc tốt để kiểm tra bệnh tật cho các cháu, tôi không nghĩ có khuất tất nên chỉ theo dõi con sau khi xét nghiệm mà không có ý kiến gì cả. Sau khi lấy mẫu máu, con tôi vẫn ăn và chơi bình thường, không có biểu hiện gì".
Và bác Kim Văn Thân - nguyên y tá quân đội - nói: "Ta đã từng nghe về căn bệnh này rồi. Bây giờ được xét nghiệm để chữa trị thì tốt quá. Thằng cháu ta cũng được xét nghiệm, nó bình thường. Ta ủng hộ mà".
Nhân viên y tế đã được tập huấn, nhưng…
Cũng trong sáng 8/1, chúng tôi đã làm việc với bác sĩ Kim Khánh Đôn - Trưởng trạm Y tế xã Châu Hồng. Bác sĩ Đôn nói, tôi có tham gia giám sát việc lấy mẫu máu của các cháu học sinh. Ở trường THCS thì không có biểu hiện gì đáng kể, chỉ ở trường tiểu học có một cháu bị choáng, nhưng chỉ mươi phút sau là khỏe, sau đó cũng không có biểu hiện gì. Trước khi lấy máu, các cháu được đo, cân, khám sàng lọc và kiểm tra da niêm mạc.
Mỗi cháu được sử dụng một xilanh riêng biệt. Số vỏ xi lanh sau khi dùng đã được chúng tôi gom vào hộp an toàn đưa về hố rác của trạm xá để đốt. "Không có việc 4 cháu dùng chung một bơm tiêm, lại càng không thể có chuyện máu đựng vào xô" - bác sĩ Đôn khẳng định.
Bác sĩ Đôn cũng dẫn chúng tôi ra hố rác của trạm xá để xem. Là một bể chìm, được xây bằng gạch, rộng chừng 5m2. Theo BS Đôn thì cứ hai ngày, trạm xá lại đốt tiêu hủy rác một lần, số xilanh dùng để lấy mẫu máu của học sinh được đốt ở đây ngay vào ngày hôm sau.
Chiều cùng ngày, chúng tôi đã gặp 4 cán bộ kỹ thuật, là những người trực tiếp thực hiện việc lấy mẫu máu nói trên. Đó là các cô: Hồ Thị Hải Lê - điều dưỡng viên, Phương Thị Hiền - kỹ thuật viên, Nguyễn Thị Hoàng Thông - điều dưỡng viên và Lê Thị Như Hoa - bác sĩ của Trường ĐH Y khoa Vinh. Các nhân viên này đều khẳng định: Trước khi lấy máu, các cháu được đo chiều cao, cân nặng, được bác sĩ khám sàng lọc sờ gan, nắn lách, kiểm tra da niêm mạc để xem có bị thiếu máu hay không.
Quá trình lấy máu luôn có giáo viên của nhà trường giám sát và hướng dẫn học sinh. Chị Nguyễn Thị Hoàng Thông cho biết, nhóm của chị lấy hơn 100 mẫu máu, được phát 200 bơm tiêm.
Cô Hồ Thị Hải Lê chia sẻ: Trước khi đi thực địa, chúng tôi được tập huấn ba nội dung. Một là, cách tiếp xúc, ứng xử với bà con người dân tộc, nhất là đối với các cháu học sinh. Hai là, khám sàng lọc, nhưng việc này là của bác sĩ. Ba là, kỹ thuật lấy máu và bảo quản máu".
Nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao các bước truyền thông theo quy trình, nhất là việc phải thông báo cho cha mẹ học sinh biết trước khi tiến hành lấy máu phục vụ việc xét nghiệm, đã không được thực hiện?