Vì sao không nên quá lo lắng về những gì bạn sẽ làm sau khi tốt nghiệp?

Quỳnh Chi, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 05/06/2015

Bạn có thể tìm được một công việc ưng ý ngay không? Và cả khóa luận lẫn kỳ thi tốt nghiệp, tất cả đang làm bạn rối tung rối mù vì lo lắng. Rất dễ hiểu, bạn đang cần phải đưa ra một số quyết định quan trọng để thực hiện mục tiêu của mình.

Bạn sắp tốt nghiệp đại học, có thể bạn đang quá lo lắng về những gì bạn sẽ làm gì sau khi học. Bạn sẽ trở về nhà hay ở lại thành phố để tìm cơ hội? Bạn có thể tìm được một công việc ưng ý ngay không? Và cả khóa luận lẫn kỳ thi tốt nghiệp, tất cả đang làm bạn rối tung rối mù vì lo lắng. Rất dễ hiểu, bạn đang cần phải đưa ra một số quyết định quan trọng để thực hiện mục tiêu của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo mọi thứ sẽ đi đúng quỹ đạo của nó, thì bạn không nên quá lo lắng về cuộc sống của bạn sau khi ra trường.  

1. Đơn giản là vì tân cử nhân nào cũng có tâm trạng như bạn thôi

Mặc dù bạn nên lập một kế hoạch cho cuộc sống của mình, nhưng đừng quyết định nóng vội, chủ quan ngay khi bạn bước ra ngoài cánh cổng trường đại học. Một số sinh viên sẽ cảm thấy rằng: tôi phải có ngay câu trả lời cho cuộc đời mình ngay khi tôi cầm tấm bằng đại học trên tay. Và bạn không phải là người duy nhất chịu cảm giác này. Tân cử nhân nào cũng có chung tâm trạng với bạn thôi. Bạn có thể chia sẻ, tâm sự với một vài người bạn để cảm thấy nhẹ lòng hơn. Các bạn có thể giúp đỡ lẫn nhau hoặc đơn giản chỉ là một lời động viên thôi cũng giúp ích rất nhiều rồi.  

2. Bạn sẽ bỏ lỡ thực tại đấy

Nếu bạn quá căng thẳng và lo lắng cho cuộc sống sau đại học, bạn sẽ không thể tận hưởng những khoảnh khắc này. Bạn sắp tốt nghiệp đại học và đây là thành công lớn đối với bạn. Thời điểm này có thể là vài tuần hoặc vài tháng tự do trẻ trung cuối cùng của bạn. Thay vì tập trung quá nhiều vào tương lai, hãy cố gắng sống và tận hưởng thực tại đi nào.

3. Lo lắng không giúp cải thiện tình hình

Lo lắng không giúp cải thiện tình hình đâu.  Rất nhiều sinh viên đại học đã bị mất ngủ và ám ảnh bởi ước mơ và khát vọng của họ sau khi tốt nghiệp. Chuyện sợ hãi, lo lắng về tương lai là rất bình thường. Nếu bạn muốn cải thiện tình hình, hãy thư giãn và làm những điều mình muốn. 

4. Trường hợp xấu nhất sẽ không xảy ra đâu

Có thể một tương lai không biết “đi đâu, về đâu” đang ám ảnh bạn. Đừng lo lắng và tưởng tượng về những viễn cảnh tồi tệ. Nếu vài tuần sau khi ra trường mà bạn chưa nhận được lời mời làm việc nào, thì hãy nộp CV cho vài đơn vị tuyển dụng mà bạn thấy quan tâm. Lên một kịch bản xấu là vô nghĩa, những gì bạn cần làm là tìm hiểu và ứng tuyển vào những vị trí phù hợp với bạn. 



5. Bạn còn rất nhiều thời gian để quyết định cho tương lai của mình mà

Cuối năm học có lẽ không hẳn đã là thời điểm để bạn quyết định về tương lai của mình. Bạn vẫn còn trẻ và còn hơn 40 năm để phấn đấu và cố gắng cho sự nghiệp của mình. Nếu cha mẹ bạn nói rằng, bạn không cần thiết phải trở về nhà, hãy ở lại thành phố để tìm cơ hội tốt hơn cho mình. 

6. Bạn có thể tự do thay đổi quyết định 

Một số cử nhân lo lắng rằng họ đã quyết định sai lầm khi chọn trường học cũng như ngành học. Tuy nhiên, sau khi ra trường, bạn hoàn toàn có thể mắc sai lầm và làm lại. Vì vậy đừng lo lắng gì cả. 

7. Đừng nên so sánh với ai cả

Bạn cũng không nên so sánh bạn với bất cứ ai, mỗi người đều là những cá thể độc lập, các bạn có xuất phát điểm, điểm mạnh, điểm yếu riêng, vì vậy hãy đừng ngó nghiêng mà cứ chạy một mạch về đích. Bạn có thể cảm thấy bị căng thẳng khi bạn bè đã có việc làm và cảm thấy bạn sẽ bị bỏ lại đằng sau. Tuy nhiên, hãy sống hết mình, và cuộc sống sẽ mỉm cười với bạn.