Kỷ luật thép là “thương hiệu” của hầu hết trường nội trú. Tập “Quy định về việc xử lý HS vi phạm nội quy nhà trường” của Trường tư thục Thành Nhân (Q.Tân Phú) dày chín trang giấy A4 là tài liệu đầu tiên mà phụ huynh và HS nhận được khi nhập trường. Ở Trường tư thục Nguyễn Khuyến, mỗi HS phải tự tay chép vào vở bảng nội quy của nhà trường như một sự cam kết không vi phạm các quy định nói trên.
Những nội quy “có một không hai”
Mới đầu năm học mới, chị Xuân, phụ huynh có con học lớp 11 một trường tư thục tại Q.Tân Bình, đã tá hỏa khi được nhà trường mời lên và thông báo: Em này bị đuổi học vì mang điện thoại vào trường (bị bảo vệ phát hiện khi chưa sử dụng). Chị Xuân bức xúc: “Cháu mới vi phạm lần đầu nhưng thầy quản nhiệm nói từ trước tới nay hễ vi phạm là đuổi học, nếu nhân nhượng bất cứ trường hợp nào sẽ không đủ răn đe với các HS khác. Tôi nghĩ đuổi học đâu phải là cách giáo dục. Phải nhắc nhở và cho HS cơ hội sửa sai mới là giáo dục”. Suốt một tuần liền chị phải liên hệ gặp các giáo viên, quản nhiệm và ban giám hiệu để xin cho con mình được ở lại trường vì chỉ còn hai năm nữa là tốt nghiệp. Cuối cùng, chị thở phào thông báo: “Sau nhiều ngày nài nỉ, vận động hết mọi mối quan hệ, cháu được ở lại trường nhưng phải chuyển sang cơ sở khác”.
Giờ ôn tập buổi tối của học sinh Trường THPT dân lập Thanh Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM luôn có sự giám sát của giám thị và giáo viên quản nhiệm.
Ở trường tư, những chuyện nghe có vẻ bất bình thường như lục soát cặp sách, áo quần hay đọc... nhật ký của học trò lại là việc đương nhiên phải làm của những người quản nhiệm. Những điều này cũng được thông báo công khai từ đầu năm học và được phụ huynh đồng tình. Trong đó, điều khoản phổ biến nhất là HS không được mang điện thoại, tiền bạc và trang sức có giá trị vào trường. Có trường cho phép HS mang theo tiền nhưng chỉ tối đa 30.000 đồng. Giám thị và quản nhiệm được phép lục soát HS để đảm bảo nội quy này.
Ở Trường tư thục Chu Văn An (Q.Bình Tân), bảo vệ phải kiểm tra và ghi nhận tất cả vật phẩm mà HS mang vào và mang ra khỏi trường. HS xin ra khỏi lớp phải được sự đồng ý của giáo viên chủ nhiệm (có giấy ra vào lớp). HS muốn ra khỏi trường phải được người giám hộ xin phép và được cấp giấy ra cổng từ tổ trưởng giám thị hoặc ban giám hiệu.
Trường tư thục Việt Thanh (Q.Tân Bình) và Trường Khai Minh (Q.Tân Phú) thì quy định rất chi tiết về chuyện “cấm yêu đương trong trường” và từng có HS bị “cách ly” do “quan hệ trên mức tình bạn”. Nội quy ghi rõ: quan hệ nam nữ phải trong sáng, không được tiếp xúc nơi bóng tối. Ngoài giờ học, nam nữ gặp nhau phải từ ba người trở lên. Sau 22g, tất cả HS nam không được lên khu vực các tầng lầu.
Trường tư thục Ngô Thời Nhiệm (Q.9) lại quy định rất kỹ về đồng phục: đồng phục phải theo mẫu logo của trường, không được tự ý may khác mẫu, sửa lại, cắt ngắn, không xăn ống quần, xăn tay áo, mở khuy áo, nam sinh không được bỏ áo ngoài quần, không được mặc quần ống bó, thắt lưng xệ, váy nữ sinh dài tối thiểu tới gối. Ngoài giờ học, HS được mặc tự do nhưng nữ sinh không được mặc áo hở ngực, không được mặc quần đùi, quần soóc hoặc váy quá ngắn. Trường Đông Du yêu cầu HS không được nhuộm tóc, xịt keo, nam sinh không được để râu. Nữ sinh không được đánh phấn, son môi, sơn móng tay, móng chân, kẻ chân mày.
Điều khoản cuối trong nội quy các trường tư thục thường là: HS nào không chấp hành sẽ bị buộc rời khỏi nội trú, đồng thời xếp loại hạnh kiểm yếu - kém và ghi vào học bạ.
Phụ huynh đồng tình
Cô Lý Thục Trang, hiệu trưởng Trường tư thục Thành Nhân (Q.Tân Phú), cho biết phụ huynh gửi con ở trường tư mong muốn một môi trường thật sự an toàn cho con mình. Bảng nội quy của trường được soạn ra từ kinh nghiệm nhiều năm quản lý HS tư thục của các thầy cô. Khi đã có nội quy, nhà trường phải đi từ nhắc nhở đến giáo dục, răn đe, nếu nghiêm trọng phải xử lý cứng rắn, công bằng để làm gương, tránh để HS có sự so sánh và học gương xấu của các bạn và cũng là giữ một môi trường thật an toàn, tin cậy cho phụ huynh. Trường này quy định rõ từng mức độ lỗi và mức độ kỷ luật được dựa trên số lần phạm lỗi. Nếu “quá tam ba bận” mà HS vẫn vi phạm thì trường sẽ mời phụ huynh lên để trả lại hồ sơ.
Thầy Lê Trọng Tín - hiệu trưởng Trường tư thục Nguyễn Khuyến, một trong những trường tư thục có số lượng HS đông nhất cả nước - cho biết từ đầu năm đến nay nhà trường đã xử lý một vài trường hợp mang điện thoại vào trường bằng cách chuyển các em qua cơ sở khác, nếu HS vi phạm lần nữa sẽ bị buộc chuyển trường. Việc không cho mang điện thoại vào trường phụ huynh rất đồng tình, vì mang điện thoại vào các em không học được, xem những cái không kiểm soát được... Kỷ luật nghiêm khắc chủ yếu là để HS nhận thức được lỗi của mình và tập trung cho chuyện học, còn nếu quy định như vậy, nhắc nhở nhiều lần mà HS vẫn không nhận thức được thì kể như thua.
Dịch vụ “ký gửi điện thoại”
Việc đưa ra các nội quy cùng chế độ kỷ luật hà khắc ở các trường tư không phải không có lý do. Những câu chuyện cười ra nước mắt được các quản nhiệm một trường tư thục tại Q.Tân Phú kể lại: trường nghiêm cấm mang điện thoại vào lớp học, có HS tìm cách giấu điện thoại vào... đáy quần, mang trong người, nhưng khi vào trường, quản nhiệm tinh mắt đã kiểm tra và phát hiện. Chính vì vậy, nhiều năm nay trước cổng các trường tư thục luôn có “dịch vụ” ký gửi điện thoại tại các hàng quán để HS sử dụng trong các dịp được ra khỏi trường.
Trường cấm hút thuốc trong trường, HS tìm cách mang thuốc lá vào bằng cách cho thuốc vào túi nilông, cột chặt rồi thả vào lọ dầu gội đầu hay để dưới đáy hộp đựng thức ăn rồi phủ gà rán, khoai tây lên trên. Từ đó, nhà trường buộc phải kiểm soát tất cả đồ ăn, thức uống cũng như vật dụng cá nhân mang vào, mang ra khỏi trường.