Vì sao sinh viên ngại đi kiến tập, thực tập?

Quỳnh Trang, Theo Pháp luật xã hội 00:01 04/12/2013

Thực tập, kiến tập là những hoạt động bổ ích, giúp SV tiếp cận, làm quen với nghề và môi trường làm việc sau này. Nhưng vì nhiều lý do, SV đang ngại tham gia kiến tập, thực tập và sử dụng nhiều “chiêu trò” để trả bài.

Thực tập, kiến tập là một hoạt động bổ ích, có ý nghĩa

Hằng năm, nhiều trường đại học sẽ cho phép sinh viên năm 3, năm 4 đến những cơ quan, công ty thuộc lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành của mình để làm quen với môi trường làm việc trong tương lai cũng như học hỏi kinh nghiệm và thậm chí trực tiếp làm những công việc theo đúng chuyên ngành học của mình.

Các kỳ kiến tập, thực tập mang lại cho sinh viên những kinh nghiệm và cơ hội tiếp xúc công việc thật nhất, gần nhất. Cũng là cơ hội thử lửa, rèn nghề cho sinh viên, là phép thử ban đầu xem sinh viên đó có đủ năng lực và tố chất với nghề đã chọn hay không.

“Kỳ thực tập của mình rất vui, mình được làm quen, tiếp xúc với công việc làm nhân viên ngân hàng mà mình yêu thích. Các anh chị trong công ty rất thân thiện và hòa đồng, đó là lý do mà mình muốn quay lại công ty làm việc sau khi ra trường” – Phương Thùy, sinh viên năm cuối trường đại học Ngoại Thương chia sẻ. Và đây cũng là một cơ hội lớn để sinh viên năm cuối gặp gỡ, chứng minh năng lực với nhà tuyển dụng, có được việc làm trước khi ra trường.

Từng tham gia cộng tác với một trang báo từ đầu năm 4, đến kỳ thực tập, T.H lựa chọn về báo Thanh niên thực tập, với sức viết tốt cùng sự hăng hái tìm tòi và làm mới các đề tài, kết thúc kỳ thực tập, T.H đã có nhiều bài viết được đăng và được nhận làm hợp đồng tại tòa soạn này.

Sinh viên đang ngại đi kiến tập, thực tập

Biết rằng có nhiều cơ hội, kinh nghiệm về việc làm trong tương lai sau kỳ kiến tập, thực tập, nhưng không phải sinh viên nào cũng tham gia kỳ kiến tập, thực tập này.

Trừ một số trường đại học không tổ chức cho sinh viên đi kiến tập, thực tập, đa phần những trường đại học khác đều tổ chức, giới thiệu sinh viên đến các cơ quan kiến tập theo đúng chuyên ngành của mình. Các trường đều thu báo cáo kiến tập, thực tập, và đề ra chỉ tiêu thu hoạch để đánh giá sinh viên sau mỗi kỳ kiến tập.

Tuy nhiên, khi được hỏi về tình hình sinh viên đi kiến tập, thực tập, N.N – sinh viên năm cuối trường Đại học C.Đ nói: “Sinh viên khoa mình ít ai đi kiến tập, thực tập nếu không có người quen. Bởi vì, khi đến thực tập, mình không có kinh nghiệm thực tế, ngoài chân sai vặt cũng chẳng được làm gì, vì vậy không học hỏi được gì cả, chưa kể đến lúc cần số liệu làm báo cáo, họ cũng không cho, vì đây là bí mật của công ty, không phải ai cũng được quyền xem.”

Không nhận được sự giúp đỡ từ các cơ quan, đơn vị kiến tập, thực tập, cùng với năng lực và kinh nghiệm thực tế ít ỏi, nhiều sinh viên chán nản không đi kiến tập, thực tập hoặc nghỉ, bỏ giữa chừng.

H.Linh (sinh viên năm cuối trường Cao đẳng D.L) nói: “Mình may mắn được đi thực tập vì có người quen, còn lại sinh viên lớp mình hầu hết không đi thực tập.”

Vì sao sinh viên ngại đi kiến tập, thực tập? 1

Khi nhà trường yêu cầu nộp báo cáo kiến tập, thực tập, nhiều sinh viên tự bịa để nộp, số còn lại mua số liệu, xin dấu từ người quen, hoặc mua cả báo cáo thực tập.

“Kỳ thực tập là một kỳ nghỉ với mình, kết thúc kỳ thực tập, mình mua 1 báo cáo thực tập với giá 200.000đ để nộp nhà trường” - một bạn nữ giấu tên cho biết.

“Kỳ thực tập của mình rất thảnh thơi, mình nghỉ cả tháng, cuối tháng thì xin số liệu và dấu của công ty nhà bạn mình rồi tự “chém” – P.H sinh viên năm cuối chuyên ngành Kế toán ĐH TL chia sẻ.

Không đi kiến tập, thực tập sẽ để lại một lỗ hổng lớn với kiến thức, kinh nghiệm, lẫn tư duy làm nghề của sinh viên sau này. Hàng năm, hàng ngàn sinh viên ra trường bị thất nghiệp do không có trong tay một chút kinh nghiệm thực tế nào với công việc mà mình sẽ làm.

Kiến tập, thực tập là một “cơ hội vàng” để thử nghề, rèn nghề với sinh viên sắp ra trường. Vì vậy, dù gặp nhiều khó khăn, các bạn sinh viên cũng nên tham gia, cùng trau dồi và cố gắng. Thành quả sẽ đến với những người có ý chí, dám đương đầu và vượt qua thất bại.