Những ngày cuối tháng sáu bỏng cháy, thi thoảng điểm vài cơn mưa nhưng không thể xóa hết những đợt nóng oi nồng. Chị biết em đang trong giai đoạn “nước rút”, chỉ còn vài ngày nữa, kì thi em vẫn cho là "sinh tử" sẽ diễn ra, cam go và mệt mỏi lắm. Chị biết, có thể, vì quá bận rộn bài vở và áp lực đè nặng, em có thể chẳng đọc được những dòng này. Nhưng chị vẫn viết, như một câu trả lời cho em, như một món quà riêng tặng em trước ngày thi đại học.
Vài bữa trước, em có hỏi chị về chuyện sinh viên trường ĐH Ngoại Thương bị một nhà tuyển dụng từ chối, kéo theo đó là rất nhiều bài báo lên án, phê phán và chê bai sinh viên Ngoại Thương. Người ta có thể nghĩ những điều "đao to búa lớn", riêng em thì lại đi tâm sự với chị rằng: “Sinh viên trường "đỉnh của đỉnh như thế" còn đang phải đối diện với nguy cơ thất nghiệp. Trường em định thi lại chỉ tầm tầm, em đậu vô rồi cũng chưa chắc xin được việc sau khi ra trường. Buồn ghê chị ha?”.
Chị sẽ thôi không nói về trường Ngoại Thương, không nói về các bạn sinh viên FTU nữa. Bởi hẳn em đã có đủ lượng thông tin và nhận thức cần thiết cho mình, rằng đâu phải sinh viên nào cũng chảnh và đâu thể dùng một ví dụ để đánh đồng, nói xấu cả một tập thể. Nhưng chị muốn nói với em về trường đại học.
Thầy giáo của chị, người đã trải qua nhiều năm du học ở nước ngoài đã nói, suy cho cùng việc học trong nước hay nước ngoài cũng vậy thôi. Kiến thức hơn kém, chênh lệch nhau không nhiều. Bởi sách báo nước ngoài đầy rẫy trên thị trường Việt Nam, ai cũng có thể mua và tiếp cận dễ dàng. Quan trọng là phương pháp học, phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề. Đó là điều ai ai trong chúng ta cũng cần phải học.
Chị tin thầy nói đúng. Thực tế cũng đã chứng minh rằng đa phần sinh viên sau khi tốt nghiệp, ngay cả sinh viên của các trường thuộc top đầu, đều phải trải qua những khóa đào tạo lại. Nhưng đào tạo lại không có nghĩa là bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh. Vì ngay cả khi kiến thức trong trường ĐH có độ vênh nhất định so với thực tiễn, không chạy theo kịp bước đi của thời đại, thì những kĩ năng mềm, những phương pháp nghiên cứu em được trang bị trong trường ĐH cũng sẽ là hành trang để em hoàn thành tốt khóa học đào tạo lại đó.
Phải chăng cũng vì thế mà các trường ĐH, bên cạnh việc quan tâm về chuyên môn, còn chú trọng các hoạt động ngoại khóa, xã hội cho sinh viên. Họ luôn ý thức được sứ mệnh của mình, rằng chuyện trang bị kĩ năng còn quan trọng và cao cả hơn nhiều việc mang đến tri thức. Nhiều bạn, nhiều anh chị nói rằng, vào đại học, việc học tập trở nên nhàn hơn, cũng vì lẽ đó!
Thật khó để so sánh trường nào trang bị tốt hơn trường nào. Vì điều ấy phụ thuộc vào ý chí của bản thân mỗi người. Em có thể tốt nghiệp từ một trường danh tiếng, nhưng liệu em có thể xin được việc không, khi tấm bằng của em không tương xứng với năng lực. Chỉ vài bài kiểm tra nho nhỏ, chỉ vài thử thách bé xíu, người ta có thể biết em đã học được kĩ năng gì từ trường đại học. Và kĩ năng đó có xứng đáng để người ta bỏ thêm vài khoảng phụ phí ra “đào tạo lại”, cung cấp cho em những kiến thức cụ thể hay không. Tương tự như thế, em bước ra từ một ngôi trường “thường thường bậc trung”, nhưng các nhà tuyển dụng ngày nay họ không quá chú trọng đến bằng cấp, họ chỉ nhìn vào bảng kinh nghiệm làm việc và sự năng động em đã gặt hái được. Người ta có thể nhận em vào làm, ngay cả khi em còn chưa nhận được bằng tốt nghiệp ĐH.
Chúng ta đang sống ở một xã hội mà sự vận động của nó tất yếu sẽ đi cùng với sự thay đổi trong cơ chế giáo dục và tuyển dụng. Nghĩa là người ta cần một nhân viên được việc, chứ không chỉ là một nhân viên “học giỏi”.
Hãy cứ vững tin vào lựa chọn của mình. Những người thành công đều là người biết sống với đam mê, biết cháy lửa với hi vọng và cố gắng của mình, biết tin tưởng vào bản thân và làm hết sức để chứng minh điều đó. Người ta có thể thành công theo nhiều cách khác nhau, đôi khi, thành công có thể tìm đến với ta rất muộn.
Nhưng chị tin rằng, với ai cũng thế thôi, đặc biệt là với em và các sĩ tử trong mùa thi năm này, thành công đơn giản là em dám sống với chính mình, nỗ lực hết mình và dũng cảm đón nhận nó. Có vậy thôi à!
Chị chúc em thành công nhé, cô bé!
Chị Thùy Dung thân yêu của em.