Việc nâng giá xe buýt một lần nữa gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với hành khách thường xuyên sử dụng xe buýt đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên.
Giá vé đột ngột tăng
Tháng 10/2012, giá vé xe buýt tăng từ 3.000 đồng/lượt lên 5.000 đồng/lượt. Giá vé liên tuyến không ưu tiên tăng từ 80.000 đồng lên 140.000 đồng/tháng. Sau tháng 5 này, giá vé xe buýt sẽ tăng với mức thấp nhất là 7.000 đồng/lượt và cao nhất là 200.000 đồng/tháng. Sự gia tăng đột ngột của giá vé khiến một số hành khách khá lo lắng. “Xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng, sinh ra để hạn chế phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc giao thông, nhưng lại tăng giá một cách vô tội vạ” – Bạn Hồng Anh (sinh viên năm 3 Đại học Phương Đông) phàn nàn.
Giá vé xe buýt tăng cao và bất ngờ khiến sinh viên và những người thường xuyên di chuyển bằng phương tiện này khá bất ngờ. Bạn Trần Thùy Trang (sinh viên năm 2 ĐH GTVT) cho biết: “Giá xăng và giá vé xe buýt lần lượt tăng cao, sinh viên đã thiếu thốn đủ bề, chúng mình đã tiết kiệm nên đi lại bằng xe buýt, mà giá xe buýt tăng cao thế này chúng mình thật không biết nên làm thế nào”.
Theo anh Nguyễn Văn Nam (nhân viên làm vé tháng cho xe 27 BKS 29N- 8492 ) cho biết: “Giá vé tăng khiến hành khách hoang mang. Nhiều người thắc mắc chúng tôi cũng chỉ biết giải thích rằng đây là chủ trương của Sở GTVT, nhằm khuyến khích hành khách đi xe buýt tháng, giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông”.
Thắc mắc về chất lượng
Giá vé xe buýt tăng, tuy nhiên nhiều người vẫn hoài nghi về chất lượng của xe buýt sau khi tăng giá. Biết rằng việc phải tăng giá vé xe buýt là điều khó tránh bởi giá nhiên liệu, trả lương công nhân đều tăng. Tuy nhiên, việc tăng giá vé xe buýt đòi hỏi phải đồng thời tăng chất lượng phục vụ, nhất là bảo đảm an toàn cho hành khách.
Bạn Lê Bá Nam (sinh viên năm 3 - ĐH Bách Khoa) cho biết: “Xe buýt 32 là nỗi ám ảnh với mình. Lúc nào xe cũng trong tình trạng quá tải, chất lượng xe cũng xuống cấp trầm trọng, có chiếc hỏng cả cửa”.
“Trong một lần đi xe buýt mình đã bị móc túi, thậm chí trấn lột cũng có bạn bị trấn lột ngang nhiên trên xe” - Bạn Nguyễn Thị Hiệp (sinh viên năm nhất – đại học Ngoại Ngữ - ĐHQGHN) chia sẻ.
Nếu tăng giá vé, nên nâng chất lượng
Nhiều hành khách tuy không mấy đồng thuận về việc gia tăng vé buýt, nhưng hầu hết họ sẽ tán thành tuyệt đối nếu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thiết kế được mạng lưới xe buýt sạch, đẹp, an toàn, tiện lợi.
Bạn Nguyễn Mai Hoa (sinh viên năm 3 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền): “Vì số lượng hành khách đi xe buýt rất đông, đặc biệt là trong những giờ cao điểm nên mình có mong muốn tăng cường số lượng các tuyến xe buýt, để chấm dứt tình trạng bỏ bến”.
Bạn Nguyễn Thế Anh (sinh viên năm 2 ĐH Giao thông Vận tải) nói: “Mình mong muốn các tuyến xe buýt được đảm bảo an ninh, để không còn tình trạng bị trấn lột, bị mất trộm đồ trên xe buýt.”
Chị Nguyễn Thị Hà Thu (sinh viên năm 2 – Đại học Luật HN): “Theo mình, thái độ của phụ xe và lái xe cần được chấn chỉnh”.
Rất nhiều những mong muốn của hành khách đi xe buýt đã được nêu ra, đặc biệt là với các bạn học sinh, sinh viên. Bởi đây vốn dĩ là phương tiện thường xuyên đi lại, đến trường của mình.