Có thể bạn sẽ nói tôi điên rồ, tôi ngớ ngẩn. Bởi từ xưa tới nay ai đi thi đại học mà chẳng mong mình đỗ và trượt đại học là một điều gì đó quả là rất kinh khủng. Nhưng sự thực thì ngược lại. Bất cứ việc gì cũng có hai mặt tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Và không nhiều người có thể nhận ra điều đó để bản thân có cách nhìn thoáng hơn đối với con đường Đại học. Và một trong những vấn đề tích cực đó là:
Có thời gian tĩnh tâm suy nghĩ
Thường thì sau khi các trường đại học công bố điểm thi và điểm chuẩn thì các bạn đã biết được mình trượt hay đỗ. Nếu đỗ thì vui mừng và hạnh phúc. Nếu lỡ "vấp vỏ chuối" thì gần như tất cả đều ủ rũ, lo lắng, thậm chí là làm những điều dại dột đối với bản thân. Rất ít bạn tự hỏi “tại sao mình học hành chăm chỉ như vậy mà có thể trượt?” hay “tại sao sức học của mình khá thế lại trượt ?”
Thanh (21t) - sinh viên năm 2 cho biết:
“Thời gian đầu trượt đại học, tinh thần mình sa sút nghiêm trọng. Bản thân bỏ ăn, ngồi lì trong phòng cả tháng trời. Phải một thời gian khá dài sau đó, mình mới dám ra ngoài và quyết định học lại "lớp 13". Những buổi học đầu tiên mình cảm thấy rất ngượng, không dám bắt chuyện cùng ai. Nhưng một hôm bạn ngồi kế bên lên tiếng làm quen và chúng mình thân nhau hơn.
Dần dần mình cởi mở, trao đổi kiến thức với bạn, và hiểu rằng, có những người trượt đại học không phải vì sức học của họ kém mà đơn giản chỉ là do sơ suất trong khi làm bài hay lí do khách quan khác mà thôi. Quan trọng hơn là bản thân tự nhận ra bản chất của nó ra sao? Cách học vẹt, học thuộc lòng đã “giết” mình như thế nào. Từ đó mình thay đổi phương pháp học và kết quả là bây giờ mình đã là cô sinh viên năm 2. Nghĩ lại, mình thấy có lẽ mình đã may khi trượt đại học năm đầu. Nếu không thì không bao giờ mình nhận ra được cách học tập của mình là sai lầm và luôn co mình lại trong vỏ ốc”.
Một khi bạn đã nhận ra được những lí do khiến mình trượt đại học thì việc giải quyết các vấn đề đó sẽ không còn là khó khăn nữa. Và việc hướng đến cánh cửa đại học là một điều không xa.
Con đường của bạn vẫn còn dài, và đây chỉ là những khó khăn đầu tiên cần phải vượt qua. (Ảnh minh họa)
Khám phá ra niềm đam mê đích thực của chính bạn
Hầu hết khi bước vào tuổi 18 - tuổi còn ẩm ương và chưa định hướng được tương lai của bản thân, mình sẽ thi nghề gì? Mình thích hợp với công việc nào? Thì việc teen chọn đại một trường đại học để thi hay quyết định theo sự sắp xếp của bố mẹ, hoặc chạy theo tâm lí số đông là một điều dễ hiểu. Để rồi khi bước vào trường thấy mình đã sai lầm hoàn toàn, đâm ra chán nản.
Phú (20t) cho hay: “Năm đầu thi đại học mình đăng kí khoa CNTT nhưng trượt vì thiếu nửa điểm. Để giúp mình lấy lại cân bằng, bố mẹ mình đã quyết định cho mình về quê nội hai tháng. Lúc đầu mình không đồng ý, giãy nảy lên, vì mình biết ở quê làm gì có internet, biết làm gì cho hết thời gian. Nhưng khi vừa đặt chân lên mảnh đất trung du với đồi chè bạt ngàn, rừng cọ xanh mướt đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tớ. Những lần theo chân ông nội và mấy đứa em họ lên đồi, tớ cảm thấy thiên nhiên, đất nước ta thật tươi đẹp. Và tớ quyết định đăng kí thi vào trường du lịch để được đi đây đi đó khám phá những vẻ đẹp của đất nước. Giờ tớ đã sinh viên được 1 năm rồi, chuẩn bị sang năm thứ 2, tớ thấy yêu ngành mình học vô cùng. Có như thế mình mới chăm chỉ học tập cũng như không hối hận vì lựa chọn của chính mình”.
Đừng vội nản chí các bạn nhé. (Ảnh minh họa)
Trái với Phú, Hương (22t) lại thổ lộ:
“Lúc đầu ba mẹ cứ bắt mình thi ngân hàng nhưng do mình không thích nên dù có cố gắng để bố mẹ vui lòng thì mình cũng không thể đỗ. Bố mẹ buồn, hay la mắng, khiến mình cũng tủi thân lắm. Những lúc như thế mình lại lên mạng và gõ lạch cạch những dòng tâm sự gửi cho báo.
Ban đầu tớ chỉ viết để giải tỏa nỗi buồn thôi nhưng thật bất ngờ bài của tớ được đăng. Không chỉ một bài mà rất nhiều bài khác nữa. Mọi người nói giọng văn của tớ khá ổn. Lâu rồi mình đâm ra nghiện ra viết lách lúc nào không hay. Mình xin bố mẹ thi vào ngành báo. Bố mẹ phản đối kịch liệt. Nhưng thấy các cô bác hàng xóm cứ xuýt xoa khen “con bé nhà anh chị giỏi thật đấy, còn được đăng báo nữa cơ đấy!”, dần rồi bố mẹ cũng ủng hộ tớ. Hiện giờ tớ vừa đi học vừa làm CTV cho một số tờ báo để lấy kinh nghiệm sau này”.
Tìm được một công việc, ngành nghề mà yêu thích quả là rất khó. Có người cứ tưởng rằng mình thích nghề này rồi, gắn bó cả mấy năm trời rồi mới nhận ra thực ra mình làm nó chỉ như một thói quen hằng ngày, như buổi sáng thức dậy thì phải đánh răng, như khi ăn xong thì thường uống nước. Vì vậy nếu bạn đã phát hiện ra thứ mà mình đam mê bằng cả trái tim thì hãy cố gắng thực hiện lấy nó.
Mạnh mẽ và trưởng thành hơn
Trượt đại học có thể được xem như là vấp ngã đầu tiên của bạn trên con đường còn lắm chông gai và nhiều thử thách phía trước. Một khi bạn tự mình vượt qua được chướng ngại vật này thì suy nghĩ của bạn, hành động của bạn trước những khó khăn khác sẽ chững chạc hơn, sâu sắc hơn, và quyết đoán hơn.
“Tưởng như mình đã gục ngã không thể đứng dậy nữa sau lần trượt đại học. Mình đã không tin nổi là mình trượt. Nhưng rồi cần phải đối diện với sự thật, cứ sống trong đau khổ, xấu hổ trước mọi người không giúp mình làm được gì cả. Vì vậy mà tự mình phải chiến đấu, phải dũng cảm đối diện với mọi thứ. Và tớ đã thành công. Tớ đã vượt qua nỗi mặc cảm trượt đại học khi 12 năm liền là học sinh giỏi để rồi trở thành cô sinh viên ngoại giao”. Đó là lời tâm sự rất chân thành của Phương (21t).
Trong cuộc sống ta hay nhìn vào những may mắn đến với người khác và luôn nghĩ “tại sao người đó may thế?” hay “mình chẳng bao giờ gặp may cả!” mà chưa bao giờ nhìn vào bản thân mình và nhận ra mình cũng may mắn lắm chứ! Trượt đại học sẽ đem đến cho bạn những ngã rẽ khác trong cuộc đời. Ngã rẽ đó sẽ có những khó khăn, những thử thách chờ bạn phía trước. Mỗi một thử thách bạn gặp phải trong đời là một “ cơ hội may mắn” giúp cho bạn có thêm những vốn sống mà không ai có thể dạy cho ta.